Đường dẫn truy cập

Họa sĩ gốc Việt đoạt giải "Họa Sĩ Có Cống Hiến Xuất Sắc"


Ngày 7 tháng 11 vừa qua, Hội Nghệ Sĩ Vì Một Thế Giới Tốt Ðẹp Hơn (AFABW-Artists For A Better World) tổ chức một buổi lễ tại Garden Pavillon, Hollywood, bang California, trao tặng giải thưởng cho những nghệ sĩ đóng góp công sức làm cho cộng đồng nơi đang sống được tốt đẹp hơn cũng như giúp đỡ những người khác xuyên qua công việc của mình. Trong số 6 nghệ sĩ đoạt giải năm nay có họa sĩ Trương Bửu Giám. Phóng viên Hà Vũ đã trao đổi với họa sĩ Trương Bửu Giám về giải thưởng mà ông vừa nhận được, mời quý vị theo dõi.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định năm 1970 và gia nhập binh chủng Hải quân sau đó, họa sĩ Trương Bửu Giám đến Mỹ định cư tại bang Minnesota vào tháng 10 năm 1975 trước khi di chuyển về California.

Họa sĩ Trương Bửu Giám là một trong những họa sĩ Việt Nam hiếm hoi sống được trên đất Mỹ bằng hội họa nhờ vào tài năng cũng như óc tìm tòi sáng tạo của mình.

Và cũng nhờ sự sáng tạo trong nghệ thuật hội họa, ông đã nhận được giải thưởng “Họa sĩ có cống hiến xuất sắc” (Outstanding Contribution As An Artist) do Hội Nghệ Sĩ Vì Một Thế giới Tốt Đẹp Hơn trao tặng.

Họa sĩ Trương Bửu Giám kể về sự sáng tạo của ông trong việc sử dụng một chất liệu mới là nhựa thông (resin) để vẽ tranh.

Ông nói: “Bên đây có chất resin, người Mỹ xài chất này lâu lắm rồi, dùng để đánh bóng lớp ngoài của gỗ, làm mặt bàn. Tôi thấy nó đẹp quá, nhưng nó bị giới hạn trong màu sắc. Chưa có ai dùng nó để vẽ cả. Tôi là người đầu tiên dùng chất này để vẽ. Chất resin lỏng, không màu, trong như nước vậy. Khi bỏ hardener vô nó mới đặc được. Nó đặc trong vòng 45 phút, làm sao mình vẽ được. Muốn vẽ phải pha với bột màu, trộn làm thành màu của mình. Đó chính là đặc thù vì không có bán ngoài thị trường. Sử dụng cũng khó. Muốn vẽ phải pha thật nhiều màu, cả trăm thứ màu khác nhau, cho hardener vào theo thời gian khác nhau. Có những cái vừa đặc, có những cái vừa chảy, kiểm soát rất khó, làm sao cho nó đẹp. Nhưng chính những cái đó nó lạ, nó bung ra giống một người thổi những bình thủy tinh chẳng hạn. Họ chọn những màu, thổi những bình thật đẹp. Nhưng khi họ tìm cách thổi lại một lần nữa thì không giống nhau. Tranh tôi cũng vậy.”

Ông giải thích thêm về nghệ thuật của mình: “Tất cả họa sĩ trên thế giới đúng ra là những người minh họa nhiều hơn tức là họ nhìn theo cảnh vật, hình thể. Họ nhìn theo người mẫu, thú vật để vẽ giống như vậy thôi. Đó chỉ là người thợ vẽ. Khi nhìn theo một cái gì để vẽ thì mình phát triển thành một kỹ năng vẽ rất là đẹp, rất giống, vậy thôi, nhưng không sử dụng óc sáng tạo của người họa sĩ. Thành ra người nào vẽ riết cũng giống nhau, như máy chụp hình vậy, thật đẹp nhưng không có cái đặc thù của người họa sĩ. Tôi đi ngựơc trở lại tức là không theo chủ đề trước, nhưng chỉ làm những gì mình thích. Ví dụ như hôm nay thức dậy mình muốn dùng màu tím thì mình pha những màu gì hòa hợp với màu tím, đi với màu tím, làm cho màu tím đẹp hơn. Rồi trong màu tím mình sẽ tìm những bông hoa, cây cỏ hay chim muông gì đó ẩn hiện trong màu tím. Đó là đường lối của tôi.”

Một trong những điều kiện để được Hội Nghệ Sĩ Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn trao giải thưởng là làm cho cộng đồng nơi mình đang sống tốt đẹp hơn cũng như giúp đỡ người khác.

Về khía cạnh này, họa sĩ Trương Bửu Giám cho biết: “Người họa sĩ thật sự góp nhiều nhất, không ai bằng. Hội đoàn, báo chí, bao nhiêu năm ai mượn gì tôi cũng làm, làm free không. Công, tiền, tính ra rất nhiều nhưng không ai nghĩ tới. Mình cho hội đoàn hai ba trăm đô, một ngàn đô ai cũng biết người đó là ai nhưng mà họa sĩ làm không tính tiền tức là làm chùa thì không ai biết. Mình trình bày một cuốn thơ, một bìa báo hay là một cuốn sách cho bạn hay báo xuân cho hội đoàn cho cộng đồng, tất cả đều free hết. Rồi khi có đấu gía để gây quỹ mình cũng tặng tranh của mình.”

Để đạt được thành tích như hiện nay, họa sĩ Trương Bửu Giám đã biết sử dụng những gì học hỏi được tại Việt Nam cũng như phối hợp với những điều hiểu biết được, những kinh nghiệm trong cuộc sống tại Mỹ để tạo ra những tác phẩm có tính cách phổ quát mọi người có thể chiêm nghiệm và thưởng thức.

Ông nói: “Nhiều người hỏi tôi anh là người Việt Nam sao anh vẽ không có gì là Việt Nam cả. Cái đó sự thật là tự mình nhốt mình vào trong một cái hộp. Mình cứ nghĩ Việt Nam phải vẽ vậy mới ra Việt Nam nhưng nếu anh qua Mỹ anh nói tiếng Việt không thì đâu có được, không ai hiểu mình hết. Qua bên Tây phải nói tiếng Tây, qua Đức phải nói tiếng Đức. Thành thử vẽ làm sao mà người nào nhìn cũng thích hết. Hội họa là tiếng nói chung. Vấn đề quan trọng là mình trình bày cái đẹp của mình mà người khác đồng cảm, đồng chấp nhận. Cái đó mới là quan trọng.”

Họa sĩ Trương Bửu Giám đã tham dự nhiều cuộc triển lãm.

Tranh của ông cũng được in trong các tuyển tập hội họa quốc tế và được bán trên nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG