Cựu thủ tướng Thái Lan, ông Thaksin Shinawatra, đã tới Campuchia để đảm nhận chức vụ cố vấn kinh tế cho chính phủ nước này. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Ron Corben từ Bangkok, việc ông Thaksin, một người đang phải đi lánh nạn khỏi Thái Lan, tới Campuchia có thể sẽ khiến căng thẳng biên giới giữa hai bên leo thang.
Ông Thaksin đã tới thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày hôm nay trên một phi cơ riêng. Sau đó cũng trong tuần này, ông sẽ thuyết trình trước các kinh tế gia trong tư cách một cố vấn kinh tế cho chính phủ Campuchia.
Một người phát ngôn của chính phủ Campuchia đã hoan nghênh ông Thaksin và nói rằng ông sẽ tư vấn về lĩnh vực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người phát ngôn này cũng cảnh báo ông Thaksin không nên sử dụng lãnh thổ của Campuchia cho mục đích chính trị.
Việc chính phủ Campuchia bổ nhiệm ông Thaksin vào vị trí cố vấn đã gây nên những căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan. Bangkok đang tìm cách buộc ông quay về Thái Lan để thụ án 2 năm tù vì tội tham nhũng. Ông Thaksin đã trốn khỏi Thái Lan hồi năm ngoái sau phiên tòa xét xử ông.
Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan, ông Panitan Wattanayagorn, nói rằng chính phủ sẽ đề nghị dẫn độ ông Thaksin thông qua Bộ Ngoại giao và văn phòng Bộ trưởng Tư pháp.
Ông Panitan nói: "Chúng tôi sẽ cố hết sức để gửi tới phía Campuchia thông điệp rằng chúng tôi được yêu cầu đưa ông Thaksin về nước để phục vụ quá trình pháp lý ở Thái Lan. Luật pháp yêu cầu chúng tôi hành động như vậy và chúng tôi cũng cần tuân theo một hiệp định với Campuchia, vậy nên chúng tôi thực hiện theo hiệp định đó."
Quan hệ giữa hai chính phủ, vốn đã căng thẳng, lại càng trở nên trầm trọng hơn hồi tháng trước sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen mời ông Thaksin tới Phnom Penh. Tuần này, chính phủ Thái Lan đã hủy bỏ một thỏa thuận về biên giới trên biển và đang duyệt xét lại một số thỏa thuận khác với Phnom Penh. Hai nước cũng đã triệu hồi đại sứ của nước mình.
Trong năm ngoái, quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng vì vụ tranh chấp đất đai quanh khu đền Khmer có từ thời thế kỷ thứ 11 ở bên phía biên giới Campuchia. Một số vụ đụng độ nhỏ giữa quân đội hai nước đã gây thương vong cho cả hai bên.
Truyền thông Thái Lan hôm nay tường trình rằng ông Thaksin cũng có thể phải đối mặt thêm với một số hành động pháp lý nữa sau khi ông trả lời phỏng vấn một tờ báo Anh, trong đó ông Thaksin đã nói thẳng về tương lai của chế độ quân chủ được tôn sùng ở Thái Lan.
Việc thảo luận về chế độ quân chủ vô cùng nhạy cảm, và Thái Lan có luật pháp nghiêm khắc nhằm bảo vệ thể chế này khỏi những lời chỉ trích từ bên ngoài.
Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2006. Ông vẫn rất được lòng giới nông dân Thái Lan và cộng đồng người nghèo thành thị, nhưng tầng lớp trung lưu, đặc biệt là ở Bangkok, lại coi ông là một người chuyên quyền và tham nhũng.
Đọc nhiều nhất
1