Đường dẫn truy cập

Tránh được khủng hoảng, TQ còn gặp nhiều khó khăn


<!-- IMAGE -->

Trong khi năm 2009 sắp hết, người ta nhận thấy có nhiều dấu hiệu là Trung Quốc đã khéo léo lèo lái để vượt qua được cơn khủng hoảng tài chánh toàn cầu và trên đường đạt tới mức tăng trưởng còn mạnh hơn trước. Tuy nhiên, các kinh tế gia cho rằng vẫn còn một số những khó khăn đè nặng lên những nỗ lực duy trì mức tăng trưởng của nước này. Thông tín viên Connie Young tường trình thêm chi tiết từ Bắc Kinh.

Các dữ liệu kinh tế mới cho thấy tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng trên 8% trong năm nay. Sản lượng công nghiệp cho tháng 11 chỉ tăng trên 19% so với cách đây 1 năm, ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chánh bắt đầu. Mức nhập khẩu tăng gần 27%, nhờ sự chi tiêu vào các mặt hàng thương phẩm của chính phủ.

Nhưng trong lúc khối lượng hàng xuất khẩu có những dấu hiệu hồi phục thì ngành công nghiệp vẫn còn yếu. Vào tháng 11, các ngành công nghiệp xuất khẩu đã hạ giảm 1% so với năm trước.

Ông Michael Pettis, cộng tác với tổ chức Carnegie vì Hòa bình Thế giới và là giáo sư tài chánh tại đại học Bắc Kinh, nói rằng những số liệu vừa nêu đã khơi lên những tranh cãi về sức mạnh kinh tế của nước này.

Ông nói: "Nếu quý vị là một người lạc quan thì số liệu đó cho thấy sự phục hồi đang được tiếp tục. Phần lớn các số liệu coi như khá tốt. Đầu tư vẫn ở mức thật cao, nhất là những khoản đầu tư về tài sản cố định. Nhưng những số liệu về sản xuất coi như tốt. Nhưng nếu quý vị là một người bi quan, quý vị sẽ nói, có gì đâu, đó đúng là điều người ta dự trù từ một chiến lược đầu tư ào ạt từ phía chính phủ."

Một số chuyên gia doanh nghiệp lo ngại là các ngành xuất khẩu sẽ chiếm phần nhỏ hơn trong nền kinh tế Trung Quốc. Các cơ xưởng đối mặt với tình trạng giá nhân công tăng và chi phí sản xuất tăng, và có những dự đoán là đồng Nguyên, hay là đồng Nhân dân tệ sẽ lên giá, nên các lãnh tụ doanh nghiệp nói rằng, duy trì cho khu vực này sống còn cũng là một thách thức cho chính phủ.

Ông Stanley Lau, Phó Chủ tịch Liên hội Công nghiệp Hồng Kông, đại diện cho các doanh nghiệp Hồng Kông tại Trung Quốc, nói rằng các cơ xưởng đang phải đứng trước mức cầu yếu kém từ nước ngoài.

Ông Lau cho biết: "Trước hết, nói một cách tổng quát, nhiều nhà nhập khẩu không biết hàng hóa bán ra trong dịp Lễ Giáng Sinh này sẽ ra sao. Điều này có nghĩa là nhiều khách hàng vẫn còn đợi những con số sau cùng cho mùa bán hàng vào dịp Giáng Sinh. Vì vậy họ chưa đặt hàng với chúng tôi cho năm sau. Theo tôi nghĩ, họ muốn đợi cho tới kỳ Lễ Tân Niên và rồi họ sẽ lên kế hoạch đặt hàng cho năm tới.”

Vào lúc nhu cầu về hàng xuất khẩu bắt đầu hạ hồi năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã khởi sự những cố gắng nhằm kích hoạt nền kinh tế, như là hạ lãi suất, khuyến khích cho vay, và chi tiêu hàng tỉ đôla cho những dự án cơ sở hạ tầng.

Nhưng một số kinh tế gia cảnh báo rằng những cố gắng đó có thể khiến giá bất động sản, giá chứng khoán và nhiều loại tài sản khác gia tăng quá nhanh, như là một cái bong bóng có thể nổ tung. Các kinh tế gia nói rằng tín dụng lỏng lẻo của Trung Quốc, tình trạng đầu tư quá mức và tiêu thụ chưa tới mức có thể đưa tới một hiểm họa lớn, nhất là trong thị trường tài sản.

Tuy nhiên, chính phủ bắt đầu cố gắng hãm bớt. Những số liệu của Ủy ban Điều hành Ngân hàng cho thấy trong năm 2009 các khoản cho vay có thể lên tới hàng 300 tỉ đôla, nhưng năm tới sẽ hạ xuống chỉ còn 1 ngàn 100 tỉ. Nhưng như vậy vẫn còn gấp đôi năm 2008.

Chính phủ cố gắng làm nguội bớt thị trường địa ốc, bằng một sắc thuế mới về nhà đất mới đánh trên những tài sản được bán đi trong vòng 5 năm sau khi mua. Và cũng có những kế hoạch gia tăng việc cung cấp loại nhà có giá từ trung bình đến thấp nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ.

Ông Andy Xie, một kinh tế gia độc lập tại Thượng Hải, cảnh báo rằng thị trường tài sản Trung Quốc có thể bị tổn hại, một khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ gia tăng lãi suất, sẽ ảnh hưởng đến tình trạng cho vay trên toàn thế giới nữa.

Ông nói: "Khi lạm phát xảy ra, Ngân hàng Dự trữ Liên bang sẽ phải tăng mức lãi suất lên khá cao, điều sẽ đưa tới sự nổ tung quả bóng nhà đất toàn cầu và sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng khác nữa. Và cuộc khủng hoảng đó sẽ không thua gì cuộc khủng hoảng mà chúng ta vừa chứng kiến."

Các kinh tế gia như ông Xie và ông Pettis cảnh báo rằng các chính phủ cần phải hành động dè dặt khi họ chấm dứt các chương trình kích hoạt. Tăng lãi suất và cắt giảm chi tiêu của chính phủ quá sớm có thể dễ dàng gây chấn động cho các nền kinh tế và khiến trị giá tài sản sụp đổ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG