Đường dẫn truy cập

Thái độ kỳ thị chủng tộc tại Nam Triều Tiên 


Chuyến đi lịch sử tại Seoul của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, một người da màu, nhắc nhở cho người Nam Triều Tiên cái nhìn khác về một xã hội đa văn hóa.

Michael Hurt là một nhiếp ảnh viên tại Seoul. Anh nói thông thạo tiếng Hàn vì là tiếng mẹ đẻ, nhưng ngoại hình thì anh thừa hưởng của cha, một người Mỹ da đen.

Nghề nghiệp buộc anh phải len lỏi khắp Seoul nhưng anh tránh di chuyển bằng xe điện ngầm.

Anh Hurt nói: “Có một lần tôi đi xe điện ngầm, ăn mặc rất đàng hoàng, ngồi một chỗ nhét nút vào tai để nghe nhạc bằng máy iPod. Đến một lúc tôi cảm thấy có cái gì không ổn. Nhìn lên thì thấy một anh chàng có vẻ đang la hét lớn tiếng. Tôi không hiểu anh ta nói gì vì tai bận nghe nhạc. Tôi rút nút ra khỏi tai ra thì nghe anh ta lớn tiếng chê bai, nhục mạ những người da đen. Tôi cảm thấy bị xúc phạm và rời khỏi xe điện ngầm”.

Trường hợp của anh Michael không phải duy nhất.

Tòa án ở Seoul sắp xử một vụ lớn điển hình. Một sinh viên người Ấn Độ đi chung với bạn gái người Hàn trên xe buýt bị một người đàn ông Nam Triều Tiên gây sự.

Vụ này phản ánh kinh nghiệm của nhiều phụ nữ Nam Triều Tiên rất dễ bị chửi bới nếu cặp kè với một người đàn ông trông có vẻ như người nước ngoài.

Bây giờ Quốc hội nước này đang soạn bộ luật đầu tiên trừng trị chuyện kỳ thị chủng tộc.

Đại biểu Quốc hội Jun Byung-hun nói rằng lẽ ra việc này phải làm từ lâu.

Ông Jun nói: ”Năm nay, số người nước ngoài sinh sống tại Nam Triều Tiên lên đến hơn một triệu. Điều đó có nghĩa là có hơn một triệu gia đình đa văn hóa. Rõ ràng là Nam Triều Tiên đang biến thành một quốc gia đa chủng tộc”.

Thái độ của người Nam Triều Tiên đối với chủng tộc và sắc tộc khá phức tạp. Sau nhiều thế kỷ bị đô hộ và làm thuộc địa, nước này mang một nền văn hóa theo kiểu sách giáo khoa tiểu học vẫn ca ngợi một “dòng máu thuần chủng” hoặc một “xã hội đồng dạng”.

Do hiện đại hóa nhanh chóng, văn hóa Nam Triều Tiên biến thành loại văn hóa tiêu biểu của sự giàu sang. Các show truyền hình và các bộ phim coi trọng những gì thuộc về da trắng. Các giống da màu có vẻ bị xem thường.

Đại biểu Quốc hội Jun nói chuyến đi Nam Triều Tiên của Tổng thống Obama lần này giúp người Nam Triều Tiên hiểu thêm rằng những người có dòng máu lai giống cũng có thể làm được nhiều chuyện lớn.

Ông Jun nói: “Ở Nam Triều Tiên cũng có nhiều người lai, vậy mà người ta vẫn có thành kiến với người da đen. Sự kiện Tổng thống Obama được bầu đã giúp hóa giải bớt tư tưởng đó. Sự đắc cử của ông khích lệ mọi người trên thế giới chống lại thành kiến về chủng tộc.”

Ông Jun hy vọng dự luật chống kỳ thị chủng tộc sẽ được thông qua vào tháng 2, nhưng nhìn nhận phải mất thời gian mời thay đổi được não trạng những người đồng hương của ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG