Đường dẫn truy cập

Tiếng Việt tại Úc: Các trường sắc tộc


Trong bài “Tâm tình thầy cô” đăng trên báo Người Việt số ra ngày 25.9.2009 Nguyễn Trường San cho biết trường Hồng Bàng là một “trung tâm Việt ngữ lớn bậc nhất tại Nam Cali”, Hoa Kỳ.

Trường ấy có bao nhiêu học sinh? Theo Nguyễn Trường San, “có thể lên tới 900 học sinh”.

Tại California, có bao nhiêu trường Việt ngữ thuộc loại “lớn bậc nhất” như thế? Trường lớn nhất có bao nhiêu em học sinh? Thú thực tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc một điều: Tại Úc, đặc biệt tại tiểu bang Victoria, có một số trường Việt ngữ lớn hơn trường Hồng Bàng ở Nam California rất nhiều.

Ví dụ, trường Lạc Hồng tại thành phố Melbourne.

Do ông Thái Đắc Nhương làm hiệu trưởng, trường Lạc Hồng được thành lập vào năm 1984 với 54 học sinh thuộc bốn lớp, từ lớp 1 đến lớp 4. Đến nay, năm 2009, trường có 6 trung tâm khác nhau với trên 100 thầy cô giáo đứng dạy 114 lớp từ mẫu giáo đến 12. Số học sinh ghi danh năm nay là 2710 em, trong đó 226 em đang theo học bậc tú tài (lớp 11 và 12).

Không những thu hút số học sinh rất đông, có thể đông nhất ở hải ngoại, trường Lạc Hồng còn biên soạn bộ sách giáo khoa riêng, từ lớp mẫu giáo đến lớp 12. Theo chỗ tôi được biết, sách giáo khoa của họ được sử dụng rộng rãi ở nhiều trường Việt ngữ khác, không những tại Úc mà còn rải rác ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đứng sau trường Lạc Hồng là trường Việt ngữ Springvale do ông Mai Thành Lập làm hiệu trưởng.

Được thành lập vào năm 1983, thoạt đầu, dạy cả ba thứ tiếng Việt, Lào và Miên; sau các thứ tiếng Lào và Miên dần dần tách riêng ra; từ cuối thập niên 1990, trường Việt ngữ Springvale chỉ dạy tiếng Việt. Năm nay, trường có gần 40 giáo viên đứng dạy 48 lớp từ mẫu giáo đến lớp 12. Số học sinh ghi danh năm nay là trên 1200 em, kể cả trên 100 em đang học bậc tú tài.

Xin lưu ý: Ngoài trường Lạc Hồng và trường Việt ngữ Springvale, tại tiểu bang Victoria còn có khoảng 20 trường Việt ngữ khác. Đó là các trường:

1. Trường Việt ngữ Gia Đình Phật Tử Đại Bi Quan Âm
2. Liên Trường Việt ngữ Melbourne
3. Trường Việt ngữ Chùa Quang Minh
4. Trường Việt ngữ Âu Lạc
5. Trung Tâm Việt Ngữ Keysborough
6. Trường Việt ngữ Lạc Việt (Hiệu trưởng: Cô Le Dzung Mai, michael.nguyen@optusnet.com.au)
7. Trường Việt ngữ Măng Non (Hiệu trưởng: Cô Tô Kim Long, longto@optusnet.com.au)
8. Trung tâm Việt ngữ Thế Hệ
9. Trường Việt ngữ Trương Vĩnh Ký
10. Trường Việt ngữ Vinh Sơn Liêm
11. Trường Việt ngữ Hồng Bàng
12. Trường Việt ngữ Văn Khoa
13. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Springvale
14. Trường Việt ngữ Lễ Văn
15. Trường Sài Gòn
16. Trường Việt Ngữ Hoa Nghiêm (Email: admin@hoanghiem.org.au)
17. Trường Thiên Ân (Linh mục Nguyễn Hữu Quảng, quangsdb@yahoo.com, điện thoại: 03-9384 1947). (Ở trên, tôi chỉ ghi địa chỉ liên lạc của những trường được cung cấp mà thôi.)

Tổng cộng, theo thống kê của Hội các trường sắc tộc tại tiểu bang Victoria, năm nay, tổng số học sinh đang theo học ở các trường nêu trên là 7588 em, từ mẫu giáo đến lớp 12.

Cũng xin lưu ý: tính về số lượng học sinh, các trường tiếng Việt đứng hàng thứ hai trong số các trường sắc tộc tại tiểu bang, chỉ sau tiếng Hoa (11767 em), và nhiều hơn hẳn tiếng Hy Lạp, đứng hàng thứ ba (6599 em), tiếng A-rập, đứng hàng thứ tư (2942 em), tiếng Ý, đứng hàng thứ năm (905 em). Các ngôn ngữ khác, từ tiếng Nga đến tiếng Tây Ban Nha, tiếng Thổ Nhĩ Kì, v.v… đều chỉ có vài trăm, thậm chí, vài chục học sinh.

Cũng lại xin lưu ý: Đó không phải là toàn bộ số học sinh hiện đang theo học tiếng Việt tại tiểu bang Victoria. Có ít nhất hai nhóm, trong đó có nhóm khá lớn, học sinh tiếng Việt không được kể đến. Thứ nhất là các em đang học tiếng Việt tại các trung tâm dạy kèm của tư nhân, chung với các môn khác, như Toán, Anh văn hay Khoa học. Thứ hai, các em đang học trong các trường Victorian School of Languages (thường được gọi tắt là VSL). Khác với các trường sắc tộc (Ethnic Schools), trường VSL do chính phủ quản lý chuyên trách việc giảng dạy các ngôn ngữ cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Hiện nay trường VSL dạy hơn 40 thứ tiếng với hơn 13 ngàn học sinh, trong đó có khoảng ba, bốm trăm học sinh học tiếng Việt.

Tại các tiểu bang khác, như NSW (thủ phủ là Sydney, nơi có đông người Việt sinh sống nhất tại Úc), South Australia (thủ phủ là Adelaide), Queensland (thủ phủ là Brisbane), số lượng học sinh học tiếng Việt cũng khá đông, tuy không nơi đâu bằng Victoria. Nếu tổng số trẻ em học tiếng Việt tại các tiểu bang ấy hơn số lượng học sinh tại Victoria môt tí thì, như vậy, con số học sinh tại các trường sắc tộc tiếng Việt cũng lên đến gần 20,000.

Nên biết là hiện nay có khoảng trên 200,000 người Việt Nam đang sinh sống tại Úc (theo cuộc điều tra dân số của Úc vào năm 2006 thì trong cả nước Úc có 194,855 người nói tiếng Việt tại nhà, trong đó có 159,850 người sinh ra ở Việt Nam). Như vậy số học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường sắc tộc trên tổng dân số gốc Việt rất cao, xem như một phần mười.

Tôi không nắm được con số trẻ em học tiếng Việt ở các quốc gia khác, nhưng thú thực, tôi không tin ở đâu có thể có tỉ lệ cao hơn.

Cũng nên biết thêm, tại Úc, các trường sắc tộc đều được chính phủ tài trợ. Ví dụ, tại tiểu bang Victoria, chính phủ trợ cấp cho mỗi học sinh học tiếng Việt tại các trường sắc tộc (được tổ chức vào mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật) là 120 Úc kim một năm. Trường nào càng đông học sinh, số tiền tài trợ sẽ càng nhiều.

Dĩ nhiên, số tài trợ như vậy cũng không đủ để thanh toán mọi chi phí cần thiết, từ việc thuê phòng học đến việc trả lương cho giáo viên. Bởi vậy, trường nào cũng yêu cầu phụ huy đóng góp thêm. Tiền học hằng năm thay đổi theo từng trường. Nhưng thường là khoảng 70 Úc kim cho cấp một; 80 Úc kim cho cấp hai và năm đầu tiên của cấp ba; và 100 Úc kim cho lớp 11 và 12.

Nhờ sự tài trợ của chính phủ cũng như tiền đóng góp của phụ huynh, các trường sắc tộc tại Úc có thể trả lương cho giáo viên. Mức lương trung bình từ khoảng 20 đến 40 Úc kim một giờ tuỳ từng trường và ở mỗi trường, tuỳ từng cấp; ở mỗi cấp, tuỳ theo lớp đông hay ít học sinh.

Nhưng ai là giáo viên dạy tiếng Việt tại Úc?

Câu trả lời không dễ. Để từ từ tính sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG