Số các ca quyên sinh trong quân đội Hoa Kỳ đang tăng đến các mức cao kỷ lục. Tính tới ngày 16 tháng 11, Ngũ Giác Đài cho hay 140 binh sĩ tại ngũ, và 71 binh sĩ xuất ngũ đã tự tử trong năm nay, và quân đội tiên đoán số các ca tự tử chắc chắn sẽ vượt quá con số của cả năm 2008. Quân đội Hoa Kỳ ngày càng quan tâm hơn về các vụ tự tử và mới đây đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để tìm hiểu những nguyên nhân đưa đến sự thể này. Thông tín viên VOA Melinda Smith có thêm chi tiết về cuộc nghiên cứu, và thuật lại câu chuyện của một bà mẹ cho tới giờ này vẫn hối hận vì mất con.
Tên của người lính ấy là Thomas John Sweet. Mọi người gọi anh là “TJ”.
Thời còn bé, TJ yêu súng đồ chơi và lính làm bằng nhựa. Giấc mơ của cậu bé đã trở thành hiện thực khi anh gia nhập quân đội ngay sau khi rời trung học.
Mẹ anh, bà Liz Sweet, tỏ ra lo ngại. Bà nói TJ đã được chẩn đoán là mắc một chứng bệnh tim, cũng như chứng rối loạn tâm lý làm giảm khả năng tập trung, và gặp khó khăn khi viết chữ.
Bà Sweet nói: "Tôi không nghĩ họ sẽ nhận con tôi vào quân đội. Thế nhưng nhân viên tuyển mộ nói 'Ồ không sao, chúng tôi có thể xin giấy chứng nhận cho mỗi chứng bệnh đã liệt kê để miễn trừ điều kiện này'."
Thế là TJ trở thành một quân nhân, anh yêu thích đời lính và thời gian huấn nhục ban đầu. Anh nói với mẹ rằng anh cảm thấy anh là một thành viên của tập thể quân đội.
Thế nhưng khi người lính trẻ được đưa sang Iraq vào tháng 9 năm 2003, các điều kiện chiến tranh đã làm anh cảm thấy bất an.
Bà Sweet nói gia đình chỉ nhận được vỏn vẹn có 4 bức thư, trong thời gian anh còn sống. Trong bức thư áp chót, anh xin gia đình gửi thuốc men vì anh không tập trung được tư tưởng.
Mẹ anh nói: “Trước khi tôi có thể làm bất cứ gì, thì TJ đã không còn nữa”
Bà Sweet nói một trung sĩ tố cáo TJ là đã có thái độ không tôn trọng thượng cấp: “Ông trung sĩ hạ lệnh cho TJ bước xuống chiếc Humvee và hít đất trong vũng bùn. Ông ta bảo rằng TJ dường như không tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, và sẽ bị gửi trả về căn cứ.”
Bà Sweet cho biết là theo hồ sơ thì sau đó con của bà được lệnh dời sang trại dành cho hàng binh sĩ, là một dấu hiệu TJ bị hạ cấp.
Bà Sweet nói: “Ông trung sĩ thuộc trung đội của TJ sau đó phất tay bảo con tôi đi, nội trong 5 phút sau đó người ta nghe một tiếng súng, nhưng không thấy ai bắn. Họ tìm ra xác con tôi bên dưới một chiếc cầu thang, bên ngoài trại.”
Lúc ấy TJ đã được triển khai sang Iraq được 2 tháng. Anh tự tử vào ngày Lễ Tạ Ơn, 27 tháng 11 năm 2003.
Như những binh sĩ chết tại các chiến trường, thi thể của TJ được đưa về căn cứ không quân Dover ở bang Delaware, điểm trung chuyển trước khi cử hành tang lễ tại quê nhà.
Vài ngày sau đó, gia đình anh được thông báo anh đã tự tử.
Mẹ của TJ tin rằng quân đội đã không nhận ra những dấu hiệu báo động, rằng con của bà bị rối loạn tâm lý.
Bà Sweet cho biết là các hồ sơ được công bố sau đó cho thấy quân đội đã không theo đúng những thủ tục hiện hành sau khi con bà nêu lên những quan tâm về tình trạng tâm lý của chính anh, mà anh đã ghi trong bảng câu hỏi của quân đội.
Bà nói: "Không có giấy tờ khám sức khỏe hay thẩm định tâm lý nào. Không có giấy tờ nào về ông trung sĩ nhất của TJ, và cũng không có giấy tờ gì của tuyên úy quân đội. Lẽ ra người ta phải thu lại vũ khí của TJ. Điều đó đã không xảy ra."
Đài VOA đã tiếp xúc với quân đội Hoa Kỳ để tìm hiểu phản ứng của quân đội về những lời tố cáo của bà Sweet.
Một phát ngôn viên của quân đội nói: “lẽ ra khi các hạ sĩ quan biết được khi nào một quân nhân thuộc quyền của mình đang đau ốm hay trải qua một thời kỳ khó khăn, thì phải có hành động để giúp người lính ấy.”
Thiếu Tướng Colleen Mcguire cầm đầu Toán đặc nhiệm Ngăn ngừa Tự Tử trong quân đội. Chính toán này đã yêu cầu tiến hành cuộc nghiên cứu về các trường hợp quyên sinh. Tướng Mcguire thừa nhận rằng cần phải thay đổi cách thức thẩm định sức khỏe thể chất và tâm lý của các binh sĩ, trước khi mọi chuyện đã quá trễ.
Thiếu tướng Mcguire cho hay: “Chúng tôi phát hiện ra là rất nhiều vị chỉ huy không gửi binh sĩ đến những nơi họ có thể được giúp đỡ khi cần thiết, bởi vì có lẽ họ cần điều động người lính ấy."
Một lý do khác là chính người lính trong cuộc, nam hay nữ, sợ sẽ bị tập thể gạt sang một bên khi họ yêu cầu được giúp đỡ về một vấn đề cá nhân.
Phó Tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ, Đại Tướng Peter Chiarelli mô tả tỷ lệ tự tử trong quân đội là đáng sợ.
Ông cho biết: “Thật không thể nào chấp nhận được khi một số cá nhân phải chịu đựng trong thầm lặng, bởi vì họ sợ các chiến hữu hoặc thượng cấp chế giễu, hoặc tệ hơn, sợ sẽ ảnh hưởng tới binh nghiệp của họ.”
Các chuyên gia nói rằng những xung đột trong gia đình hoặc nơi làm việc có thể tăng nguy cơ tự tử đối với bất cứ người nào từng bị trầm cảm.
Bác sĩ tâm thần Robert Ursano thuộc Đại Học Quân Đội là người cầm đầu toán điều tra trong cuộc nghiên cứu về vấn nạn tự tử. Bác sĩ Ursano nhận định: “Đối với người thân trong gia đình, điều quan trọng nhất là phải theo dõi để phát hiện những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Bệnh trầm cảm có thể là chỉ dấu rõ rệt nhất của các cách hành sử đưa đến các vụ quyên sinh”.
Tuy nhiên khi các dấu hiệu báo động không được giải quyết, những gia đình, như gia đình bà Sweet, bị bỏ mặc để tiếp tục tự tra vấn mình xem họ có thể làm gì khác để có thể tránh được sự kiện đã diễn ra.
Bà nói: “Không hiểu lúc con tôi lớn lên, tôi đã không cho nó cái gì, không cung cấp cho nó một nơi nương tựa để cảm thấy an toàn, để có được tính chịu đựng bền bỉ, để có thể tự bảo mình rằng ‘nỗi tuyệt vọng lớn lao này, nỗi đớn đau mà tôi đang trải nghiệm, rồi sẽ qua đi, và tôi sẽ sống sót qua kinh nghiệm này’.”
Bà Sweet hy vọng rằng bằng cách phổ biến câu chuyện về cái chết vì tự tử của TJ, bà có thể giúp những người khác tìm được một lối thoát cho nỗi thương tiếc đang bao trùm lấy họ.