Đường dẫn truy cập

Châu Á xét lại mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu


Sự co cụm của các hoạt động thương mại toàn cầu trong năm qua đã khiến nhiều chính phủ Châu Á, kể cả Thái Lan, phải xét lại mô hình đã đưa tới tăng trưởng kinh tế trong mấy thập niên gần đây. Theo tường thuật của Thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, các nhà kinh tế nói Châu Á đang chuyển hướng để chú trọng tới thương mại khu vực, hầu có thể giảm bớt sự lệ thuộc vào các thị trường Mỹ và Châu Âu:

Sự phồn thịnh của kinh tế Châu Á trong nhiều thập niên qua được gắn liền với xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng tiêu thụ, điện tử và vải sợi.

Chiến lược này đã nâng cao mức sống của người dân, và giảm mức nghèo đói tại nhiều nước, từ Nhật Bản cho đến Indonesia.

Tuy nhiên năm nay, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới nói nền thương mại toàn cầu đã co cụm theo những tỷ lệ chưa từng thấy trong gần 80 năm nay. Thu nhập do xuất khẩu của các nước nghèo nhất thế giới tuột dốc đến hơn 40%, làm mất đi hàng triệu công ăn việc làm giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ Hoa Kỳ lan ra khắp thế giới.

Nền kinh tế Thái Lan là một thí dụ hàng đầu về mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu. Hoa Kỳ và Châu Âu là các thị trường chiếm hơn 1/4 các mặt hàng xuất khẩu Thái Lan, tuy nhiên năm nay, các chuyến hàng xuất khẩu sang các thị trường này đã giảm khoảng 17%.

Ông Kiat Sittheeamorn, Chủ tịch Văn phòng Đại diện Thương mại Thái Lan, nói tình trạng suy thoái toàn cầu đã khiến nhiều chính quyền Châu Á đặt nghi vấn về sự lệ thuộc của họ vào lĩnh vực xuất khẩu.

Ông Kiat nhận định: “Người ta thảo luận rất nhiều đến việc tái cân bằng tăng trưởng và một mô hình phát triển mới. Cuộc khủng hoảng đã cho chúng ta thấy rằng hoàn toàn lệ thuộc vào xuất khẩu có thể đặt ra nhiều vấn đề, và đặt nền kinh tế vào vị thế bấp bênh. ”

Ông Kiat nói các chính quyền khu vực nên chú ý nhiều hơn vào nỗ lực thăng tiến công nghệ địa phương và các kỹ năng để tăng giá trị các sản phẩm.

Ngân hàng trung ương Thái Lan, Bank of Thailand, mới dây nói rằng trong thời kỳ từ năm 1985 đến năm 2007, tỷ lệ các mặt hàng xuất khẩu đối với tổng sản lượng quốc nội đã tăng từ 25% đến 70%.

Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Thái Lan gồm có: vải vóc, giầy dép, hải sản, gạo, cao su, đồ trang sức, ô tô, máy tính và máy móc đồ dùng điện tử khác.

Hoa Kỳ mua vào hơn 10% các mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan, và là đối tác mậu dịch hàng đầu của nước này. Các thị trường Châu Á chủ yếu của Thái Lan là Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore.

Ông Ravi Ratnayake là một kinh tế gia và đồng thời là giám đốc Ủy Ban Kinh Tế Xã Hội của Liên Hiệp Quốc đặc trách khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Ông nói tình trạng suy thoái đã nêu bật tính bấp bênh của Thái Lan trước những thăng trầm lớn trong nền mậu dịch toàn cầu.

Kinh tế gia Ratnayake nói: “Khu vực này quá lệ thuộc vào các thị trường bên ngoài như Hoa Kỳ và châu Âu, và không chú ý đến nhu cầu nội địa hay nhu cầu trong khu vực. Vì thế điều mà chúng tôi muốn nói là chúng ta cần phải cân bằng các nguồn tăng trưởng kinh tế. Nếu khu vực không lệ thuộc quá mức như thế này vào các thị trường bên ngoài, thì theo ý chúng tôi, đã có thể giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng đối với khu vực rồi.”

Trong những năm gần đây, Thái Lan đã mở nhiều thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực. Các hiệp định này gồm có các thỏa thuận giữa Thái Lan với Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka, Úc và New Zealand, và trong nội bộ khu vực Đông Nam Á.

Kinh tế gia của Ủy Ban Kinh-Xã Liên Hiệp Quốc Shamika Sirimanne nói rằng các hiệp định thương mại đó đã mang lại một số khác biệt.

Kinh tế gia Sirimanne nhận định : “Thái Lan đang tìm cách đa dạng hóa thị trường, bớt dựa vào các thị trường Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu để quay sang các thị trường khu vực. Không chỉ có Thái Lan, mà nhiều nước trên khắp khu vực cũng đang có ý định đa dạng hóa. Họ đã trông thấy các hậu quả của tình trạng lệ thuộc vào các thị trường lớn, để rồi bị thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta hãy chờ xem khu vực sẽ tiến bước như thế nào, và sẽ đạt được bao nhiêu kết quả.”

Ông Sirimanne nói cần phải có biện pháp cải cách để đẩy mạnh giao dịch thương mại khu vực, như cắt giảm các thủ tục hành chánh rườm rà.

Ông nói: “Với các nước láng giềng, thủ tục giấy tờ lại lôi thôi, phức tạp hơn nhiều, phải vượt qua nhiều rào cản hơn để trao đổi thương mại ngang qua các biên giới. Những rào cản trong nội bộ khu vực cần được tháo gỡ nếu các nước muốn phát triển xuất khẩu bằng cách dựa vào khu vực ngày một nhiều hơn.”

Ngành ô tô của Thái Lan xuất khẩu sang 190 quốc gia, tuy nhiên số bán đã giảm đến 40% trong năm qua.

Ông Vallop Tiasiri, Chủ Tịch Viện Công Nghiệp Ô Tô Thái Lan, nói công nghiệp này vẫn duy trì một chỗ đứng tốt để có thể hưởng lợi khi mậu dịch chuyển hướng sang Châu Á.

Ông Vallop nói: “Thái lan là một trung tâm sản xuất thay thế trong khu vực này. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tính cạnh tranh tại Châu Á. Trong khu vực chỉ có 5 địa điểm có khả năng sản xuất vượt quá 1 triệu xe mỗi năm.

Một số nhà phân tích doanh nghiệp khác nói rằng có rất ít các cuộc tranh luận để tìm các phương cách nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

Ông Jacques-Chai Chomphongdi là một học giả và là một hội viên của nhóm Focus on the Global South (Chú Trọng vào Khu vực Toàn Cầu phía Nam), vẫn đang xét tới một mô hình thay thế để tăng trưởng kinh tế, tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế nội địa.

Học gia Jacques-Chai nói: “Chúng tôi vẫn cố gắng cổ võ cho một mô hình phát triển đa dạng hơn, vượt lên trên giới hạn của mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu. Đơn cử trường hợp của Thái Lan, nước này đã đi theo mô hình phát triển này trong nhiều thập niên qua. Điều đó cho thấy nhiều lĩnh vực nguy hiểm có thể xảy ra khi phải lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài để làm động cơ chính cho phát triển kinh tế.

Ông Chomphongdi nói ông muốn thấy các chính quyền khu vực tỏ ra mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các mô hình phát triển thay thế.

Ngân hàng trung ương Thái Lan nói mô hình hiện tại sẽ tiếp tục là động cơ thúc đẩy kinh tế. Ngân hàng này nói thị trường nội địa nhỏ bé của Thái Lan sẽ không thay thế lĩnh vực xuất khẩu như động cơ ưu việt hơn cho phát triển, ít nhất trong nhiều năm nữa.

Lĩnh vực xuất khẩu của Thái lan theo dự kiến sẽ tăng khoảng 15% trong năm tới. Tuy nhiên, giới quan sát sẽ chú ý theo dõi xem mức độ chuyển hướng của Thái Lan từ các thị trường Mỹ và Châu Âu, sang các thị trường châu Á sẽ là bao nhiêu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG