Đường dẫn truy cập

Mực nước biển dâng cao bất thường ngoài khơi miền tây Australia


Các nhà khoa học nói rằng dọc theo vùng duyên hải Tây bộ Australia, mực nước biển đang dâng cao ở mức cao gấp đôi mức trung bình trên thế giới. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Các số liệu thống kê của Trung tâm Thủy triều Quốc gia của Australia cho thấy các mực nước biển đã dâng cao 8,6 milimet một năm ở ngoài khơi Perth và 8,1 milimet ngoài khơi vùng xích đới Kimberley trong vòng 2 thập niên vừa qua. Mực dâng trung bình trên toàn cầu chỉ trên 3 milimet một chút.

Trong vòng phần lớn thế kỷ vừa qua, có những sự gia tăng trên toàn cầu trung bình khoảng 1,7 milimet mỗi năm, nhưng tỷ lệ đó đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 2007.

Theo các khoa học gia, một số khu vực, đặc biệt là tây bộ Australia đã chịu đựng mức tăng cao hơn một phần do sức kéo của trọng lực tác động đến thủy triều.

Các khoa học gia tại Tổ chức Nghiên cứu Công Nghiệp và Khoa Học Khối Thịnh vượng Chung của Australia, còn gọi tắt là CSIRO, một viện nghiên cứu khoa học được chính phủ Australia tài trợ, nói rằng tình trạng biến đổi khí hậu đã đóng một vai trò trong sự gia tăng này. Nhiệt độ ấm hơn khiến nước dâng lên, một hiện tượng được gọi là nở nhiệt, và khiến cho các sông băng và các tảng băng vùng cực tan ra.

Các nhà khí hậu học nói rằng các loại khí thải có hiệu ứng nhà kính, như carbon dioxide, do việc đốt dầu và than đá, góp phần đáng kể gây ra sự tăng nhiệt toàn cầu.

Một nhà khảo cứu thuộc CSIRO, Tiến sĩ John Church nêu nhận định: “Tôi cho rằng sự kiện mực nước biển dâng cao là một lý do chính đáng quan tâm và là sự phối hợp giữa mức tăng trung bình toàn cầu với sự thay đổi tự nhiên dẫn tới những mực nước dâng cao lớn hơn trong khu vực trong những khoảng thời gian và những sự cố lớn như bão gây tác động nhiều nhất.”

Khoảng 80% người dân Australia sống ở vùng duyên hải. Nhiều người lo ngại rằng một số cộng đồng ở vùng thấp có thể sẽ bị bỏ hoang trong những năm sắp tới vì lụt và sạt lở. Và với mực nước biển cao hơn, thì những cơn mưa lớn và thủy triều mạnh gọi là triều dâng vì bão, thường kèm theo những cơn bão nhiệt đới, có thể gây thiệt hại không lường được.

Càng ngày người ta càng đòi hỏi rằng sự phát triển trong tương lai phải đáp ứng được với các mực nước biển gia tăng và nguy cơ triều dâng do bão.

Một số nhà khoa học về khí hậu nghĩ rằng lục địa Úc đặc biệt nhạy cảm với khí hậu thay đổi và họ tiên đoán các vụ hạn hán, lũ lụt và bão sẽ xảy ra nhiều hơn vào lúc trái đất nóng thêm.

Tháng tới, các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức ở Copenhagen. Các quốc gia hy vọng đạt được thỏa thuận về những phương sách giảm thiểu khí thải có hiệu ứng nah kính và giảm thiểu thiệt hại gây ra do tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG