Đường dẫn truy cập

Bản Hiến chương Từ Ái


Hãy mường tượng một văn kiện được dự thảo bởi những người thuộc mọi quốc tịch, tín ngưỡng và nguồn gốc, với một mục tiêu duy nhất là đoàn kết, khích lệ và đem lòng từ ái trở lại tâm điểm các xã hội trên khắp thế giới. Hiến chương Từ ái đã được công bố trong tháng này. Nhân mùa lễ lạc đang tới, chúng tôi xin đem đến quý vị bài tường trình về bản Hiến chương đặc biệt này của thông tín viên VOA Faiza Elmasry.

Trong suốt hai thập niên khảo cứu về các tôn giáo chính trên thế giới và viết hơn 20 cuốn sách về các tôn giáo đó, học giả người Anh Karen Armstrong cho biết bà đã nhiều lần nhận ra lòng từ ái là giá trị cốt lõi mà tất cả các tôn giáo cùng tôn trọng.

Bà Armstrong nói: “Mọi người dường như đều nghĩ rằng từ ái có nghĩa là thương xót hay thương hại người khác. Thực ra, từ ái có nghĩa là cùng kinh qua, cùng cảm nhận với người khác, đặt mình vào địa vị của một người khác. Và tất cả đều tóm lược trong Quy luật Vàng: Đừng làm những điều cho người khác mà mình không muốn người ta làm cho mình.”

Có lòng từ ái, theo bà Armstrong, đòi hỏi sự hướng nội.

Bà Armstrong cho biết: “Nó đòi hỏi ta nhìn vào lòng mình, phát hiện điều gì làm mình đau đớn, rồi trong mọi tình huống, từ khước không làm bất cứ điều gì để gây ra niềm đau ấy cho người khác.”

Bà Armstrong vẫn hằng mong muốn khuyến khích mọi người thuộc mọi tín ngưỡng thực tập lòng từ ái để tạo ra một xã hội yên bình và hài hòa hơn. Năm ngoái, bà đã có cơ hội biến ước muốn đó thành hiện thực. Bà là một trong những người được trao giải thưởng TED. Tổ chức bất vụ lợi trao giải này mưu tìm điều họ gọi là “các tư tưởng đáng truyền bá.” Tổ chức này dành cho những người đoạt giải một ước nguyện thay đổi thế giới rồi sắp xếp để có được các nguồn tài lực và hỗ trợ để thực hiện ước nguyện đó.

Bà Armstrong nói thêm: “Tôi đã xây dựng nên ý tưởng về một hiến chương đem lòng từ ái trở lại trung tâm của sinh hoạt tôn giáo. Vì thế tôi viết một dự thảo hiến chương. Chúng tôi đưa hiến chương lên mạng Internet. Chúng tôi mời cả thế giới đóng góp trên mạng, trên một trang web sử dụng nhiều ngôn ngữ. Và hàng trăm ngàn người trên thế giới đã góp ý. Như vậy đây là một phong trào quần chúng. Thế rồi, chúng tôi họp ở Thụy Sĩ với khoảng 20 nhà tư tưởng và hoạt động hàng đầu thuộc 6 trong số các tôn giáo chính trên thế giới. Chúng tôi cùng nhau viết bản hiến chương và xét tới những ý kiến của mọi người.”

Hiến chương hiện đã được đưa lên mạng ở địa chỉ charterforcompassion chấm org. Những người vào thăm trang này có thể cùng với hàng chục ngàn cá nhân và tổ chức đã khẳng định sự ủng hộ dành cho Hiến chương, chia sẻ kinh nghiệm về một hành động từ ái, và học hỏi cách làm thế nào để phổ biến thông điệp của Hiến chương.

Còn có một băng video trong đó mấy chục người luân phiên nhau đọc bản hiến chương: “Do đó chúng tôi kêu gọi tất cả quý vị nam cũng như nữ, hãy đem lòng từ ái trở lại trung tâm điểm của đạo đức và tôn giáo; hãy trở về với nguyên tắc cổ xưa là bất cứ sự diễn dịch thánh kinh nào nuôi dưỡng bạo lực, lòng thù hận hay khinh miệt đều không chính đáng; hãy bảo đảm rằng tuổi trẻ được cung cấp thông tin chính xác và đáng kính về các truyền thống, các tôn giáo và các nền văn hóa khác; hãy khuyến khích sự tán dương tích cực tính đa dạng về văn hóa và tôn giáo; hãy nuôi dưỡng một sự đồng cảm đầy hiểu biết với những đau khổ của con người – ngay cả những người được coi là kẻ thù.”

Bà Armstrong nói tiếp: “Đây là một văn kiện ngắn chỉ gồm 300 chữ. Trước hết, đó là lời kêu gọi hành động tích cực và đầy nhiệt thành vì lợi ích của toàn bộ nhân loại, và đây là một nghĩa vụ tôn giáo. Chúng ta nên quan tâm về môi trường, về tình trạng đói nghèo trên thế giới, tình trạng nghèo khổ trong xã hội riêng của chúng ta, các vấn đề sức khỏe và đau ốm. Tất cả đều là những vấn đề tôn giáo. Thứ hai, chúng ta còn cần phải kiềm chế đừng làm hại ai. Nghĩa là kiềm chế gây bạo lực dưới mọi hình thức cũng như có những lời lẽ không tử tế trước công chúng cũng như trong chốn riêng tư.”

Để chào mừng ngày phổ biến Hiến chương hôm 12 tháng 11 vừa qua, hơn 2 chục tổ chức đã có những sinh hoạt và lễ lạc trên khắp thế giới.

Bà Armstrong nói thêm: “Chẳng hạn như đã có một cuộc thi luận văn cho giới trẻ ở Australia. Sẽ có một cuộc triển lãm nghệ thuật ở New York về đề tài từ ái. Tại Kuala Lumpur, họ đã dựng lên một bức tường cho lòng từ ái ở ngay giữa thành phố. Và các cộng đồng hồi giáo tại nhiều nước ở châu Âu đang mở các cuộc thảo luận công cộng để quảng bá khái niệm về lòng từ ái. Đấy là một đeỉm quan trọng bởi vì có quá nhiều xáo động ở châu Âu trong các cộng đồng di dân Hồi giáo đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn vào lúc này.”

Theo bà Armstrong, cũng nên để lòng từ ái tạo dựng nên cách thức hướng dẫn về tôn giáo cho giới trẻ.

Bà Armstrong nói: "Chúng ta cũng phải quyết định sẽ phải làm gì với những văn bản bạo động có trong tất cả các kinh sách của chúng ta. Chúng ta sẽ phải xử lý như thế nào những văn bản đó khi chúng được sử dụng để gây tai hại. Và tôi muốn nhìn thấy một hình thức nỗ lực hợp tác. Điều này chắc chắn đang diễn ra, trên thực tế, ở Jerusalem. Ngay trong lòng cuộc xung đột giữa người Ả Rập và người Israel, ta thấy một phong trào trong đó các giáo sĩ đạo Hồi và đạo Do Thái cùng nhau nghiên cứu các kinh sách của họ chính vì mục đích này. Điều đó có thể thực hiện được. Vì thế nếu ta đang nuôi dậy trẻ em, thì anh nuôi dậy chúng hãy có lòng từ ái, kính trọng người khác, tôn trọng những sự khác biệt và đừng coi đó là một mối đe dọa.”

Hiến chương đã được sự ủng hộ của những nhân vật tôn giáo và quần chúng như Nữ hoàng Rania Al Abdullah của Jordan, giám mục Desmond Tutu của Nam Phi, và Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng như các thần tượng văn hóa trong đó có nhà thiết kế thời trang Kenneth Cole, nhà sản xuất đĩa nhạc Quincy Jones và tác giả Isabel Allende.

Bà Armstrong nói rằng cần phải có nhiều người hơn ủng hộ để đem lại thêm động lực cho hiến chương.

Bà Armstrong nói tiếp: “Một trong những điều tôi nghĩ đến là thành lập một toán đáp ứng nhanh trên toàn thế giới. Nếu một cuộc khủng hoảng bùng ra cần đến một tiếng nói từ ái, thì chúng ta sẵn sàng lên tiếng với giới truyền thông, viết một bài xã luận trên báo, lên đài truyền hình, tổ chức một buổi sinh hoạt hay làm một điều gì đó để đưa ra một tiếng nói từ ái bởi vì chúng ta nghe thấy quá nhiều sự thù hận trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta cần đưa ra một tiếng nói khác. Tôi muốn đem lại sức mạnh cho mọi người."

Bà Karen Armstrong nói rằng Hiến chương Từ Ái có thể đem lại một tiếng nói cho đa số thầm lặng thuộc mọi truyền thống tôn giáo và cung cấp một công cụ để xây dựng một xã hội toàn cầu tốt đẹp hơn nơi mọi người có thể cùng chung sống trong sự yên bình và hài hòa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG