Đường dẫn truy cập

Bhopal vẫn còn phải chịu ảnh hưởng tai hại của chất MIC


Tai nạn công nghiệp tệ hại nhất đã xảy ra 25 năm trước đây tại Trung Ấn. Một vụ rò rỉ tại một nhà máy ở Ấn Độ, chi nhánh của công ty Mỹ Union Carbide, đã khiến chừng nửa triệu cư dân của thành phố Bhopal bị nhiễm độc. Con số nạn nhân tử vong vì tai nạn này vẫn còn là vấn đề tranh cãi, nhưng chắc chắn là hàng ngàn người đã chết trong những ngày tiếp theo sau khi tai nạn xảy ra và người ta tin rằng có thêm hàng ngàn người nữa đã chết vì những chứng bệnh do rò rỉ chất độc trong tai nạn đó. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA đã đến Bhopal để tìm hiểu xem những người còn sống sót đang phải đối phó với những nguy cơ như thế nào.

Trong một phần tư thế kỷ, thành phố Bhopal lịch sử với nhiều thắng cảnh đã đồng nghĩa với thảm họa vì vụ rò rỉ chất methyl isocyanate (MIC), một chất liệu dùng trong thuốc trừ sâu rầy, cùng với các chất độc khác.

Vào buổi tối ngày 2 tháng 12 năm 1984, các công nhân đang lau chùi các ống bị nghẹt và không hiểu sao nước đã lọt vào trong bể chứa chất methyl isocyanate (MIC). Đây là một tai nạn, một sự bất cẩn, khả năng quản lý kém hay một vụ phá hoại? Điều này vẫn còn là một nghi vấn tiếp tục gây tranh cãi. Điều mà người ta chắc chắn được là vụ nước lọt vào bể chứa chất MIC đã gây ra một phản ứng lan rộng làm khí độc phun lên bao trùm Bhopal.

Bà Rashida Bee, bán thuốc lá lẻ, kiếm được có chừng vài Rupee một ngày đã mất 7 thân nhân trong gia đình vào cái đêm định mệnh đó.

Bà nhớ lại rằng mắt bà bị bỏng rát, như thể có ai dùng kim đâm vào, còn hai lá phổi của bà thì như muốn nổ tung. Bà cầu xin thượng đế hãy để cho bà chết. Bà mở mắt ra và nhìn thấy một đám đông hoảng loạn dẫm lên thân thể bà.

Bà Bee cùng với nhiều phụ nữ sống sót khác thành lập một liên đoàn đòi được cung cấp việc làm, chữa trị y tế và bồi thường. Kể từ đó họ vẫn tổ chức các cuộc biểu tình và tuyệt thực, đôi khi còn phải vào tù vì các hoạt động tranh đấu của họ.

Trong một chuyến đi thăm khu Shiv Nagar, một khu của những người lợi tức thấp gồm cả cư dân Ấn giáo lẫn Hồi giáo, người ta thấy trẻ con với các khuyết tật bẩm sinh và trì độn được đưa ra bên ngoài.

Toán nghiên cứu y học và theo dõi ảnh hưởng của vụ rò rỉ chất MIC đối với sức khỏe được chính phủ đề cử đã ngưng công tác từ năm 1994. Tuy nhiên bà Nafeeza Bee Khan chắc chắn rằng các hóa chất này vẫn còn nằm trong đất của vùng này hoặc ngấm vào nước uống tiếp tục gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Bà Khan nói rằng thế hệ đã hít thở phải khí này sinh con bị bệnh tật. Và thế hệ đó sinh ra một thế hệ trẻ bị khuyết tật khác nữa. Bà Khan nói rằng dường như không ai hiểu là cần phải thanh tẩy chất độc đã ngấm vào đất.

Từ các giới chức thành phố cho đến giới chức cấp liên bang đã nói, trong riêng tư, với các nạn nhân và các nhà báo rằng đã đến lúc Bhopal hướng đến tương lai, và quên đi thảm kịch này.

Với sự hậu thuẫn ít ỏi của chính phủ, 100.000 người sống sót quay sang chẩn y viện Sambhavna Trust Clinic để được giúp đỡ chăm sóc về y tế. Chẩn y viện này chữa trị miễn phí theo các phương pháp tân tiến lẫn cổ truyền, và hoạt động dựa trên các đóng góp cá nhân.

Chuẩn y viện được điều hành bởi ông Sathyu Sarangi, một kỹ sư luyện kim đã vội vàng đến Bhopal ngay tức khắc, tình nguyện tiếp tay giúp đỡ sau khi xảy ra vụ rò rỉ khí và ở lại từ đó đến nay.

Ông Sarangi nói: "Qua các cuộc tiếp xúc với các giới chức chính phủ, kể cả Thủ tướng, chúng tôi có cảm tưởng là chính phủ đặt vấn đề đầu tư của các công ty nước ngoài là ưu tiên cao hơn là chăm sóc cho nhu cầu của chính nhân dân trong nước."

Công ty Dow, đã mua lại công ty Union Carbide, nhiều lần từ chối các yêu cầu bình luận, và nói với truyền thông hãy vào xem các thông báo trên trang web của công ty. Công ty Union Carbide trả gần 500 triệu đô la cho Ấn Độ, 10 năm, trước khi Dow mua lại công ty vào năm 2001. Công ty Dow nói họ "không có trách nhiệm với Bhopal" và cố gắng làm tất cả những gì trong khả năng "để bảo đảm rằng những tai họa tương tự không bao giờ xảy ra một lần nữa."

Một vài khoa học gia nói rằng nhà máy đã đổ nát này vẫn còn chứa hàng trăm tấn chất thải, và còn độc hại đến nỗi không ai nên bước chân vào.

Tuy nhiên, chính phủ bang Madhya Pradesh muốn mở cửa nhà máy nhân dịp tưởng niệm lần thứ 25, với sự đoan chắc của Bộ trưởng Môi trường rằng hóa chất còn sót lại không còn tác hại nữa.

Đối với các khu nhà ổ chuột đã từng bị ảnh hưởng vì vụ rò rỉ khí, không mấy ai tin vào các lời bảo đảm như vậy của chính phủ. Nhiều cư dân Bhopal tin rằng họ đã bị dối gạt nhiều lần từ đêm định mệnh cách nay 25 năm, được dẫn chứng bằng những lời hứa bồi thường và chăm sóc sức khỏe đầy đủ đã không hề được chính phủ thực hiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG