Đường dẫn truy cập

Tại sao viết?


Tại sao viết?
Tại sao viết?

Trả lời câu hỏi tương tự, một lần, trên tạp chí Thế Kỷ 21 tại California, tháng 4, 1994, tôi đặt vấn đề: Tại sao người ta thích hỏi nhà văn là tại sao anh (hay chị) viết văn? Tại sao không ai hỏi cái câu hỏi tại sao ấy với những hạng người khác, với các chính khách, các bác sĩ, các luật sư, kỹ sư, hay với các nhạc sĩ, các ca sĩ, chẳng hạn? Có phải với những nghề ấy, vấn đề đã quá hiển nhiên? Đó là những nghề hoặc có tiền hoặc có danh hoặc có cả hai, đôi khi lại thêm quyền lực nữa. Người ta chỉ hỏi các nhà văn: tại sao anh/chị viết văn?

Dường như người ta tò mò: Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Vỹ từng than, “nhà văn An Nam khổ như chó”, vậy mà anh/chị vẫn cứ mơ mộng làm văn sĩ? Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Minh Châu từng thú nhận, con đường văn chương là một con đường nhục nhằn, đau xót, đầy bất trắc, vậy mà anh/chị cứ đeo đuổi mãi? Tại sao anh/chị biết, như Nguyễn Du từng ngậm ngùi, thơ văn chả có ích lợi gì, “nhất sinh từ phú tri vô ích”, vậy mà anh/chị cứ lầm lũi viết lách?

Tại sao? Cái câu hỏi tại sao ấy, từ phía độc giả, như một sự lạ lùng; về phía nhà văn, cứ như một niềm nhức nhối.

Tại sao anh/chị viết văn?

Hỏi. Ừ, thì hỏi. Nhưng hầu như người cầm bút nào cũng biết là mình bị văn chương chọn hơn là chính mình chọn văn chương. Lý do đơn giản: Cái viết nào cũng khởi phát từ một cảm hứng mà cảm hứng thì lại nằm ngoài tầm kiểm soát của người cầm bút. Không có người cầm bút thực sự nào không sáng tác như một phiêu lưu.

Điều này, có lẽ phần nào giải thích được hiện tượng vì sao các nhà văn hay có tật nói khoác: anh/chị ta lúc nào cũng ngạc nhiên trước tác phẩm của mình. Một kỹ sư không ngạc nhiên đến thế khi nhìn cái máy do mình chế tạo ra: anh/chị ta đã hình dung được nó từ trước, ngay trong dự án.

Với nhà văn, trong công việc sáng tác, tình hình lại khác. Ngay cả khi viết xong điều đắc ý, anh/chị ta vẫn chưa chắc đã hiểu trọn những gì mình đã viết, hơn nữa, dù hiểu, vẫn bàng hoàng: anh/chị ta cần lời khen của người khác hoặc của chính mình để tự tin vào mình.

Riêng trường hợp của tôi, lý do thật đơn giản: vì ngứa.

Viết, với tôi, ở một khía cạnh nào đó, giống như là gãi, cả hai có cùng một nguyên do: ngứa. Một đằng là ngứa ngoài da, một đằng là ngứa trong tâm hồn. Có những lúc tự nhiên tâm hồn nổi sốt, ngứa ngáy, khó chịu, bức xúc, đòi...gãi; thế là cầm bút viết. Ngược lại, có những thời gian dài, không viết được gì cả: tôi tin đó là thời gian may mắn nhất, tâm hồn nếu không mạnh khoẻ thì cũng bình an, không bị dị ứng, không ngủ chập chờn.

Viết vì… ngứa. Mục tiêu của việc viết, như vậy, cũng rất đơn giản: Viết, trước hết là để đã ngứa. Những mục tiêu khác, đầy vẻ cao cả, mà người ta thường nói, thật ra, là những cái đến sau. Lúc viết, tôi tin là chả có người cầm bút thực sự nào nghĩ đến những chuyện "vị" cái này, "vị" cái kia cả. Nhất là trong sáng tác.

Nhưng viết lại có một nghịch lý: Viết, một mặt là vì sự ngứa ngáy trong tâm hồn của mình, nhưng mặt khác, lại để cho người khác đọc. Không ai có thể trở thành nhà văn, nhà thơ mà không cầm bút trong cái ý nghĩ: Viết cho ai đó đọc, không tính toán đến hiệu quả từng từ mình chọn, từng hình ảnh mình dựng, từng dấu chấm, dấu phảy mình dùng, thậm chí đến cái chỗ mình phải chấm cái dấu chấm hết. Tất cả những thủ pháp nghệ thuật ấy đều được thực hiện trong một ám ảnh: người đọc.

Nói cách khác, viết giống như gãi: vì ngứa; nhưng viết khác với gãi ở chỗ: viết là gãi mình mà làm sao cho... người khác - người đọc - lại thấy "đã". Truyện Kiều bắt đầu bằng câu "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" mà kết thúc bằng câu "Mua vui cũng được một vài trống canh" là vì thế.

Nhưng cái gọi là "đã" có nhiều loại, nhiều kiểu và nhiều mức độ khác nhau.

Nếu tác phẩm nhắm đến việc làm người đọc "đã" ngay tức khắc, những cái "đã" nhẹ dạ và nhất thời, thì số phận của nó cũng sẽ khá phù du theo sự thay đổi bất thường của thị hiếu con người.

Hơn nữa, cả khái niệm "người đọc" cũng là một khái niệm mơ hồ.

Người đọc nào? Mỗi người, khi cầm bút, bao giờ cũng nhắm đến một loại người đọc nào đó: có người nhắm đến tầng lớp độc giả bình dân, càng đông càng tốt; có người nhắm đến tầng lớp độc giả chọn lọc, càng ưu tú càng hay.

Nhưng dù sao người đọc quan trọng nhất bao giờ cũng vẫn là người đọc đầu tiên: chính tác giả.

Một tác giả thất bại trước hết là thất bại trong tư cách là độc giả của chính mình: hắn không phát hiện kịp để gạch bỏ những khuyết điểm trong tư tưởng cũng như trong cách diễn đạt của hắn.

Đây cũng là lý do chính khiến tôi, thực tình, không tin cậy những nhà phê bình viết văn quá kém. Tôi biết người ta không thể đòi hỏi một nhà phê bình phải viết văn hay như một người sáng tác, tuy nhiên, theo tôi, nếu một nhà phê bình mà viết văn quá kém, tôi ngờ là trong khả năng cảm thụ và ý thức thẩm mỹ của hắn có cái gì đó không ổn.

Có phải vậy không?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG