Đường dẫn truy cập

Bangladesh: 1 phụ nữ mang lại hy vọng cho nạn nhân bị tạt át xít


Tạt át xít vào mặt một người đàn bà, và đôi khi cả trẻ em, là một hành vi độc ác không thể tưởng tượng nổi. Những người tạt át xít thường vì động cơ trả thù, ghen tức hoặc thù ghét; ý định của họ là làm nạn nhân biến dạng chứ không giết chết. Trong bài tường trình sau đây, Thông tín viên VOA Vidushi Sinha kể cho chúng ta câu chuyện của một phụ nữ Bangladesh cố gắng chấm dứt tệ trạng này.

Nhiều phụ nữ Bangladesh sống với những vết thẹo khủng khiếp vì bị ai đó tạt át xít, lý do có thể là một lời cầu hôn bị bác bỏ, một vụ cãi cọ tranh giành đất đai hoặc một vụ tranh chấp nào đó.

Cuộc đời kể như tan nát, nhiều người sống ẩn náu trong bóng tối, mặt mũi che kín, tinh thần rời rã. Nhưng nay họ đã tìm được sự khuyên nhủ từ Monira Rahman.

Từ 17 năm qua, bà Rahman cố gắng chấm dứt nạn phân biệt đối xử, lạm dụng và bạo động với phụ nữ tại Bangladesh qua tổ chức Sống Sót Từ Át Xít. Các nạn nhân được điều trị tại bệnh viện 20 giường tại Trung tâm điều trị chấn thương tại thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Bà Rahman nói: “Tôi rất đỗi kinh hoàng không hiểu sao một người có thể làm chuyện đó đối với người khác. Nhưng tôi cũng sửng sốt không kém nhìn thấy sự can đảm và sức mạnh của các nạn nhân sống sót và rồi tôi quyết định sát cánh với họ.”

Bà Rahman đặt dấu hỏi, người đàn ông và đôi khi người đàn bà đã suy nghĩ như thế nào khi dung túng chuyện tạt át xít.

Bà nói: “Phụ nữ ở trong vị thế phụ thuộc vào đàn ông và về mọi phương diện, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, họ đều bị phụ thuộc vào nam phái. Khi người đàn ông nghĩ họ thích người đàn bà nào, họ cho đó là của cải của họ. Thích thì giữ còn không thích thì hủy hoại.”

Tổ chức Sống Sót Từ Át Xít đã nâng cao nhận thức và đem lại thay đổi cơ chế tại Bangladesh, kể cả việc thông qua những luật giúp hạ giảm những vụ bạo hành bằng át xít.

Bà nói không có luật lệ trực tiếp chống lại việc tạt át xít, nhưng tổ chức của bà đã vận động chính phủ thông qua hai đạo luật, một là nhanh chóng xét xử kẻ vi phạm, hai là kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng át xít.

Trung tâm chấn thương của bà Rahman cũng giúp các nạn nhân của nạn bạo hành át xít có thể phục hồi về tâm lý và kinh tế. Bà nói nhiều nạn nhân đã coi trung tâm như một tổ ấm khác, ngoài ngôi nhà của họ.

Bà Rahman và tổ chức của bà đã đem lại niềm hy vọng, không chỉ riêng đối với nạn nhân tại Bangladesh, nhưng còn cho những người cũng rơi vào trường hợp như vậy tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG