Đường dẫn truy cập

Các nước Châu Á hoan nghênh Tổng thống Obama


Tổng thống Barack Obama sẽ thực hiện chuyến du hành đầu tiên đến châu Á trong tháng này với các chặng dừng chân ở Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Nam Triều Tiên. Tại Singapore, ông Obama sẽ dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái bình dương và hội kiến nhiều nhà lãnh đạo Đông Nam Á lần đầu tiên. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf tại Bangkok, thì nhiều quốc gia Á châu hoan nghênh các dấu hiệu của chính sách giao tiếp đổi mới của Mỹ mặc dù có một số nước thất vọng vì ông Obama không đến thăm vào dịp này.

Trong chuyến đi châu Á lần đầu tiên trong tư cách Tổng thống, ông Obama dự kiến sẽ nhấn mạnh đến một quan hệ và sự hợp tác đổi mới giữa Hoa Kỳ và châu Á.

Chặng dừng đầu tiên của ông là ở Nhật Bản, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bang giao Nhật-Mỹ vào một thời điểm mà quan hệ đang căng thẳng về vấn đề tân chính phủ Nhật xem xét lại sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Nhật Bản.

Ông Jeff Kingston là giám đốc khảo cứu về châu Á tại trường Đại học Temple ở Nhật Bản. Điều đặc biệt đáng quan tâm là một thỏa thuận di dời một căn cứ Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trên đảo Okinawa, một thỏa thuật rất khó tái thương nghị.

Ông Kingston nói: “Việc đó muốn thương lượng phải mất rất lâu. Nhiều máu đổ trên sàn. Phải viện dẫn nhiều tài liệu. Phải có sự hợp tác của nhiều người để hoàn thành. Đây không phải là một tiến trình dễ dàng. Phải mất rất nhiều thời gian và có rất nhiều thù hận.”

Sau đó, Tổng thống Obama sẽ đi dự diễn đàn APEC ở Singapore. Ở đây, các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc vành đại Thái Bình Dương sẽ thảo luận những nỗ lực cải thiện nền kinh tế toàn cầu và mậu dịch thế giới trong khi giảm thiểu thiệt hại gây ra cho môi trường và các hậu quả của sự tăng nhiệt toàn cầu.

Ông Obama sẽ mở các cuộc hội đàm chính thức đầu tiên với tất cả 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á, trong đó có Miến Điện.

Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế Miến Điện vì thành tích nhân quyền của họ, nhưng chính quyền của Tổng thống Obama đã tách ra khỏi con đường cô lập và hy vọng sẽ giao tiếp với nước này để thúc đẩy sự thay đổi. ASEAN khích lệ chính sách mới đó.

Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan cho rằng sự giao tiếp được cải thiện của Hoa Kỳ không riêng với Miến Điện mà với toàn bộ châu Á đang rót một nhiệt tâm mới vào khu vực này.

Ông Pitsuwan nói: “Trong thời gian 8 hay 9 năm vừa qua, chíng ta đã không thấy được mấy thiện chí từ phía Hoa Kỳ. Có lẽ vì Hoa Kỳ quá chú tâm vào những nơi khác và các vấn đề ở Đông nam châu Á và Đông Á không đủ quan trọng để đòi hỏi sự can dự của Mỹ, sự chú ý của Mỹ. Vậy, đây là một đường lối mới, một bước đầu mới.”

Tổng thống Obama cũng đi thăm Trung Quốc để nuôi dưỡng một quan hệ được coi như một trong các quan hệ cấp thiết nhất cho sự phát triển của thế giới.

Bang giao Trung – Mỹ vẫn thường bị căng thẳng vì những mối quan ngại về thành tích nhân quyền và ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc, nhưng theo dự kiến, thương mại sẽ là vấn đề đứng đầu nghị trình thảo luận.

Chặng dừng chót của ông Obama là Nam Triều Tiên, nơi các cuộc đàm luận dự kiến sẽ tập trung vào việc làm thế nào để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân của họ.

Tại Indonesia, nơi ông Obama đã sinh sống 4 năm lúc thiếu thời, mọi người thất vọng rằng ông sẽ không ghé thăm trong chuyến đi này.

Tại ngôi trường mà ông Obama từng theo học, bà Mayzayani, mẹ của một học sinh, bầy tỏ sự thất vọng đó:

Bà nói rằng mọi người đã trông đợi ông Obama đến thăm. Hy vọng rằng ông sẽ đến về sau này.

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng ông Obama sẽ đi thăm Indonesia vào năm tới để chứng tỏ tầm quan trọng của các quan hệ đang gia tăng với quốc gia có khối dân Hồi giáo lớn nhất thế giới này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG