Đường dẫn truy cập

Giới chức Mỹ điều trần trước Quốc hội về sách lược Afghanistan


Hôm qua, các giới chức trong chính quyền Obama đã ra điều trần trước Quốc hội, kêu gọi các nhà lập pháp của cả hai đảng ủng hộ sách lược của Tổng thống Obama và quyết định của ông gửi thêm 30 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đến vùng có xung đột. Theo bài tường thuật từ trụ sở Quốc Hội Mỹ, thông tín viên VOA Dan Robinson, Tổng thống Obama đang phải đối phó với sự phản đối sách lược của ông từ phía các thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Những mối quan tâm được bầy tỏ vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân đô đốc Mike Mullen ra điều trần trước 2 ủy ban Quốc hội.

Tổng thống Obama vấp phải sự chống đối từ cánh cấp tiến trong đảng của ông, khi các nhà lập pháp thuộc tiểu ban cấp tiến Hạ viện lên tiếng bầy tỏ mối quan ngại tại trụ sở Quốc hội.

Tại diễn đàn Hạ viện, dân biểu Lloyd Doggett thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang Texas khẳng định rằng tổng thống đang dọn sân cho một cuộc xung đột dài hơn, trong khi dân biểu Dennis Kucinich cũng của đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang Ohip lập luận rằng dân chúng Afghanistan muốn binh sĩ Hoa Kỳ rời khỏi nước họ.

Ông Doggett cho rằng việc tăng quân tới 40 phần trăm, rồi lại giảm xuống, tất cả trong vòng 18 tháng là hoàn toàn không thực tế. Theo ông, Hoa Kỳ đã chiến đấu ở Afghanistan theo một kế hoạch từng giai đoạn – thêm một số binh sĩ, thêm một vài tháng, và thêm nhiều tỷ đôla. Năm 2011 sẽ không đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh này mà chỉ đáng dấu sự khởi đầu của giai đoạn kế tiếp.

Còn ông Kucinich thì cho rằng Hoa Kỳ đã tham gia mọi bên ở Afghanistan, và tất cả mọi bên đều muốn Hoa Kỳ rút đi. Ông nói rằng họ không muốn có sự hiện diện của Hoa Kỳ, sự kiểm soát, binh sĩ, các máy bay không người lái, cũng như lối sống của Mỹ. Hoa Kỳ đang chiến đấu trong một cuộc chiến sai lầm ở một địa điểm và thời điểm không đúng. Ông nêu câu hỏi là tại sao mọi người không thể hiểu được ý nghĩa của câu nói đơn giản là “Hãy cút đi.”

Tổng thống Obama đã định mục tiêu là tháng 7 năm 2011 để bắt đầu triệt thoái lực lượng Hoa Kỳ, và nói ông tin rằng khoảng 18 tháng trước kỳ hạn đó sẽ đủ để củng cố cho quân đội, cảnh sát và chính phủ trung ương Afghanistan.

Bộ trưởng Gates, ngoại trưởng Clinton và đô đốc Mullen nói với Uûy ban Quân vụ Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện rằng sự thất bại trong việc triệt hạ các lực lượng al-Qaida và Taliban ở Afghanistan và Pakistan sẽ khiến Hoa Kỳ dễ bị tấn công hơn trong tương lai.

Bộ trưởng quốc phòng Gates nói rằng không thể tác rời sự cần thiết phải đánh bại al-Qaida và việc tăng cường an ninh ở Afghanistan, và rủi ro rất lớn – không những cho Afghanistan và cho khắp cả khu vực.

Ông Gates nói: “Trong khi al-Qaida hiện đang bị áp lực nặng và lệ thuộc vào Taliban và các tổ chức cực đoan khác để kéo dài, thì thành công của phe Taliban sẽ tăng rất nhiều sức mạnh cho thông điệp của al-Qaida gửi đến thế giới Hồi giáo, rằng các phần tự cực đoan bạo động đang thắng thế trong lịch sử.”

Tuy tán đồng việc tăng quân số, các nhà lập pháp như thượng nghị sĩ John McCain và dân biểu Ileana Ros-Lehtinen nói rằng tổng thống đã sai lầm khi định ra hạn kỳ cho việc triệt thoái.

Theo ông McCain, một kỳ hạn triệt thoái chỉ khuyến khích cho al-Qaida và Taliban trở nên táo tợn hơn, trong khi làm nản lòng các đối tác Afghanistan của Hoa Kỳ và giảm bớt khả năng họ sẽ liều thân để đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến. Dân biểu Lehtinen thì nói rằng trước khi thực thi sách lược, tổng thống đã định ra một kỳ hạn cho sự cam kết của Hoa Kỳ và một thời hạn cho việc rút quân. Bà Lehtinen nêu nghi vấn về ý nghĩa của thông điệp này đối với kẻ thù.

Ngoại trưởng Clinton nói bà và các giới chức khác đồng ý rằng tình hình ở Afghanistan rất nghiêm trọng và đang trở nên xấu hơn, mặc dầu bà nói các diễn biến ở đó và lân quốc Pakistan không đến nỗi tiêu cực như thường được mô tả trước công chúng.

Bà Clinton nêu ra điều mà bà và Bộ trưởng Quốc phòng Gates gọi là “những đáp ứng khích lệ” từ phía các đối tác NATO.

Bà Clinton nói: “Chúng ta trông đợi một cam kết đáng kể về việc góp thêm lực lượng từ phía các đồng minh NATO và Lực lượng Hỗ trợ Quốc tế ở Afghanistan, cũng như sự đóng góp thêm tiền bạc bởi vì, đương nhiên, chúng ta muốn thành lập một quỹ tín dụng mạnh mẽ cho cả quân đội lẫn cảnh sát quốc gia Afghanistan”.

Nhiều nhà lập pháp vẫn còn hoài nghi nhiều về sự hỗ trợ mà chính quyền Obama nói là có thể trông đợi từ phía Pakistan, nước hiện đang nhận thêm hàng tỷ đôla viện trợ của Hoa Kỳ theo dự luật đã được Quốc Hội thông qua trong năm nay.

Ngân sách dành cho các hoạt động quân sự ở Afghanistan và Iraq, nơi lực lượng Hoa Kỳ đang ở trong tiến trình triệt thoái, bao gồm trong dự luật chuẩn chi quốc phòng, hiện đang được thương lượng giữa Hạ viện và Thượng viện.

Tổng thống Obama đã cam kết chi tiền cho các nhu cầu chiến tranh qua tiến trình ngân sách thường lệ, khác với chính quyền Bush, thường gửi cho Quốc Hội những yêu cầu chuẩn chi bổ sung.

Nhưng Chủ tịch Tiểu ban Chuẩn chi Quốc phòng Hạ viện John Murtha nói ông trông đợi chi phí cho lực lượng Hoa Kỳ sẽ lên tới 40 tỷ thay vì 30 tỷ đôla như Tổng thống Obama đã đề cập đến, và ông Murtha nói thêm rằng ông trông đợi chính quyền Obama cũng sẽ cần phải yêu cầu Quốc Hội chuẩn chi thêm cho chiến tranh.

Hôm nay, các thành viên chính trong toán an ninh quốc gia của Tổng thống Obama sẽ lại ra trước các nhà lập pháp qua ngày thứ nhì để điều trần về sách lược của tổng thống về Afghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG