Sau khi nhận hàng tỉ đôla từ những chương trình cứu nguy của chính phủ, các ngân hàng Hoa Kỳ đang chịu sức ép gia tăng phải khởi sự cho vay trở lại. Với việc ngân hàng trả những khoản vay của chính phủ nhanh hơn dự kiến, Tổng thống Obama đang nhắc nhở các cấp chỉ huy ngân hàng là tới lượt họ phải giúp cho nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, vào thời điểm kết thúc của năm 2009, một số phân tích gia cảnh báo cơn khủng hoảng ngân hàng còn lâu nữa mới chấm dứt.
Khi các ngân hàng trả lại hàng tỉ đôla đã vay của chính phủ qua các ngân khoản cứu nguy, Tổng thống Obama đã triệu tập những phiên họp với các cấp điều hành ngân hàng hồi tháng 12, và nói với họ là đến lúc họ phải giúp lại chính phủ.
Tổng thống Obama nói: "Theo tôi hiểu, khi họ hồi phục với sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ và người đóng thuế Mỹ, các ngân hàng của chúng ta nay phải có nghĩa vụ lớn hơn đối với mục tiêu phục hồi rộng lớn hơn."
Tuy nhiên, Tổng thống Obama có thể đã dành cho khu vực tài chánh sự tin cậy quá mức. Theo kinh tế gia Martin Neil Baily, trước kia là cố vấn của chính quyền Clinton, sau thất bại của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi cuối 2008, nhiều ngân hàng lớn nhất thế giới đã e ngại điều tệ hại nhất sẽ xảy ra, sau vụ nổ bong bóng địa ốc làm lộ ra những khoản đầu tư cho vay bừa bãi. Ông Baily nói, quả thật đó là một thời kỳ kinh khủng.
Ông cho biết: "Những ngân hàng bị rắc rối suýt đi đến chỗ sụp đổ là Citibank, Bank of America, những ngân hàng nếu đã không được chính phủ hỗ trợ, tôi nghĩ đã kéo theo một chuỗi khủng hoảng có thể tệ hại hơn nhiều so với cơn khủng hoảng trên thực tế."
Mặc dù cho rằng điều tệ nhất đã qua, theo ông Bailey, cơn khủng hoảng chưa qua hẳn trong khu vực ngân hàng.
Hơn 130 ngân hàng Mỹ đã thất bại trong năm 2009, số cao nhất kể từ năm 1992. Ông tiên liệu trong năm 2010, mức thất bại sẽ cao hơn cho những nhà băng địa phương loại nhỏ, khi các khoản cho vay địa ốc thương mại đáo hạn.
Ông Bailey nói: "Cho nên trên thực tế, tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không có nhiều trong năm tới."
Các phân tích gia nói rằng vấn đề lớn nhất là nạn thất nghiệp gia tăng, làm giảm mức cầu và khiến các ngân hàng do dự không muốn cho vay. Nhưng ông Richard Davis, giám đốc ngân hàng US Bancorp, lại có một cái nhìn khác về tình hình.
Ông Davis cho biết: "Có thể chúng tôi lạc quan hơn các chuyên gia. Với lập trường đó, chúng tôi làm mọi điều có thể làm, vì đó là năng lượng cho guồng máy của chúng tôi, cho vay là việc của chúng tôi làm. Và như vậy chúng tôi muốn cho vay nhiều hơn. Chúng tôi phải tìm phương cách để có thể cho nhiều người vay hơn, nhưng không dấn thân vào nguy cơ cho vay mà khách hàng không trả nổi."
Trong lúc các kinh tế gia tiên liệu nền kinh tế sẽ hồi phục liên tục trong năm 2010, theo ông Bailey chỉ có một điều chắc chắn là có thể các ngân hàng sẽ không lập lại những lầm lỗi đó một lần thứ hai.
Ông nói, tiên liệu là một việc nguy hiểm cho nên ông không muốn đưa ra quá nhiều những tiên đoán. Theo ông, người ta không thể biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng rất có thể sự tăng trưởng trong vòng vài năm tới sẽ rất chậm chạp, thậm chí còn có thể ngưng trệ.
Nếu khủng hoảng xảy ra một lần nữa, và nền kinh tế lại khởi sự co cụm, trong trường hợp đó, ông Baily cho rằng chắc chắn sẽ cần phải có một chương trình kích hoạt thứ hai, điều mà chính quyền Tổng thống Obama hy vọng sẽ không diễn ra.
<!-- IMAGE -->
Đọc nhiều nhất
1