Đường dẫn truy cập

Sau 25 năm, nạn nhân Bhopal vẫn còn chờ đợi công lý


Ấn Độ kỷ niệm 25 năm ngày rò rỉ khí độc tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của công ty Union Carbide thuộc thành phố Bhopal. Thông Tín Viên Steve Herman của Đài VOA từ New Delhi cho biết các nạn nhân vẫn còn đang trong một mê trận về pháp lý kể từ đêm định mệnh 2 tháng 12 năm 1984 khi một đám mây khí độc bao trùm thành phố ở miền trung Ấn này.

Những nạn nhân của vụ rò rỉ khí độc này, cùng với thân nhân trong gia đình và bạn bè, đã kéo nhau ra đường phố Bhopal để đòi công lý bị trì hoãn bấy lâu này. Những người này đòi hỏi những ai gây ra vụ rò rỉ khí độc phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn người, và khoảng nửa triệu người lâm bệnh vì tai nạn này theo như con số ước lượng của chính phủ Ấn Độ,

Có nhiều đơn khởi tố về dân sự cũng như hình sự được đệ nạp tại các tòa án Ấn Độ và Hoa Kỳ. Ông Warren Anderson, 88 tuổi, chủ tịch của Union Carbide lúc bấy giờ bị cáo buộc tội ngộ sát tại Ấn Độ. Cách đây 5 năm, Hoa Kỳ bác bỏ yêu cầu của Ấn Độ xin dẫn độ ông này.

Gần 1 tỉ rưỡi đô la đã được công ty Union trả cho chính phủ Ấn Độ vào năm 1989 để giải quyết vụ việc. Những người sống sót bị tàn tật cho biết là họ chỉ được trả vài cents mỗi ngày kể từ khi thảm họa xảy ra, không đủ để trả tiền thuốc men và thay thế lợi tức bị mất đi do tật nguyền.

Trong một thông báo, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bình luận là những nạn nhân “có thể không bao giờ được bồi thường đầy đủ.”

Công ty mẹ của chi nhánh tại Ấn Độ đã được công ty Hóa chất Dow của Hoa Kỳ mua lại vào năm 1999. Dow vẫn giữ nguyên lập trường là mọi trách nhiệm về pháp lý đã được giải quyết cùng với món tiền bồi thường một lần đó thôi.

Luật sư Rajan Sharma có văn phòng tại New York, đại diện cho bên nguyên đơn Bhopal trong một vụ nước ngầm bị ô nhiễm năm 1999 tranh cãi về lập trường của công ty Dow.

Luật sư này nói: "Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ đã bác bỏ luận cứ này ít nhất là 4 lần. Chắc chắn là vụ tranh tụng hiện nay liên hệ đến môi trường bị ô nhiễm do nhà máy Bhopal gây ra hoàn toàn ngoài tầm giải quyết của năm 1989".

Ông Sharma, nói chuyện với Đài VOA từ Bhopal cho biết là ông hy vọng các thẩm phán Mỹ sẽ phán quyết là người chủ trước đây của nhà máy phải chịu trách nhiệm về phương diện pháp lý bất kể bao nhiêu năm tháng đã qua đi.

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng một cách dè dặt là tòa án Mỹ sẽ thấy rõ là công ty Union Carbide đã chơi một trò chơi ở đây là họ không chịu dưới quyền tài phán của tòa án Ấn Độ. Họ không để cho Ấn Độ áp dụng luật Ấn Độ đối với vấn đề này. Tòa án Mỹ sẽ thấy là nếu tòa không nêu vấn đề này lên thì công ty Union Carbide sẽ được phép tránh khỏi trách nhiệm này.

Công ty Dow từ chối yêu cầu phỏng vấn của Đài VOA.

Union Carbide cho rằng một công nhân bất mãn đã phá hoại nhà máy, gây rò rỉ hàng tấn khí độc. Những nhà tranh đấu thì nói là những sơ hở trong việc thiết kế nhà máy hoặc là do chểnh mảng, bất cẩn là nguyên nhân gây tai nạn.

Những tài liệu của Union Carbide mà không ai buồn di chuyển đi vẫn còn ở những tòa nhà bên trong nhà máy bị bỏ hoang với cửa ra vào bị hư hỏng và những cửa sổ bị đập phá. Các luật sư và những nhà hoạt động cho rằng những hồ sơ này có thể có ích cho vụ tranh chấp pháp lý đang kéo dài này.

Điện tín và những giấy tờ khác Đài VOA thu thập được từ khu vực nhà máy cho thấy đã có những vụ thảo luận về vấn đề rò rỉ cũng như những vấn đề khác trước thảm họa tháng 12 năm 1984. Tuy nhiên toàn cảnh của vấn đề dần dần biến mất đi. Những bảo vệ tại khu vực nhà máy cho biết là họ dùng những tài liệu còn lại để đốt lửa sưởi ấm trong những đêm giá lạnh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG