Đường dẫn truy cập

Norman Borlaug: Nhà tiên phong trong cuộc Cách Mạng Xanh


Tạp chí Khoa học và Đời Sống tuần này xin được dành để nói về một nhà khoa học đã cống hiến cả cuộc đời mình để giúp nâng cao mức sản xuất lương thực tại nhiều nước trên khắp thế giới. Đó là ông Norman Borlaug, nhà nông học duy nhất trong lịch sử được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình và là người từng được tạp chí Time ghi tên trên danh sách 100 nhà trí tuệ lớn nhất của thế kỷ 20. Nhà khoa học Norman Borlaug còn được coi là người đi tiên phong trong cuộc Cách Mạng Xanh. Những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã giúp cải thiện cuộc sống cũng như cứu đói hàng trăm triệu người. Hoài Hương tổng hợp một số chi tiết về sự nghiệp của nhà khoa học này dựa trên bài viết của biên tập viên Brianna Lake của đài VOA và một số thông tin trên mạng, kể cả một bài tường trình của tờ The New York Times.

Nhà khoa học Norman Borlaug đã đi khắp thế giới để hướng dẫn nông dân phát triển những phương pháp tốt hơn để sản xuất lương thực. Có lẽ vì thế mà tên tuổi của ông được biết đến nhiều hơn ở nước ngoài, so với ở Hoa Kỳ.

Ông Borlaug đã làm việc tại các nông trường để chỉ dẫn cho nông dân những phương cách tốt hơn để trồng cây lương thực, như lúa mì và gạo. Ông cũng bỏ ra nhiều thì giờ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tạo ra những giống lúa mì mới có khả năng chống sâu bệnh.

Ông được biết đến như “Cha Đẻ của cuộc Cách Mạng Xanh.” Có người cho rằng ông đã cứu được nhiều mạng sống hơn bất kỳ nhân vật nào khác trong lịch sử. Ấy vậy mà theo một nhật báo Mỹ, ông tự mô tả đơn giản chỉ là “một cậu bé lớn lên nhờ ngô bắp, xuất thân từ vùng quê Iowa”

Norman Ernest Borlaug ra đời tại bang Iowa ngày 25 tháng Ba năm 1914, lớn lên tại nông trại của một gia đình Mỹ gốc Na-Uy, và bắt đầu cắp sách đi học tại một ngôi trường làng chỉ có một lớp duy nhất.

Gia đình cho biết là thuở thiếu thời, cậu bé Norman đã thích tìm hiểu về các loại cây, và thường thắc mắc vì sao một số cây trồng lại phát triển tốt hơn nếu được trồng tại một địa điểm khác trong nông trại.

Vào thời kỳ mà nhiều thanh niên thôn quê được khuyến khích đi tìm việc, Norman được ông nội khuyến khích nên theo đuổi học vấn. Trong cuộc Đại Suy Thoái kinh tế, Norman làm việc ngoài đồng để kiếm 50 cent một ngày, hầu có thể đóng học phí.

Sau khi tốt nghiệp ngành lâm học tại Đại Học Minnesota, Norman Borlaug tiếp tục học lên và nghiên cứu bệnh nơi các loài cây. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, ông đã được chứng kiến nhiều người lâm vào cảnh đói kém ở trung bộ Hoa Kỳ. Kinh nghiệm này ảnh hưởng sâu xa đến quyết định của ông theo đuổi ngành khoa học nông nghiệp, để tìm ra những phương thức tốt hơn trong việc tăng sản lượng cây lương thực.

Sau khi hoàn tất việc học, ông trở thành một nhà nghiên cứu làm việc tại một phòng thí nghiệm của công ty hóa chất Dupont.

Trong thời gian này, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ nạn đói trên quy mô lớn xảy ra tại các nước thuộc thế giới đang phát triển, bởi vì dân số tăng nhanh hơn so với mức sản xuất lương thực.

Năm 1944, ông Borlaug nghỉ việc ở công ty Dupont và khởi sự một dự án nhằm tăng sản lượng lúa mì ở Mexico.

Ông cầm đầu một tổ chức mới mang tên Chương Trình Hợp Tác Nghiên cứu và Sản Xuất Lúa Mì Mexico. Chương trình này được Hội Rockefeller hỗ trợ về mặt tài chính.

Ông Borlaug mô tả các điều kiện nông nghiệp ở Mexico là rất tồi tệ. Đất đai không đủ mầu mỡ để trồng cây nông nghiệp, trong khi sâu bệnh phá hủy các loại cây trồng. Trong suốt 20 năm sau đó, ông ra sức làm việc với các nhà khoa học Mexico để phát triển những cây nông nghiệp có khả năng kháng bệnh, bằng cách pha giống các loại cây khác nhau để phát triển những giống lúa mì khỏe và có sức đề kháng cao hơn.

Cùng lúc, nhà khoa học nghiên cứu gene lúa mì để tạo ra một giống cây có kích thước nhỏ bé hơn nhưng cho hạt lớn hơn. Sử dụng cùng một diện tích đất đai, giống lúa mì mới có năng xuất cao gấp 3 hoặc 4 lần so với các giống cây trồng trước đó.

Phương pháp thu nhỏ kích thước các loại cây trồng sau này trở thành một phần chủ yếu của cuộc Cách Mạng Xanh.

Trong những năm đầu của thập niên 1940, Mexico thường phải nhập khẩu 60% lượng lúa mì tiêu thụ trong nước. Đến cuối năm 1956, nước này đã sản xuất đủ lúa mì để đáp ứng nhu cầu nội địa. Đến năm 1963, Mexico trở thành một nước xuất khẩu lúa mì.

Hợp tác với các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, ông Borlaug truyền lại những phương pháp trồng trọt mới đến các khu vực khác trên thế giới nơi đang bị nạn đói đe dọa.

Chặng dừng chân đầu tiên của ông là Châu Á. Ông và các cộng sự đã đạt được thành công lớn tại Pakistan và Ấn Độ. Nông dân tại khu vực này giờ đây sản xuất một lượng lúa mì cao gấp 4 lần so với trước. Nhờ đó, đến năm 1968, Pakistan đã có khả năng cung ứng nhu cầu lương thực của nhân dân trong nước. 6 năm sau đó, Ấn Độ cũng tự túc về mặt lương thực.

Nhà khoa học nông nghiệp Mỹ còn mang các phương pháp của ông đến giúp nhân dân các nước Trung Đông và Nam Mỹ, như Brazil, Chile, Colombia và Ecuador.

Năm 1970, năm 56 tuổi, ông Norman Borlaug được chọn để nhận Giải Nobel Hòa Bình, nhờ các nỗ lực của ông phụng sự hòa bình thế giới bằng cách tăng nguồn lương thực. Lúc tin này được loan báo, ông Borlaugh đang làm việc tại một nông trại ở Mexico.

Thoạt đầu, ông tưởng rằng ai đó đã đùa cợt với ông. Người ta kể lại rằng sau đó, ông đã vượt đoạn đường 80 km để lên Mexico City gặp các nhà báo; khi đến nơi, tay ông còn lấm bùn.

Cuối năm ấy, nhà khoa học Norman Borlaug trở về Na-Uy, vùng đất của tổ tiên ông, để nhận Giải Nobel Hòa Bình.

Và thế là ngày 10 tháng 12 năm 1970, nhà nông học Norman Borlaug, con của một gia đình di dân đã rời Na-Uy để tránh tình trạng khan hiếm lương thực, trở về quê cha để nhận vinh dự cao quý nhất về những cố gắng của ông nhằm tăng sản lượng lương thực trên thế giới.

Đứng trên bục của một hội trường ở Đại học Oslo, nhà khoa học được vinh danh như một “người bất khuất không ngừng đấu tranh với các thủ tục hành chính cồng kềnh và các bệnh nơi các loài cây công nghiệp để theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng lương thực, giúp nuôi sống những thành phần nghèo đói trên thế giới.”

Ngoài giải Nobel Hòa Bình, nhà nông học Borlaug còn được trao các huy chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Năm 1977, ông được trao Huy Chương Tự Do của Tổng Thống Mỹ, và 30 năm sau, năm 2007, ông được tặng Huy Chương Vàng của Quốc Hội Hoa Kỳ.

Trên thế giới, chỉ có 5 người được vinh dự nhận cả 3 huy chương cao quý ấy. Nhà nông học khiêm nhường Borlaug là một trong 5 nhân vật ấy, và chia sẻ danh dự này với Tiến sĩ Martin Luther King Junior, cựu tù nhân và cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela, Mẹ Teresa, và Giáo sư kiêm nhà văn Elie Wiesel, một người sống sót qua cuộc đại tàn sát dân Do Thái dưới tay của Đức Quốc Xã.

Không lâu sau khi ông Norman Borlaug qua đời hồi tháng 9 năm 2009, nhà tỷ phú Bill Gates đã ngỏ lời tại hội nghị Giải Lương Thực Thế Giới ở bang Iowa.

Ông Bill Gates nói: "Vào giữa thế kỷ 20, các chuyên gia tiên đoán nạn đói kém và thảm cảnh chết đói sẽ xảy ra. Những gì họ tiên liệu đã không diễn ra, bởi vì họ không tiên đoán được Norman Borlaug. Ông không những đã chỉ dẫn cho thế giới cách tạo ra thêm lương thực từ đất đai, mà còn chứng tỏ rằng làm nông có quyền hạn nâng cao cuộc sống của thành phần nghèo khó.”

Sự nghiệp của nhà nông học Norman Borlaug vẫn được duy trì qua Chương Trình Học Bổng Borlaug do Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ cai quản. Chương trình này đưa các nhà khoa học nông nghiệp nước ngoài đến Hoa Kỳ mỗi năm, để làm việc với các nhà khoa học Mỹ.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng chỉ trích các phương pháp thâm canh của ông, kể cả việc sử dụng các chất hóa học như phân bón và thuốc diệt sâu.

Ông Borlaug nói giới chỉ trích ông ở phương Tây chưa từng biết đói là gì, chưa hề thấy con mình bị bỏ đói như thế nào.

Động cơ thúc đẩy ông làm việc không ngừng là ước mơ một ngày nào đó nhân loại không còn thiếu lương thực. Nhà khoa học tin tưởng mạnh mẽ rằng muốn đạt được mục tiêu, thì phải dùng phân bón và thuốc trừ sâu. Năm 1971, ông chỉ trích những người chống đối việc sử dụng thuốc trừ sâu DDT, một hóa chất sau đó đã bị cấm ở Hoa Kỳ.

Ông Borlaug nói: "Tôi vô cùng tự hào là một người Mỹ, nhưng tôi lấy làm hoảng sợ về tình trạng khích động vây quanh vụ việc này. Nếu bây giờ chúng ta loại thuốc DDT, thì bước kế tiếp sẽ là loại bỏ tất cả các loại thuốc diệt sâu, rồi sau đó tất cả các loại trừ cỏ, diệt nấm, rồi đến lượt phân bón, nếu tình trạng khích động này cứ tiếp diễn. Nếu xảy ra, thì thưa ông, Hoa Kỳ rồi sẽ phải nhập khẩu lương thực, điều duy nhất là không có nơi nào sản xuất ra đủ lương thực để mà nhập khẩu! "

Tuy vậy, vào lúc cuối đời, ông Borlaug kêu gọi giới nông dân đừng lạm dụng các hóa chất.

Cho đến khi ông qua đời hồi tháng 9 năm 2009, ông vẫn tiếp tục làm việc trong các dự án nông nghiệp. Ông giảng dạy tại trường Đại Học Texas A&M, nơi nhà trường đã lập ra một phân khoa lấy tên ông.

Sáu tháng trước khi qua đời, trong câu chuyện với thông tín viên đài VOA nhân ngày sinh nhật thứ 95 của ông, nhà khoa học Norman Borlaug đã bày tỏ sự lo âu của ông về tình trạng lương thực trên thế giới. Ông nói công tác cải thiện và tăng năng xuất cây nông nghiệp cần tiếp tục.

Nhà nông học Norman Borlaug qua đời vào tháng 9 năm 2009, vì những biến chứng của bệnh ung thư hạch bạch huyết. Gia đình ông đã ra thông báo, bày tỏ mong muốn sự nghiệp của ông được coi như một thí dụ của một cá nhân tận tụy làm việc để tạo sự thay đổi cho cuộc sống và phục vụ tha nhân, hướng tới mục đích chấm dứt những khổ đau cho nhân loại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG