Lẽ ra tôi đã phải viết bài này lâu lắm rồi. Có rất nhiều bạn đọc đã gửi thư về khen ngợi, động viên cũng như chia sẻ với tôi ý kiến của họ về những đề tài mà các bài blog của tôi từng đề cập đến. Tôi rất muốn viết thư trả lời cho từng người một vì thật lòng mà nói tôi biết những ý kiến chân thành đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc tiếp tục con đường viết lách mà tôi đã chọn trong năm nay mà hiện nay tôi vẫn đang cố gắng thực hiện từng ngày một.
Nhưng sức người có hạn. Sau cả ngày đi làm việc, mỗi tối về lại phải cố viết xong một bài về một vấn đề mà mình cảm thấy muốn trao đổi, cuối tuần thường tôi lại phải bay đi sang một tiểu bang khác để làm MC cho các chương trình văn nghệ, gây quỹ cứu trợ cho Việt Nam hoặc làm chuyện tỵ nạn nên dù có cố gắng cách mấy tôi vẫn chưa bao giờ tìm đủ thời gian để trả lời cho từng người một.
Vì thế nhân tiện đây tôi cũng muốn một lần nữa chắp tay cảm ơn tất cả các bạn đọc xa gần, những ai đã nhiều lần viết thư động viên cũng như thông cảm với những suy nghĩ của cá nhân tôi. Chính những lời chia sẻ riêng tư, thông cảm của các bạn đã giúp cho tôi rất nhiều, là động lực rất lớn thúc đẩy tôi cần phải cố gắng lạc quan hơn nữa mỗi khi tôi cảm thấy mệt mỏi không muốn tiếp tục công việc.
Viết lách không phải là nghề của tôi. Nó lại càng không phải là một ‘passion’ mà tôi lúc nào cũng phải chết mê chết mệt vì nó. Một ngày nào đó tôi cảm thấy cạn đề tài là tôi sẽ tự động ngừng viết. Vì các bạn có biết không, việc viết lách nó không đến dễ với tôi như những nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp khác. Có người chỉ cần vừa ngồi xuống là văn, thơ cứ tự động trào ra lai láng. Nhưng riêng tôi nhiều khi ngồi thừ ra đấy trên nửa tiếng cũng chẳng biết mình phải kết luận bài viết như thế nào mới phải lẽ.
Tôi viết bài này cũng là một câu trả lời chung cho tất cả những độc giả bấy lâu nay đã có nhiều ý kiến phàn nàn, chê bai các bài viết, tư tưởng cũng như tư cách của tôi. Kể cả những email ngắn, dài gửi riêng cho tôi qua hộp thư hoitrinh@hotmail.com. Thật lòng mà nói thoạt đầu khi đọc những lời chê bai như thế thì lòng tôi cũng có trĩu xuống đôi chút. Nhất là đối với những ý kiến chẳng liên quan gì đến bài viết của tôi mà lại nhắc đến những tin đồn về cá nhân tôi cứ y như đấy là một câu chuyện có thật 100%, không ai có thể chối cãi được. Và từ đó câu chuyện được suy diễn theo chiều hướng ấy bất kể đúng hay sai.
Nhưng nhân vô thập toàn. Tin đồn có đúng hay sai thì tôi cũng tự nhận thức được những gì mà tôi vẫn chưa hoàn thiện, vốn liếng tiếng Việt của tôi vẫn còn nhiều giới hạn và tư tưởng, kiến thức của tôi vẫn còn khá non nớt so với nhiều người khác. Đừng nói chi xa ngay cả những người trong nhà, một số bạn bè thân thiết của tôi cũng cho là đối với một số vấn đề tôi vẫn còn rất ngây thơ khi phải va chạm với hiện thực, với lòng thay dạ đổi nơi con người.
Có ít nhất một lần chính tôi đây cũng tin câu chuyện là thế vì mình được cho biết là thế. Mặc dù ai cũng bảo nó không phải thế. Mãi cho đến khi được chính đương sự cho mình biết là mình đã bị lừa thì lúc ấy mới vỡ lẽ. À! Thì ra là thế. Mình mới bị gạt. Sao họ lại nỡ làm thế nhỉ?
Tôi thường tự hỏi mình câu hỏi này mỗi khi tôi nhận được thư của một số độc giả cho tôi là ‘cõng rắn cắn gà nhà’ hoặc ‘không có quyền miệt thị’, ‘sai hoàn toàn’ mỗi khi tôi có một số nhận định về chính quyền Việt Nam và những gì tôi cho là quá đáng, quá áp đặt hoặc đơn giản là quá nhà quê như bài viết về facebook của tôi vừa qua.
Thật lòng mà nói tôi không thích trả lời lại đối với những lời phát biểu trịch thượng, đầy chủ quan như thế. Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống không chỉ có ‘đúng’ và ‘sai’. Và nếu như bạn không đồng ý, muốn đưa ra một ý kiến khác thì không hẳn bạn phải dùng những từ ‘đao to, búa lớn’ như ‘miệt thị’, ‘cõng rắn cắn gà nhà’ để làm đầu đề cho việc phản bác của bạn. Vì nó chẳng giúp được gì nếu như bạn muốn trao đổi.
Tôi thích phản biện và rất cần nghe những lời phản biện. Nhưng tôi rất ghét suy bụng ta ra bụng người, dùng những lời lẽ mang tính cách áp đặt, chủ quan để truyền đạt ý tưởng.
Có một số bạn, có lẽ là đang ở Việt Nam, không phân biệt được giữa đất nước Việt Nam và chính quyền Việt Nam. Yêu thương đất nước và con người Việt Nam hoàn toàn không có nghĩa là sẽ chấp nhận im lặng để cho chính quyền muốn làm gì thì làm. Kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Đất nước là của chung. Tương lai là của chung. Các nhà lãnh đạo chắc chắn không phải là cha mẹ của chúng ta. Mà ngược lại, trong một xã hội thật sự dân chủ, họ là người được chúng ta đặt ngồi đấy. Làm không xong việc thì xin tự động bước xuống. Đừng đợi đến lúc bị dân đuổi đi.
Lại có một số người không phân biệt được giữa chuyện hôm nay, chuyện ngày mai và chuyện quá khứ của ngày xưa. Việc tôi có những ý kiến không tán thành việc làm hôm nay của chính quyền Việt Nam, từ việc bắt giam những người bất đồng chính kiến cho đến việc bưng bít thông tin, hoàn toàn chẳng liên quan gì đến quá khứ, nói chi đến hận thù. Có thể cho rằng đa số những người đồng ý với quan điểm của tôi về tình trạng hiện nay liên quan đến dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam chẳng ai nghĩ đến chuyện của quá khứ và những gì đã mãi mãi đi qua. Khơi móc lại để làm gì?
Tôi và những người ấy không đồng ý, cùng nhau lên tiếng đơn giản là vì chúng tôi nghĩ đến tương lai của đất nước. Nghĩ đến cách làm thế nào để đất nước và con người Việt Nam được giàu mạnh hơn, công bằng hơn, văn minh hơn và dân chủ hơn trong một thời gian sớm nhất. Có thể có nhiều người ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại sẽ không đồng ý với tôi về cách thức cũng như thời gian, sự việc.
Nhưng chắc chắn chẳng ai có thể trả lời nhất định rằng ai yêu tổ quốc hơn ai.
Đọc nhiều nhất
1