Đường dẫn truy cập

Hạn chế phương tiện truyền thông mới đe dọa phát triển kinh tế VN


Các nhà tài trợ phương Tây cảnh báo rằng việc chính phủ hạn chế các phương tiện truyền thông mới và Internet, như trang mạng xã hội Facebook, đe dọa tới sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.

Lời cảnh báo này được đưa ra tại cuộc hội nghị Hội Nghị Nhóm Tư vấn các Nhà tài trợ hôm thứ Năm tại Hà Nội.

Hãng thông tấn Pháp trích lời Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, phát biểu tại phiên khai mạc rằng sự phát triển và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi một môi trường minh bạch và cởi mở cho tất cả mọi thành phần tham gia, cả người Việt Nam lẫn quốc tế.

Ông Michalak nói thêm rằng gần đây không gian cho những thông tin trung thực và đáng tin cậy đã bị co cụm.

Cùng quan điểm với đại sứ Michalak, Đại sứ Thụy Điển, ông Rolf Bergman, cũng quan ngại về các tin tức gần đây cho hay mạng xã hội phổ biến Facebook đang bị ngăn chặn.

Với tư cách là đại diện của Liên minh Châu Âu, Đại sứ Thụy Điển hối thúc Việt Nam bãi bỏ mọi hạn chế đối với Internet.

Trong khi Đại sứ Michalak nhận định rằng vấn đề không phải ở chỗ thanh thiếu niên tán gẫu trên mạng, mà đó là quyền được liên lạc giữa người này với người khác, được chia sẻ ý kiến lẫn nhau.

Hồi tháng trước một số công ty cung cấp dịch vụ Internet cho hay bộ công an đã ra lệnh ngăn chặn trang Facebook trong khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp phát biểu trước các nhà lập pháp rằng ông muốn tăng cường việc kiểm soát Internet bởi những thông tin độc hại và có dụng ý xấu đôi khi được phát tán trên mạng.

Các nhà tài trợ cũng bày tỏ quan ngại về những qui đinh mới mà họ cho rằng sẽ áp đặt hạn chế lên các phương tiện truyền thông mới và các tổ chức phi chính phủ.

Điển hình là Nghị định 97 được ban hành hồi tháng 9. Theo lời Đại sứ Michalak thì nghị định này giới hạn khả năng đăng tải những kết quả nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu độc lập trong đó chỉ trích các chính sách của chính phủ và điều này làm cho Việt Nam kém hấp dẫn hơn đối với các đối tác nước ngoài, đặc biệt và không chỉ riêng đối với ngành giáo dục.

Trong khi Đại sứ Thụy Điển Bergman cho rằng để đạt được tham vọng trở thành một nước công nghiệp trước năm 2020, chính phủ Việt Nam phải cho phép các phương tiện truyền thông được quyền nghiên cứu và nên khuyến khích các tổ chức phi chính phủ chứ không nên ngăn cản họ đóng vai trò là các tổ chức theo dõi.

Hãng tin Reuters cũng trích lời Đại sứ Michalak nói thêm rằng việc tiếp cận các thông tin trung thực, đáng tin cậy, khả năng tiến hành nghiên cứu một cách tự do và phổ biến kết quả, quyền được bày tỏ và xem xét các quan điểm khác nhau là điều cần thiết tuyệt đối cho những phát minh công nghệ và một nền kinh tế thịnh vượng.

Các nhà tài trợ cũng đề cập đến Nghị định 88 về lập hội và hối thúc chính phủ Việt Nam thông qua một đạo luật không ngăn cản sự phát triển của xã hội dân sự.

Đại sứ Canada Deanna Horton, đồng thời đại diện cho Norway, New Zealand và Switzerland, khuyến nghị rằng chính phủ Việt Nam cần đảm bảo rằng bất cứ điều luật hay qui định mới nào về vai trò của các nhóm xã hội dân sự và truyền thông cũng nên cho phép người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển của Việt Nam chứ không nên áp đặt thêm các hạn chế theo đó sẽ gây trở ngại cho sự tiến bộ.

Trong một báo cáo được trình bày tại hội nghị, các nhà tài trợ cũng nhận định rằng việc mở rộng phạm vi hợp tác và tham gia của các thành phần không thuộc nhà nước như truyền thông, các tổ chức quần chúng và cá nhân sẽ giúp nỗ lực chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn.

Nguồn: AFP, Reuters

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG