Đường dẫn truy cập

Đọc


Tấm hình được đăng kèm theo đây là do tôi tình cờ thấy và chụp được trên một con đường khá lớn nằm ngay trung tâm Brussels, thủ đô của vương quốc Bỉ. Tôi thấy nó lạ mắt nhưng đặc biệt là vì rất đúng, ít nhất ra là đối với riêng tôi, nên muốn chụp lại để giữ làm kỷ niệm. Cũng như thỉnh thoảng đem nó ra để suy ngẫm xem nó… vẫn còn đúng hay không. Vì có nhiều vấn đề ngày trước thì mình thấy nó quá là đúng. Ai bảo không đúng không chừng sẽ có vấn đề đối với mình.

Nhưng bỗng nhiên vài năm sau đã thấy mình sai hoàn toàn. Và chẳng hiểu sao mình lại có thể có những tư tưởng quái gở đến vậy.

TO READ. You become a different person as your switch from one language to another.

Đọc. Bạn sẽ trở thành một người khác khi bạn đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Các bạn thấy câu này có đúng hay không? Riêng tôi có lẽ vì trong thời gian sau này tôi thường phải viết blog bằng tiếng Việt trong khi đó có rất nhiều vấn đề tôi lại thường dùng tiếng Anh để trao đổi, tranh luận, chia sẻ cùng với bạn bè mỗi ngày nên hầu như lúc nào tôi cũng thấy câu nói này rất đúng, rất chính xác đối với những thằng bị lai căng như tôi.

Thậm chí có những bài viết tôi muốn dùng tiếng Anh để làm đầu đề như bài blog này chẳng hạn. Tôi muốn tựa bài viết là ‘To Read’ chứ không phải là ‘Đọc’. Nhưng tôi lo thế nào bên ban biên tập của đài VOA cũng sẽ đổi và dịch nó ra tiếng Việt. Vì đây là chương trình Việt ngữ. Thế là tôi đành phải đổi trước cho nó chắc ăn.

Tôi cho câu nói trên là đúng và chính xác vì tôi tự nhận thấy ngay cả khi tôi đang nói về cùng một vấn đề, dùng cùng một cách tranh luận như nhau, nhưng mỗi khi tôi dùng tiếng Anh thì tôi lại thấy cách tôi diễn đạt và ngay cả cảm nhận cũng khác hơn nếu như tôi phải dùng tiếng Việt để trình bày câu chuyện.

Khi phải dịch ra một chữ nào đó, từ tiếng Việt sang tiếng Anh, hoặc ngược lại, không chỉ đơn thuần ý nghĩa của chữ đó có thể đã bị thay đổi một chút ít mà hơn thế nữa, sự cảm nhận của người nói lẫn người nghe về câu chuyện mà họ đang trao đổi cũng có thể bị ảnh hưởng khá nhiều.

Khi tôi đứng trên sân khấu dùng tiếng Việt để trao đổi với khán thính giả người Việt cảm giác của tôi nó khác hơn rất nhiều khi tôi cũng cùng đứng trên sân khấu đó, dưới ánh đèn đó và trong cùng một không gian dùng tiếng Anh để giới thiệu một ca sĩ trẻ bước ra sân khấu. Với tiếng Anh chẳng hiểu sao tôi thấy nó thoải mái hơn, dễ dàng hơn và ‘gần’ hơn với khán giả. Mặc dù ngược lại chưa chắc là họ có cùng một cảm giác!

Còn nếu như tôi dùng tiếng Việt để bày tỏ thì tôi lại có cảm giác ‘đàng hoàng’ hơn (ý tôi muốn nói ở đây là ‘formal’), giữ kẻ hơn và ‘hiền’ hơn. Thật đấy. Chẳng hiểu sao mỗi khi tôi dùng tiếng Việt thì tôi lại cảm thấy mình nhỏ hơn một chút và không sẵn sàng cãi tay đôi với người đối diện.

Tôi vẫn còn nhớ lúc còn ở nhà đi học tôi thường hay cãi với ba mẹ tôi về nhiều vấn đề: việc học, việc chơi, việc đi party về khuya, việc xem ti vi bất kể giờ giấc. Y như rằng sau một hồi trả lời lại với ba mẹ tôi bằng tiếng Việt thì tôi sẽ chuyển sang tiếng Anh. Cũng có thể là vì vốn liếng tiếng Việt của tôi không bằng tiếng Anh. Nhưng quan trọng hơn, tôi nghĩ, điều đó xảy ra đơn giản vì khi tôi chuyển sang tiếng Anh tôi cảm thấy mình ‘lớn’ hơn được một chút, tự tin hơn, cảm thấy bình đẳng hơn và vì thế nó tạo cho mình có thế hơn để… dễ cãi.

Dĩ nhiên đây không phải là một điều hay ho gì đáng để nhắc lại nhất là xét qua khía cạnh văn hóa của người Việt chúng ta. Nhưng sự thật nó là thế đấy. Nếu không tin các bạn thử hỏi xem những người đã trưởng thành ở hải ngoại như tôi có cùng một cảm giác như vậy không.

Cũng có thể câu trả lời sẽ là không vì chín người mười ý. Đâu phải ai cũng như ai. Nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn rất ư là tâm đắc với câu nói được đăng kèm theo bài này:

TO READ. You become a different person as you switch from one language to another.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG