Đường dẫn truy cập

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma bác bỏ chỉ trích của TQ


Mặc dù có sự phản đối Trung Quốc, với lời tuyên bố rằng bang Arunachal Pradesh thuộc chủ quyền họ, đức Đạt Lai Lạt Ma đã khởi sự chuyến đi thăm một những địa điểm thiêng liêng nhất của Phật giáo Tây Tạng ở đó. Thông tín viên VOA Steve Herman, tường thuật từ New Delhi:

Một khoảng thời gian ngắn sau khi đến tu viện Tawang, một tu viện nằm trong một vùng hẻo lánh của bang, đức Đạt Lai Lạt Ma phê phán Trung Quốc về việc Trung Quốc chỉ trích gay gắt chuyến đi này của ngài.

Hàng ngàn Phật tử đã ra chào mừng nhà lãnh đạo Tây Tạng, trên đường ngài đến khánh thành một viện bảo tàng tại một tu viện được xây trên núi từ mấy trăm nay. Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đã nói chuyện với các phóng viên báo chí sau đó. Các nhà báo đã hỏi ngài về lời cáo buộc của Bắc Kinh, cho rằng chuyến đi thăm của ngài nằm trong khuôn khổ của chiến dịch tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cười và trả lời rằng việc ngài đi đến bất cứ nơi nào đều là chuyện rất bình thường.

Khi các nhà báo nói Trung Quốc vẫn phản đối chuyến đi thăm tu viện Tawang của ngài và cho rằng đó là hành động chống Trung Quốc, đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng cáo buộc đó “hoàn toàn vô căn cứ.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Tawang lần đầu tiên cách đây 50 năm khi ngài chạy trốn khỏi Tây Tạng lúc đó đã bị Trung Quốc kiểm soát. Ngài nói những ký ức cách đây 50 năm vẫn còn gây xúc động. Ngài cho biết ngài đã bị suy yếu về cả tâm thần lẫn thể chất, và bị bệnh lỵ trong chuyến đi đầy gian nan đó,

Trung quốc xâm chiếm Tây Tạng từ đầu thập niên 50, và xem khu vực này là một phần bất khả phân của Trung Quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sống ở miền bắc Ấn Độ từ khi ngài chạy ra khỏi nước hồi năm 1959.

Trong một quyết định chưa từng có trước đây - được xem như một nỗ lực làm dịu bớt sự chỉ trích của Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã cấm các phóng viên báo chí nước ngoài, không được đến bang Arunachal Pradesh để tường thuật về chuyến đi thăm của đức Đạt Lai Lạt Ma. Các nhà báo là công dân Ấn Độ vẫn được đến nơi để tường thuật.

Trong số các nhà báo bị từ chối hay bị thu hồi phép đến bang này có phóng viên của AP, New York Times, Washington Post và VOA. Tuy nhiên các giới chức địa phương ở Tawang và chính phủ của bang nói rằng, về phần họ họ vẫn hoan nghênh giới truyền thông nước ngoài đến tường thuật việc này.

Cơ quan truyền thông Ấn Độ đã tường thuật nhiều vụ “đột nhập” của lực lượng Trung Quốc vào bang trong những tháng gần đây. Bộ Ngoại giao Ấn Độ giảm nhẹ tầm quan trong của các vụ xảy ra ở biên giới và gọi chúng là những vấn đề “không quan trọng” và không có gì khác thường.

Trung Quốc tuyên bố hầu như toàn bộ bang Arunachal Pradesh thuộc chủ quyền của họ, kể cả tu viện ở Tawang. Khi Cộng sản lên nắm quyền năm 1947, họ chính thức bác bỏ một hiệp ước phân định biên giới năm 1914 được các đại diện Ấn Độ và Tây Tạng do Anh cai trị thỏa thuận.

Các lực lượng Trung Quốc tiến sâu bên trong lãnh địa bang Arunachal Pradesh trong cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962, sau 25 năm khu vực này thành một bang của Ấn Độ.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc nhiều lần lập lại cam kết sẽ từng bước giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ bằng phương cách hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG