Đường dẫn truy cập

Mộng Lệ An


Mộng Lệ An
Mộng Lệ An

<!-- IMAGE -->

Hồ Đình Nghiêm. Sinh năm 1957 tại Huế. Học xong Cao đẳng Mỹ thuật năm 1978. Làm thuyền nhân năm 1980. Viết truyện ngắn đầu tay ở trại tị nạn Kowloon, Hồng-kông. Định cư ở Montréal, Canada từ 1981. Đã xuất bản 4 tập truyện: Nguyệt Thực, Văn Nghệ, California 1988; Tờ Mộng Rách Rồi, Tân thư, Thời văn, California 1991; Vầng Trăng Nội Thành, Văn Mới, Cali. 1997; Mùi Hương Trên Đồi, Văn Mới, Cali.2005.

Ba tôi là một người hạnh phúc. Có thể ví ông như tấm gương sáng mà tôi muốn soi, để học hỏi. Mô tả ông, tôi xin kể lại mẫu chuyện nhỏ:

Ông đi bệnh viện, chờ nửa ngày mới được gọi tên. Vào phòng, ông trình bày:

- Thưa bác sĩ, vợ tôi rất hay ngoại tình, nhưng lúc nào cũng vậy, mỗi khi tôi tính nổi giận thì bả lại nhỏ nhẹ: "Anh nên bình tĩnh, hãy uống một tách cà phê..."

- Tôi hiểu, nhưng ông cần tôi giúp điều gì?

- A, tôi chỉ muốn hỏi bác sĩ, uống nhiều cà phê như thế thì có hại cho sức khỏe lắm không?

Mẹ tôi cũng là người hạnh phúc. Bà biết tìm kiếm những điều giúp bà vui, chẳng mấy khi thấy mẹ buồn. Một hôm tôi bắt gặp bà đứng trước gương săm soi, ngắm không chán chiếc áo đắt tiền đang mặc trên người. Tôi nói với bà:

- Đẹp quá! Ba mới mua cho mẹ à?

- Ba nào mua? Cứ chờ ba mày thì đến cả mày cũng chẳng có nữa là áo!

Tôi rất yêu cách trả lời của bà. Cũng chính mẹ đã hơn một lần giáo dục em gái tôi, chận đứng tức thì nỗi háo hức của nó.

- Mẹ ơi, hôm nay con chính thức được ông giám đốc nhận làm em gái nuôi. Mình có nên ăn mừng không?

- Ở đời, người ta nuôi con gì rồi họ cũng đem ra làm thịt hết con ạ!

Em gái tôi có chút nhan sắc. Điều này khiến cho lắm đứa con trai mê mệt, đeo đuổi. Nhưng chẳng hiểu sao, tất cả những cuộc tình đến với nó đều không ở được lâu. Giận hờn. Tan vỡ. Sum họp rồi chia lià. Tôi biết một chuyện về nó, một "biến cố". Hôm đó, cảnh sát chận xe lại và nói với người bạn trai nó đang cầm tay lái:

- Đèn xi-nhan và đèn pha của xe anh bị hỏng. Tôi phạt anh hai trăm đô la.
Em gái tôi ngồi bên vọt miệng nói cùng khổ chủ:

- Đó, anh thấy chưa? Vậy mà đằng chỗ sửa xe dám đòi những bốn trăm đô!

Bản thân tôi, tuy cùng sinh hoạt trong một mái nhà nhưng chẳng mấy khi gần gũi nó. Tôi không hợp tính nó. Tôi quí và nể anh tôi hơn. Anh là một nhà văn. Có lần tôi đọc được trong nhật ký của anh một vài dòng ngắn thật lý thú. Anh kể lại chuyện đi khám bệnh của anh.

- Thưa bác sĩ, đêm qua mắc mưa tôi bị ướt như chuột lột, rét run tựa thằn lằn đứt đuôi, nằm co quắp như tôm, ho như gà...

- Anh qua phòng bên cạnh, nơi đó mới có bác sĩ thú y...

Ở trang khác, anh viết chữ bay bướm, lời lẽ rất lộng ngôn: "Giờ chúng ta mới biết tại sao phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới. Bởi vì họ không phải chịu đựng các bà vợ."

Anh như thánh hiền. Ba tôi cũng khoái trong bụng mặc dù viết văn là thứ nghề ông khinh ra mặt. Nhà thỉnh thoảng có khách đến viếng thăm anh. Có lần một cô gái đang tập tành lân la với văn chương tới gặp anh để xin ý kiến. Cô ta hỏi:

- Thưa văn sĩ, ông có thể vui lòng nói cho tôi biết cách thức viết bản thảo một cuốn tiểu thuyết?

Anh tôi sốt sắng:

- Đơn giản lắm cô ạ. Cô cứ viết từ trái sang phải, không nhất thiết phải thẳng hàng, có quyền gạch bỏ chúng. Bằng viết chì, viết mực. Xanh hay đỏ gì cũng được.

Anh không có lắm bạn bè. Anh bảo, cô đơn rất cần thiết cho những kẻ làm công việc sáng tác. Anh ở trong phòng suốt ngày, cửa đóng kín.

Vậy đó, toàn bộ hoạt cảnh của gia đình tôi. Thế nào cũng có bạn thắc mắc: Thế còn cậu? Chân dung cậu ra sao? Tôi? Tầm thường so với những người trong nhà. Khép kín. Nhạt nhòa. Chìm đuối. Tôi không biểu hiện thái độ chán đời. Tôi thấy cuộc sống chẳng thú vị. Như nước trong ao tù. Tôi luôn nuôi ý định vượt biên. Tôi muốn bỏ nhà ra đi. Tính đi vào mùa hè thì bất ngờ em gái tôi gặp tai nạn, nó lỡ dại phải mang bầu và mẹ tôi quyết định thay nó: Đám cưới lẹ đi con. Mẹ thật chẳng muốn nghe câu nói: “Ta không vào địa ngục thì ai vào!” Tổ cha mi, sao bắt tao làm bà ngoại sớm thế!?

Đám cưới diễn ra, đột ngột như mưa giông, chóng vánh như mưa rào. Ba tôi lâu lắm mới được dịp uống rượu. Tiệc cưới, mặt đỏ ké, cà vạt xộc xệch, ổng lên đọc lời phi lộ, tay cầm micro giọng sang sảng, lí lẽ hùng hồn hấp dẫn thực khách. Tôi nhớ mang máng như ông tự đặt câu hỏi và rồi tự trả lời lấy: "Tại sao có kẻ vừa sinh ra được chỉ định làm vua ngay, trong khi luật pháp lại quy định phải đủ mười tám tuổi mới có quyền lấy vợ? Dạ thưa, ấy là do bởi trị nước thì dễ mà trị vợ thì thậm khó!"

Mọi người vỗ tay vang rân. Mẹ tôi nói: Hay ho gì? Người ta vỗ tay hoan hô bởi ba mày chấm dứt con cà con kê con dê con ngỗng xong là tới tiết mục ăn nhậu đó thôi. Ba hoa triết lý cho gắt cũng thua xa bốn chữ "Dĩ thực vi tiên". Phàm ở đời, trăm khi như một, miếng ăn là thứ cần kíp nhất. Người ta uýnh nhau chí tử cũng vì cái động từ nhai, nuốt. Tao đang lo, mai hậu tụi bây lấy chi ăn? Có mà bốc đất! Em gái tôi mặt chảy dài, như thể nó vừa làm xong phép cộng trừ và kết quả là một sự thâm thủng ngoài định liệu. Chẳng rõ do ai sắp đặt, sát chỗ tôi ngồi có người đàn bà ăn vận có hơi bị thông thoáng. Vị phụ nữ ấy luôn di động, kiểu chứng tỏ mình đẹp và mọi người nên nhìn ngắm để chứng thực. Ba tôi nói bên tai: Thời cơ đến rồi đấy. Nó ngó mày đắm đuối nãy giờ. Phải chi mày khiến nó bụng mang dạ chửa thì thật là đại hỉ. Nói thật nghe, em mày có bầu bố thiệt chẳng vui. Người Tàu phán: “Nhiên tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại”, nghĩa là Chết: Chuyện nhỏ. Mất trinh tiết mới là chuyện nhớn. Hiểu ý bố không?

Miệng ba tôi nồng mùi rượu. Mày đánh cá với bố không, vú con mẹ ấy là đồ giả! Tôi ngó vào ngực vị phụ nữ kia. Tôi chẳng có kinh nghiệm về khoản ấy, nhưng mà vùng da thịt trống vắng kia quả thật có hơi phì nhiêu mầu mỡ. Tôi thưa với ba tôi: Đồ thật bố ạ, thông thường kẻ xài đồ giả họ không có được cái vẻ ưỡn ngực tự kiêu kia. Tỉ như mình sử dụng giấy căn cước dổm, gặp cảnh sát tự nhiên phải rụt rè là chuyện dễ hiểu. Tôi tính đưa thêm một ví dụ về hàm răng giả của bố nhưng ngại ổng giận. Ngoài tình cha con tôi luôn cảm thông tâm cảm của một người bất đắc chí.

Đến phần khiêu vũ, người đàn bà ngồi cạnh quay sang tôi: Chúng ta cùng nhảy bản này. Bà đứng lên. Ngực rung động. Nước hoa thơm phảng phất, choáng váng. Tôi ghét giả trá, tôi thành tâm khai báo: Cả đời, tôi chưa từng nhảy đầm. Người đàn bà cúi xuống: “Dễ như ăn ớt. Để tôi dìu đi.” Ba tôi luôn nói: Thơm như múi mít. Và ông hoàn toàn sai lầm trong nhận định, cả khứu giác của ông cũng gà mờ. Tôi đang ôm một thân thể thơm gấp vạn lần mít tố nữ. Có lẽ sẽ có chục thằng đàn ông trong căn phòng này đang ganh tị cùng tôi. Tôi thực không hiểu căn nguyên. Tôi tính hỏi nhưng người đàn bà thì thầm bên tai: Đừng nói gì hết, hãy thả hồn vào tiếng nhạc đang thổn thức. Tôi thả hồn, tôi lim dim. Trí tưởng cũng đòi mọc cánh bay xa, vỗ cánh rồi đậu xuống giường, ở đó chăn gối lệch lạc, khăn nệm nát nhàu.

Bản nhạc chấm dứt nhanh hơn dự tưởng. Người đàn bà nói: Mắc đái quá. Rồi đi nhanh vào phòng vệ sinh. Tôi trở lại chỗ ngồi, hơi bần thần. Anh tôi bảo: Trúng gió hả? Nó quần mầy thêm ba bản nữa là tiêu đời trai! Ba tôi gạt: Làm gì ra nông nỗi, cỡ tao còn chưa sứt mẻ huống hồ trai tráng. Mẹ tôi nạt: Bố con nhà ông chỉ được tài nói thôi, làm thì chả ra đầu ra đũa gì sất! Ba tôi làm mặt nghiêm: Mày hỏi tên nó chưa? Cái mặt lạ hoắc, duyên do đâu lại ngồi sát cạnh mày? Anh tôi mau miệng: Bạn chú rể đấy. Cô ta không thích cánh bên nhà trai nên tọa mông bàn này với sự đồng ý của con. Mẹ tôi hồ nghi: Ăn nói vòng vo tao chả hiểu. Chung cuộc thì nó thích mày hay khoái thằng em? Lại phải hỏi, bà chẳng trông rõ là nó nhảy đầm tình tứ với ai sao? Ba tôi nháy mắt khi dành phần làm thầy bói. Ông đưa chai bia ra, đòi cụng ly với tôi. Bằng tuổi mày, bố đã đầu bù tóc rối với mẹ mày rồi. Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!

Tôi rời chỗ ngồi bước ra đứng trước nhà hàng thắp thuốc hút. Cháy đi phân nửa độ dài điếu Camel thì người đàn bà cũng xô cửa đến sát bên tôi. Trời thoáng mát, chưa khuya nhưng quanh khu vực này vắng tiếng động. Lát nữa làm ơn đưa tôi về, có được không? Tôi trả lời: Tôi dùng bus và métro, có tiện không? Đâu hề gì. Montréal về đêm cũng an toàn mà. Tôi ngó người đàn bà, đúng hơn là ngó vào đường khe trước ngực. An toàn cũng chừng mực nào thôi, gặp đứa say rượu thì rõ mệt, hai tay nó ngứa ngáy ưa đi hoang thì chỉ có nước khóc. Hở hang qúa! Chưa nói tới khoản dễ trúng gió, cảm mạo ho hen. Tôi cởi áo vest phủ trên bờ vai tròn lẳng kia. Chị tên chi? Khiếp! Chị nghe già kinh khủng. Hãy gọi tôi là Vân. Một người đàn ông đã phụ tôi, hồi nãy nó chứng kiến hai ta ôm nhau nhảy và tôi đã rất vui.

Tôi ném điếu thuốc xuống đất, chà đạp.

Ba tôi nói, hãy nắm lấy cơ hội. Tôi không theo cơ hội chủ nghĩa, tôi chẳng thích sự dễ dãi của Vân, vì vậy khi nghe chuyện, em gái tôi bình phẩm: Em đã dại dột, tưởng dại nhất nhà, hóa ra anh còn dại hơn. Bố mẹ ơi, đã sinh anh ấy sao còn đẻ thêm con! Mẹ tôi mắng: Mày than thở nghe như Chu Du trong Tam quốc. Chừng nào thì ra ở riêng? Quay qua tôi, bà hỏi: Hồi nào con đi? Mai mốt. Tôi đáp.

Anh tôi đưa ra bến xe đò. Tôi có đứa bạn ở Calgary, tôi sẽ đến đó theo lời nó rũ rê. Anh tôi dành phần mua vé rồi dúi vào túi tôi xấp giấy bạc. Mày sẽ trưởng thành khi thoát khỏi nhà, đây là địa chỉ email của tao, có gì vui nhớ thông tin. Cảm động làm tôi đứng ngây người như một thằng bù nhìn, trồng tôi giữa cánh đồng, chưa chắc đã hù dọa được chim.

Xe đò rời bến. Giã biệt Montréal. Ai đã diễn nôm, đã hiếp đáp nó bằng chữ Mộng Lệ An. Tám năm qua, sống giữa thành phố này, chưa bao giờ tôi mộng mị được một giấc mơ bình an, diễm lệ.

Mộng-lệ-an… Tôi là một diễn viên chẳng biết đóng tuồng, xuống sáu câu, vừa bỏ lại gánh hát cải lương ở sau lưng. Thôi, tôi đi, không biết ngày trở lại![HĐN]

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG