Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên gây phương hại quyền lợi an ninh khu vực của TQ


Bắc Triều Tiên gây phương hại quyền lợi an ninh khu vực của TQ
Bắc Triều Tiên gây phương hại quyền lợi an ninh khu vực của TQ

Trung Quốc tiếp tục tăng cường các mối quan hệ song phương với Bắc Triều Tiên, mặc dù những hành động hồi gần đây của Bình Nhưỡng đã tạo ra những tình huống tiến thoái lưỡng nan cho Bắc Kinh trên trường ngoại giao và có thể gây phương hại cho những quyền lợi an ninh khu vực của Trung Quốc. Đó là nhận định của các chuyên gia thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế trong bản báo cáo công bố hôm mồng 2 tháng 11 vừa qua. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Một tờ báo lớn ở Mỹ mới đây cho biết rằng quân đội Bắc Triều Tiên đã nắm quyền kiểm soát hầu như hoàn toàn nền kinh tế quốc doanh của nước này và đang xúc tiến những thương vụ béo bở về khoáng sản với Trung Quốc để kiếm tiền cho lãnh tụ Kim Jong Il. Theo tường thuật của tờ Washington Post số ra ngày 3 tháng 11, quân đội Bắc Triều Tiên đã nắm quyền kiểm soát các công ty mậu dịch để nhanh chóng gia tăng việc xuất khẩu than đá, quặng sắt và những khoáng sản khác cho Trung Quốc. Theo ước tính của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên là nơi có trữ lượng khoáng sản lên tới gần 6 ngàn tỉ đô la. Tường thuật này nói thêm rằng tuy không hài lòng về chương trình hạt nhân và những vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên, chính phủ ở Bắc kinh đang ra sức tăng cường các mối quan hệ kinh tế với quốc gia Cộng Sản bị cô lập này.

Trong khi đó, một tổ chức nghiên cứu có bản doanh ở Brussels – Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) cho biết rằng Trung Quốc tiếp tục tăng cường các mối quan hệ song phương với Bắc Triều Tiên, mặc dù những hành động hồi gần đây của Bình Nhưỡng đã tạo ra những tình huống tiến thoái lưỡng nan cho Bắc kinh trên trường ngoại giao và có thể gây phương hại cho những quyền lợi an ninh khu vực của Trung Quốc.

Trong bản phúc trình công bố hôm mồng 2 tháng 11, các nhà phân tích của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nói rằng tình hình Bắc Triều Tiên đã làm dấy lên một cuộc tranh luận công khai hiếm thấy ở Trung Quốc. Họ cho rằng cuộc tranh luận này phát sinh giữa một bên là “phe chiến lược” – những người muốn áp dụng đường lối cứng rắn với Bắc Triều Tiên, và bên kia là “phe truyền thống”, qui tụ những người cho rằng Trung Quốc nên tiếp tục hỗ trợ đồng minh Bắc Triều Tiên về cả chính trị lẫn kinh tế.

Phúc trình này nói thêm rằng tuy có bất bình về những hành động có tính khiêu khích của chính phủ ở Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn duy trì những tính toán chiến lược đối với Bắc Triều Tiên. Văn kiện này trích lời một nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng “suy nghĩ của chúng tôi đã thay đổi, nhưng chiều dài biên giới vẫn giữ nguyên.”

Tiến sĩ Dương Trung Mỹ, một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối chiếu Trung-Nhật-Mỹ ở California, cho biết rằng tư duy chiến lược của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có thay đổi và hiện nay giới hữu trách ở Bắc Kinh xem Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia đe dọa nhiều nhất tới an ninh của Trung Quốc.

Ông Dương Trung Mỹ nói thêm: "Theo bản đánh giá của quân đội Trung Quốc ở cấp cao nhất, trong thời gian sắp tới Ấn độ và Bắc Triều Tiên là hai nước dễ phát sinh khủng hoảng nhất trong số các nước láng giềng của Trung Quốc, thậm chí còn là những đối thủ chiến lược của Trung Quốc."

Ông Dương Trung Mỹ cho hay dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân Bắc Kinh không cảm thấy lo ngại nhiều về Bình Nhưỡng như bây giờ vì lúc đó Bắc Triều Tiên chưa có vũ khí hạt nhân và chưa xuất hiện cuộc khủng hoảng về vấn đề ai sẽ là người thừa kế vai trò lãnh đạo của ông Kim Jong Il. Ông nói thêm rằng bởi vì hiện nay đã có 3 nước láng giềng của Trung Quốc là Nga, Ấn Ðộ và Pakistan có vũ khí hạt nhân cho nên an ninh của Trung Quốc sẽ bấp bênh hơn trong trường hợp hai miền Triều Tiên và Nhật bản tham gia một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Ông Dương Trung Mỹ nhận định: "Hoa Kỳ vô cùng quan tâm tới cuộc diện của chính trường Bắc Triều Tiên và chương trình hạt nhân của nước này. Sự quan tâm này phát xuất từ những tính toán có tầm toàn cầu và sự lo ngại đối với ổn định của toàn thế giới. Trung Quốc cũng quan tâm rất nhiều tới vấn đề Bắc Triều Tiên vì xét về mặt lịch sử và địa dư, Trung Quốc là nước có tương quan cực kỳ mật thiết với Bắc Triều Tiên. Bất kỳ sóng gió chính trị hay xung đột quân sự nào ở Bắc Triều Tiên cũng ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc diện của chính trường Trung Quốc."

Trong thời gian gần đây, sau khi quyết định rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân do Trung Quốc bảo trợ, chính phủ ở Bình Nhưỡng cho Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo biết rằng họ muốn quay lại với bàn đàm phán. Bắc Triều Tiên cũng tiếp tục đòi tiến hành những cuộc thương thuyết trực tiếp với Hoa Kỳ, nhưng đề nghị chưa được Washington chấp nhận.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố như sau về đề nghị của Bình Nhưỡng.

Bà Clinton nói: "Bên trong khuôn khổ của cuộc đàm phán 6 bên, chúng tôi sẵn sàng họp song phương với Bắc Triều Tiên, nhưng việc Bắc Triều Tiên quay lại với bàn thương nghị vẫn không đủ. Những biện pháp chế tài hiện hành sẽ không được nới lỏng cho tới khi nào Bắc Triều Tiên có những bước tiến có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được để tiến tới chỗ hoàn toàn phi hạt nhân hóa."

Ngoại trưởng Yu Myung Hwan của Nam Triều Tiên cũng có lập trường tương tự. Ông cho biết Seoul sẽ hợp tác chặt chẽ với Washington để duy trì những biện pháp chế tài quốc tế đối với Bắc Triều Tiên.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước dành cho báo chí ở Seoul, Ngoại trưởng Yu nói rằng từ những lời cam kết không được thi hành và những hoạt động hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên và các nước liên hệ đã học được một bài học là những biện pháp mềm mỏng không thể làm cho Bắc Triều Tiên thay đổi thái độ.

Tiến sĩ Dương Trung Mỹ của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối chiếu Trung-Nhật-Mỹ nhận định rằng tuy Bắc Triều Tiên đang tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chính phủ ở Bình Nhưỡng cũng muốn tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tiến sĩ Dương Trung Mỹ cho biết: "Hiện nay Bắc Triều Tiên rất nôn nóng trong việc tiến hành hội đàm song phương với Hoa Kỳ để tìm cách phá vỡ tình trạng bế tắc của mình trên trường quốc tế. Điều này thật ra là nhắm tới việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật bản và Nam Triều Tiên – chủ yếu là với Hoa Kỳ, để tìm kiếm nguồn đầu tư cho công cuộc phát triển kinh tế. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng muốn dựa vào việc này để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, để đi theo con đường thật sự độc lập. "

Hôm 1 tháng 11 vừa qua, Bắc Triều Tiên lại một lần nữa lên tiếng đòi tiến hành cuộc đàm phán song phương với Hoa Kỳ. Họ cũng cho biết đã tái chế biến 8,000 thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Các chuyên gia nói rằng số plutonium có được từ quá trình này có thể giúp Bắc Triều Tiên có đủ vật liệu để sản xuất một quả bom hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG