Đường dẫn truy cập

TT Obama đạt tiến bộ trong chuyến thăm Trung Quốc


Một số chuyên gia chính trị cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong một số lãnh vực, đặc biệt là trong vấn đề biến đổi khí hậu, tuy chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Barack Obama gặp phải những lời chỉ trích của các nhà quan sát ở Mỹ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Những người chỉ trích chuyến đi Trung Quốc của Tổng thống Obama đã tập trung vào điều mà họ cho là mưu toan của Bắc Kinh nhằm dàn cảnh cho những lần xuất hiện của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trước công chúng và hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp của ông với người dân Trung Quốc.

Trung Quốc đã từ khước một yêu cầu của phía Mỹ đòi truyền hình trực tiếp trên cả nước cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Obama với các sinh viên tại Thượng Hải. Ngoài ra, ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ đưa ra những phát biểu soạn sẵn sau cuộc họp thượng đỉnh mà không trả lời câu hỏi nào của giới truyền thông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi cho biết rằng cả hai chính phủ đã đồng ý với nhau về chương trình làm việc của Tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm Trung Quốc.

Ông Hà Á Phi nói thêm: "Chúng tôi không muốn so sánh chuyến đi của ông Obama với các chuyến đi trước đây của Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush xem ai là người đã có được những cuộc tiếp xúc gần gũi hơn với người dân Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng điều này nên do phía Hoa Kỳ quyết định."

Trong khi đó, một viên cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama là ông David Axelrod nói rằng Tòa Bạch Ốc xem chuyến đi này là thành công. Ông nêu lên sự kiện là mặc dù cuộc tiếp xúc với sinh viên ở Thượng hải không được chiếu trực tiếp trên đài truyền hình Trung Quốc nhưng sự kiện này được phát hình trực tiếp trên trang nhà của Tòa Bạch Oác. Ông Axelrod nói thêm rằng Tổng thống Obama đã công khai đề cập tới những vấn đề nhạy cảm, như vấn đề nhân quyền, mà Hoa Kỳ và Trung Quốc thừa nhận là có ý kiến bất đồng.

Ông Axelrod nói: "Những vấn đề này không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng có điều chắc chắn là Tổng thống Obama đã đưa ra những phát biểu mạnh mẽ với người dân Trung Quốc về những vấn đề vốn là trọng tâm của những giá trị của nước Mỹ, và tôi nghĩ rằng những phát biểu này sẽ phát huy ảnh hưởng theo thời gian."

Bản thông cáo chung về cuộc họp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề cập tới rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hợp tác kinh tế cùng với các vấn đề khu vực như Bắc Triều Tiên và Nam Á và các vấn đề toàn cầu như Iran và nạn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Một số những nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường cho biết rằng thông cáo này có những tin mừng về vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Dương Phú Cường, Giám đốc văn phòng Bắc Kinh của chương trình biến đổi khí hậu của Quĩ Sinh vật Hoang dã Thế giới, cho biết ý kiến như sau.

Ông Dương nói: "Tôi rất lạc quan. Có nhiều điều vượt quá sự trông đợi của tôi trước đây. Lấy một thí dụ là lúc trước tôi không ngớt vận động với chính phủ Trung Quốc về vấn đề C.C.S., tức là tách carbon để tích trữ. Lúc đó các giới chức Trung Quốc cứ nói rằng việc này rất tốn kém và họ không hề bày tỏ một thái độ dứt khoát. Lần này Trung Quốc và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ hợp tác với nhau để thực hiện kỹ thuật CCS; và chẳng những chỉ bày tỏ ý định hợp tác mà thôi, đôi bên còn nói rõ là sẽ bắt đầu ngay lập tức."

Ông Dương Phú Cường cũng tán dương những dự án chung giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm phát triển các loại năng lượng ít gây ô nhiễm và sản xuất các loại xe hơi chạy bằng điện.

Ông Richard Suttmeier là giáo sư chính trị học và là một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Đại học Oregon. Ông tán đồng nhận xét cho rằng thông cáo chung Mỹ-Trung có những điểm rất quan trọng.

Giáo sư Suttmeier nhận xét: "Nếu các bạn chú ý xem bản tuyên bố đó và các bạn thấy rằng trong bối cảnh của những vấn đề to lớn hiện nay, như vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển biến về năng lượng, các bạn chắc chắn sẽ thấy là trong bản tuyên bố này có rất nhiều điều quan trọng."

Giáo sư Suttmeier nói rằng điều này cho thấy hai nước sản xuất khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới đang có thái độ nghiêm túc trong việc đối phó với nạn biến đổi khí hậu.

Lập trường của Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với vấn đề biến đổi khí hậu được các nước khác trên thế giới theo dõi rất sát. Ông Dương Phú Cường của Quĩ Sinh vật Hoang dã Thế giới cho biết giờ đây ông tin là tuyên bố chung của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy cho việc đạt được tiến bộ tại hộïi nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu ở Copenhagen vào tháng tới.

Mặt khác, các chuyên gia về chiến lược cho rằng chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama đã đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, giáo sư Thời Nghị Hoằng của Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã được thắt chặt thêm nữa và trở thành quan

Ông Thời nói: "Vào năm 2005, thứ trưởng ngoại giao Mỹ lúc đó là ông Zoellick nói rằng quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ của những nước có chung quyền lợi và quan tâm. Khái niệm này chỉ nói tới lợi ích và quan tâm chung mà không trực tiếp đề cập tới việc thăng tiến quyền lợi hay giải quyết các mối quan tâm. Giờ đây, khi quan hệ đôi bên trở thành quan hệ đối tác chiến lược thì ngoài việc thừa nhận những quyền lợi và quan tâm chung, hai nước sẽ tiến hành việc hiệp thương và hợp tác chiến lược."

Giáo sư Hoàng Tĩnh, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết rằng trong các phát biểu đưa ra trước khi lên đường công du Á châu, Tổng thống Obama nói rằng Trung Quốc vừa là đối tác hợp tác về chiến lược vừa là đối thủ cạnh tranh về thương mại của Hoa Kỳ. Ông Hoàng Tĩnh cho rằng sự kiện có vẻ mâu thuẫn này chứng tỏ là quan hệ Mỹ-Trung đã tiến tới chỗ mật thiết, tương tự như quan hệ giữa Washington với Nhật bản và các nước Âu châu – vừa là đồng minh chiến lược vừa tiếp tục cạnh tranh với nhau trong các lãnh vực khác.

Ông Hoàng nói: "Thoạt đầu ông Obama nói rằng nước Mỹ muốn làm đối tác hợp tác chiến lược của Trung Quốc, nhưng ngay sau đó ông nói rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Kế tiếp ông cũng nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh này là trong lãnh vực mậu dịch và kinh tế, chứ không phải là đối thủ của nhau trong các lãnh vực ý thức hệ, quân sự hay an ninh."

Thưa quí thính giả, nhận xét vừa rồi của Giáo sư Hoàng Tĩnh của Đại học Quốc gia Singapore về mối quan hệ Mỹ-Trung đã chấm dứt tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này. Duy Ái xin kính chào quí vị và xin hẹn gặp lại quí vị trong tiết mục tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG