Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Úc bị chỉ trích về cách xử lý làn sóng người tỵ nạn


Các cuộc thăm dò công luận cho thấy nhiều người dân Úc không hài lòng về cách thức thủ tướng Kevin Rudd xử lý con số ngày càng nhiều thuyền nhân tìm cách đến nước này. Trong năm nay, hàng chục chiếc tầu chở những người đến Australia mà không được phép, xuất phát từ Sri Lanka, Afghanistan và Iraq đã bị chận trong hải phận Úc, gây áp lực ngày càng tăng lên nhà lãnh đạo của đảng Lao Động. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Cuộc thăm dò công luận mới nhất trên báo The Australia cho thay 53 phần trăm những người được thăm dò tin rằng thủ tướng Kevin Rudd không xử lý đúng cách những thuyền nhân, trong khi 31 phần trăm tán thành đường lối của ông.

Một làn sóng những người xin tỵ nạn dâng cao hướng về hải phận miền bắc Australia trong năm nay đã tập trung sự chú ý vào vấn đề này.

Hồi đầu tuần này, ông Rudd đã đối đáp với một số những người phê phán ông tại một cuộc họp cộng đồng ở thị trấn Bathurst trong bang New South Wales.

Ông Rudd nói: “Quý vị chỉ cần giơ tay lên và chúng tôi sẽ giải đáp càng nhiều càng tốt trong thời gian có thể được. Vâng, thưa ông, ông đã giơ tay kia ạ. Sẽ có người đưa máy vi âm cho ông.”

Ông Rudd đã tổ chức 19 cuộc họp cộng đồng như thế này để gặp gỡ cử tri trên khắp nước.

Số thuyền nhân tăng vọt là một chủ đề bao trùm cuộc hội thảo ở Bathurst.

Những người chỉ trích lên án chính phủ là không có lập trường vững chắc trước cuộc khủng hoảng nhân đạo này, bởi vì thuyền nhân hoặc là được cho làm thủ tục tại một hòn đảo ngoài lãnh thổ, hoặc là, trong một trường hợp mới đây, được đưa qua Indonesia, nơi những người xin tỵ nạn đã không chịu lên bờ.

Cô Elysha Hickey là một sinh viên 22 tuổi. Cô muốn biết vì sao ông Rudd không chứng tỏ nhiều sự thương cảm hơn đối với những người xin tỵ nạn.

Cô Hickey tỏ ý quá chán ngán về cách thức ông Rudd đối phó với vấn đề người xin tỵ nạn. Cô nói trong 6 tuần qua, chính phủ cứ vòng vo không chịu thay đổi hẳn đường lối và làm theo ý dân. Cô đề nghị ông đừng vòng vo nữa và ngưng gieo rắc sự sợ sệt.

Thủ tướng Rudd nói rằng chính phủ của ông có một kế hoạch rõ ràng để đối phó với vấn đề.

Ông Rudd nói: “Mọi thứ chúng tôi đang thực hiện vào lúc này đều hoàn toàn nhất quán, hoàn toàn nhất quán với những vì chúng tôi đã đề ra với nhân dân Úc trước cuộc bầu cử vừa qua. Điểm thứ nhì là, đây là một chính sách có trách nhiệm vì quyền lợi của đất nước. Chính sách này chủ trương cứng rắn với những kẻ buôn người. Chính sách này chủ trương nhân đạo trong việc xử lý những người xin tỵ nạn.”

Ông Rudd đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Stephen Smith đến Sri Lanka để mở các cuộc hội đàm về cách thức cả hai nước có thể giảm thiểu con số thuyền nhân. Chính phủ cho biết sự gia tăng phần lớn là vì những vụ xung đột ở Sri Lanka, Pakistan và Afghanistan.

Phe bảo thủ nói rằng việc chính phủ của đảng Lao Động nới lỏng các chính sách xử lý thuyền nhân đã khiến bọn buôn người coi Australia như một mục tiêu mềm yếu. Họ lên án ông Rudd là đánh mất quyền kiểm soát biêngiới.

Tuy vậy, tại cuộc họp cộng đồng ở New South Wales, vẫn có sự ủng hộ dành cho lập trường của thủ tướng Úc.

Một phụ nữ nói rằng ông Rudd đang đối phó với một vấn đề cực kỳ tế nhị và khó khăn. Bà cho rằng ông là một người có nguyên tắc và dường như muốn theo đúng các nguyên tắc của ông.

Dưới thời cựu Thủ tướng John Howard, di dân tìm cách nhập cư bất hợp pháp đã bị giam trong những cơ sở cô lập, đôi khi hàng nhiều năm trời, trong khi xúc tiến thủ tục xin tỵ nạn. Chính phủ hiện thời không còn áp dụng việc bắt buộc giam giữ nữa.

Người đàn ông này cho rằng so với chính phủ trước thì có một đường lối nhân đạo hơn, ôn hòa hơn và hòa hợp hơn đối với những vấn đề thuộc loại này.

Tại thành phố Darwin vùng xích đới, nơi hải quân đã đưa vào nhiều chiếc tàu xin tỵ nạn, có sự đồng cảm dành cho những người đã liều mạng sống của mình để tìm cách vượt Ấn Độ Dương hay Biển Timor bằng thuyền.

Ông Kevin Kadirgamar là chủ tịch của Hội đồng Thanh niên Đa văn hóa ở bang Northern Territory.

Ông Kadirgamar cho rằng nếu người ta tuyệt vọng đến độ nhảy bừa lên một chiếc thuyền và lênh đênh trên biển có khi hàng tháng trời để đến Australia, một xứ sở xa lạ, thì điều đó rõ ràng là họ thực sự tuyệt vọng.

Một người bênh vực cho dân tỵ nạn là ông Jamal Daoud kêu gọi chính phủ có nhiều biện pháp hơn để giúp những người được chấp nhận là tỵ nạn.

Theo ông Daoud, những người này đang chịu đựng những vấn đề về sức khỏe do những rối loạn sau khi bị chấn thương mạnh, và đây là lý do vì sao ông nghĩ rằng chính phủ Úc nên dành nhiều tiền hơn cho các dịch vụ định cư có liên quan đến việc giải quyết các vấn đề mà họ đã gặp phải trong cuộc hành trình đến Australia.

Đa số di dân đến Australia bằng tàu thuyền chung cuộc đều được coi là cần sự bảo vệ. Hàng năm, Australia tái định cư khoảng 13,000 thuyền nhân trong khuôn khổ các chương trình nhân đạo chính thức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG