Đường dẫn truy cập

Ðặc sứ Hoa Kỳ đến Nam Triều Tiên


Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Bắc Triều Tiên đã đến thủ đô Nam Triều Tiên trước khi diễn ra các cuộc đàm phán ở Bình Nhưỡng. Vị đặc sứ này sẽ tìm cách đưa chính phủ của ông Kim Jong Il trở lại bàn đàm phán 6 bên về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ. Từ Seoul, thông tín viên VOA Jason Strather ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hôm nay, đại sứ Stephen Bosworth đã gặp trưởng đoàn thương thuyết Nam Triều Tiên tại các cuộc đàm phán 6 bên trước khi đến Bắc Triều Tiên vào ngày mai.

Tại Bình Nhưỡng, ông Bosworth sẽ tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán giải giới hạt nhân với Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Trước đây trong năm nay, Bắc Triều Tiên đã nói họ sẽ không bao giờ trở lại các cuộc thương thuyết đó. Tuy nhiên, tin cho hay lãnh tụ Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Il đã nói với thủ tướng Trung Quốc hồi tháng 10 rằng tùy vào diễn tiến của các cuộc đàm phán với ông Bosworth, ông Kim có thể xét lại.

Tại Seoul, có sự quan ngại rằng việc Bình Nhưỡng nhất mực đòi mở các cuộc đàm phán song phương với Washington có thể gây bất hòa giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Nhưng một số chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại nói rằng không có gì phải lo sợ nhiều.

Ông Lho Kyungsoo là giảng viên về chính trị quốc tế ở trường Đại học Quốc gia Seoul.

Ông Kyungsoo nói: “Tôi không nghĩ có điều gì phải lo ngại rằng chuyến thăm Bắc Triều Tiên sẽ làm chệch hướng các nỗ lực của chúng ta. Bất cứ ai đưa ra các đề xuất với Bắc Triều Tiên cũng không quan trọng bằng việc tạo ra được một biến chuyển với Bắc Triều Tiên. Và tôi không cho rằng các lợi ích của chúng ta có gì khác biệt với các lợi ích của Mỹ xét về những gì có liên quan đến Bắc Triều Tiên.”

Sau khi rời khỏi các cuộc đàm phán 6 bên, Bắc Triều Tiên đã cho thử nghiệm thiết bị hạt nhân thứ nhì của họ. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bèn áp đặt các biện pháp chế tài Bình Nhưỡng, có tác dụng gây trở ngại cho các nỗ lực của Bắc Triều Tiên trong việc bán vũ khí quy ước cho nước ngoài, là nguồn thu nhập chính của quốc gia đang thiếu hụt tiền bạc này. Kể từ khi đó, Bắc Triều Tiên đã dịu giọng thù nghịch và đề nghị tiếp xúc với Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.

Một số chuyên gia về chính sách đối ngoại ở Nam Triều Tiên nghĩ rằng các biện pháp chế tài đã buộc Bình Nhưỡng phải cứu xét viêc trở lại bàn đàm phán.

Ông Choi Kang là giám đốc về nghiên cứu các vấn đề của Mỹ tại Học viện Ngoại vụ và An ninh Quốc gia ở Nam Triều Tiên.

Ông Kang nói: “Bắc Triều Tiên đã thay đổi thái độ và lời lẽ từ hồi giữa tháng 7, đó là thời điểm thực thi nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Kể từ khi đó, họ đã thực sự phát động một chiến dịch lấy lòng bề ngoài, một chiến dịch chủ hòa, tôi nghĩ là họ đã cảm nhận được một số hậu quả đau đớn của việc thực thi nghị quyết ấy.”

Bắc Triều Tiên đã gợi ý rằng họ sẽ không trở lại các cuộc đàm phán 6 bên cho đến khi nào Hoa Kỳ ký một hiệp định hòa bình để chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Giao tranh kết thúc năm 1953 chỉ qua một thỏa thuận ngưng bắn.

Washington cho biết ông Bosworth sẽ không tham gia các cuộc đàm phán về hòa bình trong chuyến thăm lần này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG