Đường dẫn truy cập

Ký Hiệu Đánh Mất


Ah. Cuối cùng thì tôi cũng đọc xong quyển tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Dan Brown có tựa đề là ‘The Lost Symbol” (Ký hiệu đánh mất). Cũng như 2 quyển trước là “Angels & Demons” (Thiên Thần & Ác Quỷ) và “The DaVinci Code” (Mật Mã DaVinci), độc giả lần này cũng bị Dan Brown bắt phải từng bước một theo dõi Giáo Sư Langdon bằng cách nào giải mã kịp để cứu những người bạn thân thiết của ông từ bàn tay của tử thần và những bí mật huyền bí của thời cổ xưa tưởng chừng như không thể nào thấu hiểu nổi.

Đây không phải là một quyển sách có nhiều đoạn áng văn hay. Hoặc nó chứa đựng nhiều ý tưởng mới lạ. Thậm chí tôi có thể cho là quyển tiểu thuyết mới nhất này của Dan Brown không ‘hay’ bằng hai cuốn trước. Có lẽ vì ông cũng dùng những tình tiết tương tự và cách sắp xếp sự việc, những pha gây cấn cũng không khác gì nhiều với hai quyển trước.

Có lẽ là vậy. Ở đời những gì chúng ta mong đợi càng nhiều thì kết quả cuối cùng lại không được hay cho lắm.

Và ngược lại.

Nếu như bạn bước vào một rạp chiếu phim mà chẳng biết cuốn phim mình sắp xem hay hay dở và nếu may bạn xem được một cuốn phim hay thì chắc chắn một điều là cuốn phim ấy trong tâm trí của bạn nó sẽ mãi mãi hay hơn là nếu như bạn đã có một sự mong đợi nào đó từ ở nó trước khi bước vào rạp. Bạn hiểu ý tôi đang muốn nói gì chứ?

Xét ra quyển tiểu thuyết “The Lost Symbol” cũng bị rơi vào một hoàn cảnh tương tự. Thế mà trong ngày đầu tiên sách được cho ra mắt với độc giả đã có trên 1 triệu quyển sách bìa cứng (hardcover với giá khá đắt là 31 đô chưa kể tiền tax!) và e-versions (được đăng cập lên các máy đọc cầm tay) được bán ra, mang lại không biết bao nhiêu là lợi nhuận cho nhà xuất bản lẫn cho tác giả.

Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay đối với một quyển sách được bán ra trong ngày đầu tiên và đợt in lần thứ nhất với tổng số 6.5 triệu ấn bản, và cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử in ấn của nhà xuất bản Random House.

Thật ra sau khi đọc xong quyển sách này thì tôi cũng không thấy mình thông thái hơn được gì nhiều hoặc khám phá ra được một ý tưởng gì mới lạ. Mặc dù Thủ đô Washington DC nơi tôi đang sinh sống là nơi được chọn làm bối cảnh cho câu chuyện. Vì thế không ít thì nhiều tôi cũng hình dung ra được một số thắng cảnh, đền đài, viện bảo tàng như Tòa Nhà Quốc Hội, Đài Tưởng Niệm Washington, Đường Số 16 gần nhà tôi nơi có Hội Kín Mason đặt bản doanh với biết bao bí mật.

Cái hay của Dan Brown là ông dùng những chi tiết có thật, cảnh thật, người thật và trộn lẫn tất cả với những câu chuyện giả thiết vừa nghe qua có vẻ như hơi hoang đường của thời cổ xưa. Nhưng nói có sách, mách có chứng. Điều gì ông đưa ra cũng có chứng minh hẳn hoi, từ kiến thức về lịch sử cho đến tôn giáo xen lẫn với chính trị. Cái hay của ông là ở chỗ đó. Nó làm cho độc giả cứ thắc mắc không biết đây có phải là sự thật hay không. Hay chỉ là một sự tình cờ nhất định.

Và thế là mạnh ai nấy cứ tiếp tục cố đọc xem cuối cùng lời giải thích sẽ ra sao và câu chuyện được kết thúc như thế nào.

Đọc mãi cho đến trang 509 cuối cùng mới vỡ lẽ. À thì ra nó là như thế!

Nếu phải đi đến một kết luận thì có lẽ lời kết luận của tôi sẽ là nếu như bạn chưa bao giờ đọc qua bất kỳ quyển tiểu thuyết nào của Dan Brown thì bạn nên bắt đầu ngay bây giờ. Đầu tiên với quyển Angels & Demon. Và sau đó là The DaVinci Code. Bảo đảm bạn không hay không ăn tiền.

Còn nếu như bạn đã đọc qua cả hai cuốn này rồi thì như tôi, bạn cũng nên cố tìm đọc quyển thứ ba cho nó trọn gói. Biết đâu vì không mong đợi nó hay bằng hai cuốn trước như tôi mà bạn lại tìm được chút thư giãn trong một ngày cuối tuần, có phải không?

Good luck!

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG