Úc là một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hoá và đa ngôn ngữ.
Thật ra, hiện nay, nước nào cũng “đa” như thế cả. Chỉ có vấn đề là người ta có thừa nhận điều đó hay không mà thôi. Nước Úc, một thời gian rất dài, ngay từ thời “lập quốc”, vào năm 1901, cũng đã không muốn và, trên thực tế, không hề thừa nhận điều đó. Một trong những đạo luật đầu tiên được Quốc hội Liên bang Úc thông qua là đạo luật hạn chế di dân không phải người da trắng. Dân Anh vào Úc: tự do. Dân Âu châu vào Úc: hoan nghênh. Nhưng với dân Phi châu và Á châu: Cấm.
Từ sau thế chiến thứ hai, đối diện với những áp lực từ Á châu và cũng từ nhu cầu phát triển dân số để sống còn trong một lục địa mênh mông và giàu tài nguyên, chính phủ Úc dần dần nới lỏng chính sách một nước Úc da trắng.
Từ năm 1950, với chương trình học bổng Colombo, sinh viên Á châu được nhận vào học tại các đại học Úc. Từ năm 1957, di dân không phải người Âu châu, sau 15 năm sinh sống tại Úc, được phép xin vào quốc tịch. Từ năm 1959, công dân Úc được quyền bảo lãnh cho hôn thê và hôn phu gốc Á châu vào quốc tịch.
Năm 1973, chính phủ Whitlam công bố chính sách di dân mới không căn cứ vào nguồn gốc chủng tộc nữa, đồng thời, cho phép mọi di dân, bất kể đến từ đâu, sau ba năm sinh sống tại Úc, cũng đều được quyền xin vào quốc tịch để chính thức trở thành công dân Úc.
Năm 1975, đạo luật di dân phân biệt chủng tộc ra đời từ năm 1901 bị bãi bỏ. Chính sách một nước Úc da trắng vốn một thời bị nhiều tai tiếng, thực sự cáo chung.
Thật may, đúng ngay vào thời điểm ấy, làn sóng người Việt tị nạn tràn tới Úc.
Đó không những là thời điểm nước Úc nới rộng chính sách di dân mà cũng là thời điểm nước Úc đề cao chính sách đa văn hoá (multiculturalism) dựa trên nền tảng thừa nhận tính chất đa dạng trong xã hội Úc và chủ trương tôn trọng tất cả những dị biệt về sắc tộc cũng như về văn hoá.
Nói đến văn hóa cũng là nói đến ngôn ngữ.
Thừa nhận tính chất đa văn hóa cũng có nghĩa là thừa nhận tính chất đa ngôn ngữ. Chính vì thế, từ giữa thập niên 1970, chính phủ Úc bắt đầu thấy có nhu cầu hoàn thiện một chính sách ngôn ngữ chung cho cả quốc gia. Nhiều cuộc hội thảo được tiến hành., trong đó cuộc hội nghị do Thượng Viện Liên bang Úc tổ chức vào ngày 25 tháng 5, 1982 được xem là một dấu mốc quan trọng nhất. Cuộc hội nghị thống nhất bốn nguyên tắc có tính định hướng cho các chính sách ngôn ngữ trong tương lai:
1.Hoàn thiện khả năng tiếng Anh;
2.Duy trì và phát triển các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh;
3.Cung cấp các dịch vụ liên quan đến các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh;
4.Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người học ngôn ngữ thứ hai.
Nhưng một chính sách quốc gia hoàn chỉnh về ngôn ngữ (National Policy on Languages) chỉ thực sự được ra đời vào năm 1987 do Lo Bianco chấp bút.
Bản chính sách ghi nhận tầm quan trọng của ngôn ngữ: Ngôn ngữ là nguồn suối của bản sắc cá nhân. Ngôn ngữ đồng thời cũng là nguồn suối của bản sắc văn hoá của cả một cộng đồng, hơn nữa, của quốc gia. Ngôn ngữ là nền tảng của các cuộc tiến hoá về văn hoá, là cái mã của những kinh nghiệm đặc thù của từng tộc người, là phương tiện truyền giao kiến thức giữa các thế hệ, là công cụ để thống trị nhưng đồng thời cũng là vũ khí để giải phóng và để thăng hoa con người.
Nội dung chính của bản chính sách có thể được tóm tắt vào mấy điểm.
Thứ nhất, xác định tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Úc. Trước, mặc dù tiếng Anh giữ vai trò độc tôn trong xã hội nhưng lại không có văn kiện pháp quy nào xác nhận điều đó cả.
Thứ hai, bản chính sách cũng thừa nhận Úc là một xã hội đa ngôn ngữ, do đó, song ngữ (bilingualism) là một hiện tượng phổ biến và cần được khuyến khích, hơn nữa, cần được chính phủ hỗ trợ một cách cụ thể và tích cực, ngay trong chương trình giáo dục các cấp. Hệ quả của nguyên tắc này là chính phủ phải giúp đỡ và tạo điều kiện cho việc học ngôn ngữ thứ hai, và duy trì các ngôn ngữ cộng đồng cũng như các ngôn ngữ của người thổ dân vốn sinh sống tại Úc cả hàng chục ngàn năm trước khi lịch sử định cư của người da trắng bắt đầu.
Năm 1992, trong bản “Australian Languages and Literacy Policy”, chính phủ Úc không còn nhấn mạnh vào các ngôn ngữ cộng đồng nữa mà chủ yếu đặt trọng tâm vào các ngoại ngữ có tính chất thương mại. Hai năm sau, trong “National Asian Languages and Studies in Australian Schools”, chính phủ nêu rõ có bốn ngôn ngữ Á châu được xem là có tính chất thương mại cao, gồm: Tiếng Hoa (Quan Thoại), tiếng Nhật, tiếng Nam Dương và tiếng Đại Hàn.
Năm 2005, trong “National Statement for Languages Education in Australian Schools”, lại có sự điều chỉnh mới: Không có ngôn ngữ nào được ưu tiên hơn ngôn ngữ nào cả. Mọi ngôn ngữ đều có giá trị tương đương nhau. Đằng sau lời tuyên bố này có lẽ có chủ trương nhắc nhở dân chúng, ngoài việc học các ngôn ngữ Á châu, nên chú ý đến các ngôn ngữ khác, đặc biệt là các ngôn ngữ Âu châu nữa.
Từ cuối năm 2007, chính phủ Lao Động của Kevin Rudd lại nhấn mạnh đến nhu cầu dạy và học các ngôn ngữ Á châu, trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn thuộc bốn ngôn ngữ chính là tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Nam Dương và tiếng Đại Hàn, những đối tác thương mại lớn nhất của Úc tại châu Á.
Năm 2009, chính phủ đưa ra bản hướng dẫn về chương trình Á châu ngữ và Á châu học trong hệ thống giáo dục Úc (National Asian Languages and Studies in Schools Program) từ 2009 đến 2011. Theo nội dung bản hướng dẫn, chính phủ Úc sẽ tài trợ 62.4 triệu Úc kim cho việc giảng dạy bốn ngôn ngữ ưu tiên ở châu Á với mục tiêu chính là đến năm 2020, ít nhất 12 phần trăm học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ có khả năng sử dụng tương đối thông thạo một trong các ngôn ngữ Á châu được xem là ưu tiên kể trên.
Như vậy, nhìn lịch sử phát triển của các chính sách ngôn ngữ tại Úc, tiếng Việt chưa bao giờ được nằm trong danh sách các ngôn ngữ ưu tiên nhất của Úc. Ở từng tiểu bang thì có. Nhưng trên toàn nước Úc thì không.
Điều đó, thật ra, tương đối dễ hiểu: Kinh tế Việt Nam còn quá nhỏ và yếu để tiếng Việt có thể được xem là một thứ ngôn ngữ thương mại (trade language) cần thiết trong lãnh vực nhân dụng tại Úc. Tiếng Việt chỉ là một thứ ngôn ngữ cộng đồng (community language): Nó chủ yếu được duy trì và sử dụng trong nội bộ cộng đồng.
Tuy nhiên, khi chính phủ Úc khuyến khích việc bảo tồn và phát triển các ngôn ngữ cộng đồng, tiếng Việt được lợi thế: Đó là một trong vài ngôn ngữ cộng đồng mạnh nhất tại Úc.
Trong vai trò một ngôn ngữ cộng đồng mới (chủ yếu từ sau 1975) và lớn (với gần 200 ngàn người sử dụng), việc dạy và học tiếng Việt tại Úc cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ.
Hỗ trợ trên hai phương diện chính.
Thứ nhất, về pháp lý, tiếng Việt được công nhận như một ngôn ngữ ngoài tiếng Anh (LOTE, Language Other Than English) như mọi ngôn ngữ ngoài tiếng Anh khác trong hệ thống giáo dục các cấp. Nói cách khác, từ tiểu học đến trung học và đại học, học sinh và sinh viên có thể học tiếng Việt; và giá trị của môn tiếng Việt được xem tương đương với mọi ngôn ngữ hay mọi môn học khác. Ví dụ, trong các cấp, học sinh có thể chọn học tiếng Việt như một ngoại ngữ; trong các kỳ thi tốt nghiệp, học sinh có thể chọn thi môn tiếng Việt; ở bậc đại học, sinh viên có thể chọn tiếng Việt và Việt học làm một môn chính (major/specialisation) trong suốt chương trình Cử nhân kéo dài ba hay bốn năm của mình.
Thứ hai, về phương diện tổ chức, khi tiếng Việt đã được công nhận ngang hàng với mọi ngôn ngữ khác, việc giảng dạy tiếng Việt cũng được thừa nhận trong mọi cấp học. Ở các quốc gia khác, trẻ em cũng có thể học tiếng Việt. Nhưng hầu hết đều học vào cuối tuần và ở các trung tâm Việt ngữ do hội đoàn, chùa chiền hoặc nhà thờ tổ chức. Đó là những sinh hoạt hoàn toàn có tính cộng đồng, thuộc trách nhiệm của cộng đồng và chỉ có ý nghĩa với / và trong cộng đồng.
Ở Úc thì khác. Môn tiếng Việt được đưa hẳn vào chính mạch, được giảng dạy ngay trong các lớp chính quy. Như các ngôn ngữ khác. Ngay cả khi nó được giảng dạy trong các trường sắc tộc vào cuối tuần thì, thứ nhất, nó cũng nhận được sự tài trợ của chính phủ; và thứ hai, kết quả học tập cũng được chuyển vào hồ sơ học tập của học sinh ở trường chính.
Kết quả, về phương diện quy mô, do hai đặc điểm vừa nêu, số lượng người học tiếng Việt tại Úc rất cao. Nếu tính theo tỉ lệ dân số của cộng đồng Việt Nam, tôi ngờ là cao hơn hẳn bất cứ quốc gia nào khác ngoài Việt Nam. Ví dụ, theo thống kê vào năm 1999, số người Úc gốc Việt thuộc lứa tuổi từ 10 đến 19 là khoảng 40,000. Trong khi đó số học sinh ghi danh học các lớp tiếng Việt dưới các hình thức khác nhau là khoảng trên 10,000 em; trong đó, có khoảng 1,000 em chọn tiếng Việt làm một trong các môn học chính ở lớp 12.
Những năm sau này, môn tiếng Việt trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nhìn chung, nó vẫn còn khá mạnh.
Tuy nhiên, đó là một đề tài khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau.
Tài liệu tham khảo chính:
Joseph Lo Bianco (1987), National Policy on Languages, Canberra: Australian Government Publishing Service (Có thể đọc trên http://www.multiculturalaustralia.edu.au/doc/lobianco_2.pdf
Joseph Lo Bianco (2005), Asian Languages in Australian Schools: Policy Options, Melbourne: The University of Melbourne.
Senate Standing Committee on Education and the Arts (1984), Report on a National Language Policy, Canberra: Australian Government Publishing Service.
Đọc nhiều nhất
1