Trong vòng 10 năm trở lại đây Jonathan Lethem hiện được coi là một người viết tiểu thuyết đang ở độ tuổi trung niên tài hoa và độc đáo hàng đầu của Mỹ từ khi quyển tiểu thuyết Motherless Brooklyn/Brooklyn Mồ Côi Mẹ của anh được trao giải National Book Critics Circle năm 1999. Tác phẩm kế tiếp The Fortress of Solitude/Pháo Đài của Sự Cô Độc ra mắt năm 2003 đứng đầu bảng các sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong nhiều tháng. Ngoài ra anh cũng vinh dự được trao tặng tài trợ của MacArthur Foundation.
Tháng 10 năm nay Jonathan Lethem vừa cho ra mắt quyển tiểu thuyết thứ tám Chronic City/Thành Phố Kinh Niên và tác phẩm này lập tức được những người hâm mộ của anh cũng như đa số những người viết điểm sách ở Mỹ đón nhận nồng nhiệt.
Jonathan Lethem sinh năm 1964 ở Brooklyn, New York, cha là một họa sĩ tiền phong và mẹ là một người hoạt động chính trị. Anh có hai người em, người em trai cũng là một họa sĩ và người em gái là một nhiếp ảnh gia và nhà văn.
Jonathan Lethem có một tuổi thơ đậm nét lối sống tự do phóng túng vì từ nhỏ anh đã sống ở khu Boerum Hill thuộc Brooklyn New York vào giai đoạn khu này biến đổi nhanh chóng từ một khu nghèo nàn được chỉnh trang tái thiết khi những thị dân trung lưu thành công khá giả ở những nơi khác tràn tới sinh sống.
Mồ côi mẹ khi 13 tuổi vì mẹ anh bị ung thư não và cái chết của mẹ là một nỗi ám ảnh khôn nguôi Jonathan Lethem ghi đậm nét trong những tác phẩm của anh. Học trường trung học chuyên về hội họa và âm nhạc, sau đó vào Bennington College ở Vermont năm 1982, bỏ học ngang khi chưa qua hết năm thứ nhất, đón xe quá giang đi từ Denver, Colorado về đại học Berkeley ở California năm 1984, làm thư ký trong một tiệm bán sách cũ và bắt đầu viết văn, xuất bản tập truyện ngắn đầu tay năm 1989 và sau đó là những truyện vừa viết theo lối truyện khoa học giả tưởng.
Jonathan Lethem chịu ảnh hưởng của nhà văn Saul Bellow, nhà tiểu thuyết khoa học giả tưởng Philip K. Dick cũng như nhạc của Bob Dylan và loạt phim Star Wars
Nhân vật kể chuyện trong Thành Phố Kinh Niên là anh chàng trẻ tuổi tên Chase Insteadman. Chase trước đây khi còn nhỏ là một ngôi sao truyền hình nổi tiếng trong show Martyr & Pesty nhưng nay tên tuổi đã hoàn toàn lu mờ. Tuy vậy nhờ một thời hái ra tiền nên nay cũng còn lại chút đỉnh đủ để sống mà không phải làm gì nên anh ta có nếp sống lang bạt giang hồ.
Thế nhưng, vì là một người đã từng nổi tiếng nên Chase có thể giao tiếp với đủ mọi giới ở Manhattan, kể cả những người giàu có quyền lực hàng đầu cũng như những người thuộc giới văn nghệ hàng đầu. Cách đặt họ cho Chase là “Insteadman” và nêu cái tên người đời đặt cho Chase là “Chase Unsperson” tác giả gợi ý người đọc về bản ngã của nhân vật này: Chase là một kẻ thụ động, không-có-tính-cách, dễ bị ảnh hưởng của người khác lôi cuốn, vui đâu chầu đấy.
Rồi tình cờ khi vào một tiệm bán bánh mì nhồi thịt Chase làm quen với Perkus Tooth, một nhân vật có lối sống quái chiêu dị thường. Perkus là một tay phê bình âm nhạc có chút tên tuổi, nổi tiếng vì là tác giả những tấm bìa khổ lớn phê bình huênh hoang đủ các sản phẩm văn hóa đem dán khắp thành phố và một thời cũng là tác giả một mục phê bình nhạc trên tạp chí Rolling Stone, nhưng nay tên tuổi thực sự đã bị đẩy vào bóng tối quên lãng.
Thế nhưng Perkus vẫn không chịu từ bỏ nỗi ám ảnh đam mê phê bình điện ảnh, âm nhạc, văn chương, báo chí. Và trên hết thảy Perkus là người tin tưởng tuyệt đối vào thuyết âm mưu đồng lõa, ở mọi lãnh vực sinh hoạt anh đều muốn khám phá ra kẻ vô hình điều khiển sự âm mưu đồng lõa.
Hiện nay Perkus có một căn hộ trong khu chung cư Jackson Hole nên khi làm quen với Chase anh liền dẫn người bạn mới về nhà thuyết giảng tràng giang đại hải nào là về tay nhạc sĩ kèn đồng lừng danh Chet Baker, tài tử điện ảnh Marlon Brando, và hiệu ứng đánh lừa thị giác của tờ The New Yorker trong cách chọn kiểu chữ in báo, rồi đến cuộc bán đấu giá của cựu thị trưởng Giuliani ờ Phố 42, kế đến là Disney, phát biểu của nhà văn Norman Mailer về cơ quan nghiên cứu không gian NASA, tay trùm tình báo J. Edgar Hoover làm nô lệ cho Mafia vân vân và vân vân… đến nỗi Chase phải tự nhủ “Mới chỉ trong buổi đầu gặp nhau mà tụi tôi có thể nào đã thảo luận một đống đề tài như vậy được không?”
Tuy nay không còn là một siêu sao truyền hình nữa nhưng Chase vẫn được mời dự những dạ tiệc của những tên tuổi hàng đầu về mọi sinh hoạt ở Manhattan có lẽ bời vì Janice Trumbull vị hôn thê của anh là một phi hành gia hiện đang ở trong tình cảnh mắc cạn không đường tiến thoái trên Trạm Không Gian Quốc Tế. Thế nhưng Janice vẫn không ngừng gửi về cho anh những bức thư tình mùi mẫn tràng giang đại hải hàng ngày được đăng ấn bản đặc biệt “không có chiến tranh” của tờ Thời Báo (Times).
Trong khi hôn thê đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng như vậy Chase lại đang dan díu với Oona và anh tìm mọi cách dấu nhẹm cuộc tình này. Như Chase tự thú về mình “Nét phân biệt tôi với người khác (nếu quả thực có) nằm trong sự không-giúp-đỡ-ai và trong lòng đồng cảm mênh mông sâu thẳm của tôi. Tôi đúng thực là một khoảng không trống rỗng được mọi người quan hệ với tôi lấp đầy, và khi họ vắng mặt thì sự trống rỗng đó trung tính nhạt nhẽo.”
Với một tính cách như vậy lời kể truyện cũng như những lời tự thú của Chase xem ra cũng không mấy đáng tin dù rằng anh chàng rất nỗ lực sống sao cho xứng danh với cái tên “Chase Không nhân vị” (Chase Unperson) người đời đặt cho anh một cách tuy riễu cợt nhưng khá chính xác.
Quyển truyện trở thành hấp dẫn lạ lùng khi hai tính cách hầu như đối nghịch của Chase và Perkus lại gặp gỡ và trở thành thân thiết. Thế nhưng, trong tình bạn này dường như Chase là kẻ thụ động còn Perkus đóng vai chủ động. Hai người chia sẻ hết thảy, từ ăn chơi nghiện hút, tư tưởng, tình cảm, cho đến cả những chuyện rất riêng tư.
Perkus hiện đang sáng sáng mua tờ New York Times về, cắt nhỏ thành từng mảnh trang nhất tờ báo rồi ráp lại theo thuyết âm mưu đồng lõa để khám phá xem thực sự cái gì đang xảy ra. Anh cũng kỳ khu đánh máy lại những bài đăng trên tờ The New Yorker để loại bỏ hiệu ứng dối gạt của kiểu chữ in trên báo này, bởi vì theo anh “chúng ta bấy lâu nay sống trong một nơi chốn tự nó làm ra bản sao của mình, một thứ phó bản thay thế (similacrum) mỏng manh chứa đầy những quãng hở và những sự cố.”
Nếu căn cứ trên quan niệm về thực tại của Perkus như vừa nêu thì ta thấy Jonathan Lethem đã vẽ ra một Manhattan thực thực ảo ảo, tuy vẫn có những nét dễ nhận diện ngoài đời thực của cái thành phố thủ đô thế giới này.
Tuy từ khởi đầu “thùng rỗng Chase Unperson” hoàn toàn bị Perkus thu hút, điều khiển, nhưng vào giai đoạn chót của tình bạn này Chase, vốn là một tay quan sát tinh tường, đã thức tỉnh, muốn thoát ra khỏi cái mạng lưới vây bủa của Perkus, trong khi Perkus vẫn đang mê mải theo đuổi công trình tìm trên mạng eBay và khắp thành phố một báu vật là chiếc bình bằng sứ rất đẹp anh nghĩ là có thật. Theo anh cái bình sứ này chính là chìa khóa để ta mở vào “một thế giới khác… một nơi chốn thực sự là thực tại, nơi đó cái mặt nạ tả tơi của ảo tưởng tan biến đi.”
Chase cho rằng Perkus giờ đây đang kề cận bờ vực của vĩ cuồng, muốn ngăn cản thức tỉnh bạn nhưng vô ích. Thậm chí Perkus còn sỉ vả Chase là “hiện thân toàn hảo của sự phi thực của cài thành phố này.”
Nhìn chung, tuy cốt truyện của quyển Chronic City thật đơn giản nhưng sự hấp dẫn của quyển sách không nằm ở cốt truyện mà ở giọng văn và những ý tưởng khá phong phú của tác giả. Nhưng tư tưởng phong phú trong quyển truyện không phải của Jonathan Lethem mà là một công trình “cắt và dán”, lượm lặt mô phỏng khá tài tình.
Trong bài luận văn “Sự Xuất Thần của Ảnh Hưởng: Một chủ trương đạo văn” đăng trên tạp chí Harper năm 2007 Jonathan Lethem đã cực lực bênh vực cho sự chiếm hữu văn hóa khi cho rằng con người như một chủ thể xã hội cảm thức không thể sáng tạo ra một cái gì khác ngoài việc cóp nhặt mô phỏng (pastiche). Một thí dụ dễ nhận ra: khi Jonathan Lethem cho rằng Manhattan là một mô phỏng, một bản sao giả (simulacum), ý tưởng này tác giả đã học được từ triết gia Pháp Jean Braudillard.
Về văn phong, diễn ngôn tiểu thuyết hậu-hiện-đại của Jonathan Lethem cho thấy anh chịu ảnh hưởng rõ rệt của Thomas Pynchon và Don DeLillo. Nhưng cách mô phỏng của Jonathan Lethem không thể bị lên án là đạo văn. Và đó là sự tài tình của nhà văn này. Ngoài ra tựa đề quyển truyện Chronic City có một nghĩa rất phức tạp, không rõ ràng. Trong tiếng lóng Mỹ tính từ “chronic” gợi ngay đến cần sa ma túy. Về tệ nạn này có lẽ Manhattan hẳn là thành phố xếp đầu bảng!
Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.