Đường dẫn truy cập

Nhớ Lê Thành Nhơn (1940-2002)


Lê Thành Nhơn, hoạ sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của Việt Nam, mất ngày 4 tháng 11, 2002. Đến nay, đúng 7 năm.

Tôi biết tiếng và cũng biết tài của Lê Thành Nhơn từ lúc còn ở Việt Nam, và đặc biệt, lúc sống ở Pháp, đọc trên báo chí, thấy tường thuật về tranh và tượng của anh ở Melbourne. Năm 1991, khi chuẩn bị dọn cả gia đình sang Úc sinh sống, tôi tự nhủ: Thế nào cũng phải tìm gặp Lê Thành Nhơn.

Nhưng sang Úc, chưa kịp tìm, tôi đã gặp anh. Gặp ngay trong nhà mình, khi mới đặt chân lên đất Úc được một, hai ngày gì đó.

Còn nhớ, lúc ấy, trời đã tối, chắc là sau 9 giờ, đang ở trong nhà, tôi nghe tiếng gõ cửa. Ngạc nhiên, tôi ra mở cửa, thấy một người đàn ông trung niên khá dị tướng đứng toét miệng ra cười. Tóc quăn, trán cao, mũi to, quách tai dày, hàm răng khểnh, nụ cười có chút bẽn lẽn. Và đẹp.

Tôi chưa kịp hỏi, người đàn ông ấy hỏi: “Có biết ai đây không?” Chắc chỉ trong vòng một hai giây, tôi nhận ra ngay: “Lê Thành Nhơn, phải không?”

Tôi nhận ra ngay, chủ yếu là nhờ các bức ảnh của anh in trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris trước đó vài ba năm. Cũng vóc người to lớn và mái tóc quăn, rối bồng lên ấy. Cũng cái lỗ mũi to và hai quách tai dày ấy. Cũng cái nụ cười bẽn lẽn với mấy chiếc răng khểnh ấy.

Tối ấy, Lê Thành Nhơn không đến một mình. Anh còn mang theo chai rượu và một bức tượng Phật bằng thạch cao khá lớn. Vừa uống rượu, chúng tôi vừa trầm trồ bàn tán về bức tượng ấy. Lê Thành Nhơn làm tượng Phật khá nhiều, lớn có, nhỏ có; nhưng bức tượng tôi thích nhất chính là bức tượng ấy. Nó có cái gì thanh mảnh và thanh cảnh. Đường nét rất tinh tế và hài hoà. Cho nên, dù không phải là Phật tử, từ gần hai mươi năm nay, tôi vẫn luôn luôn đặt bức tượng ấy ngay trong phòng khách.

Nhớ, lần bà má vợ tôi từ Việt Nam sang chơi, mới bước vào nhà, thoạt nhìn bức tượng ấy, bà giật mình. Chắc là bà tưởng tôi và con gái bà đều cải đạo từ Công giáo sang Phật giáo. Sau một năm sống chung nhà, hằng ngày nhìn bức tượng Phật ngay trong phòng khách, bà má vợ của tôi cũng quen dần. Không những quen với bức tượng, bà còn quen với cả người nghệ sĩ từng tạc nên bức tượng ấy. Đêm trước ngày bà về lại Việt Nam, Lê Thành Nhơn mời bà và cả gia đình tôi đi ăn tối. Như chính anh giã từ bà chứ không phải là gia đình tôi. Nói chuyện với bà, lúc nào Lê Thành Nhơn cũng gọi bác và xưng cháu, dù anh chỉ kém bà chưa tới mười tuổi.

Trở lại buổi tối đầu tiên Lê Thành Nhơn đến thăm tôi. Anh ngồi chuyện trò đến hơn 3 giờ sáng. Nếu không nghĩ đến gia đình chủ nhà mới từ Paris sang, còn cảm giác chông chênh của chuyến bay xuyên lục địa dằng dặc hai mươi mấy tiếng đồng hồ, chưa chắc anh đã chịu đứng dậy.

Sau đó, hầu như tối nào, Lê Thành Nhơn cũng ghé lại nhà tôi. Dạo ấy, tôi ở Brunswick, còn anh thì ở Coburg, nhưng hằng ngày, anh đi làm ở một phòng vẽ ở tận Dandenong. Ở đó, anh vẽ, anh tạc tượng, anh làm đồ gốm quần quật từ sáng đến tối. Đến lúc trời tối mịt rồi, anh mới rời phòng vẽ. Và trước khi về nhà, bao giờ anh cũng ghé tôi.

Thoạt đầu, anh ngồi đến 2, 3 giờ sáng. Sau, để tránh cảnh tôi ngủ gà ngủ gật trên các chuyến xe điện vào buổi sáng và cảnh vừa giảng bài vừa ngáp dài ngáp ngắn trong lớp, chúng tôi đồng ý với nhau là nên chấm dứt trò tán gẫu vào đúng 12 giờ khuya. Nhưng không phải lúc nào anh cũng tuân thủ theo sự thoả thuận ấy. Nhiều lần, nhìn đồng hồ, thấy 12 giờ khuya, anh vẫn cứ nấn ná. Có lúc thêm nửa tiếng. Có lúc thêm cả tiếng.

Đề tài của những buổi nói chuyện miên man hầu như mỗi đêm ấy? Thì cũng quanh quẩn chuyện văn học nghệ thuật. Hết mỹ thuật thì đến văn chương.

Điều đặc biệt là Lê Thành Nhơn rất nhạy bén về thơ. Đọc thơ, anh nhận ra ngay đâu là thơ hay và đâu là thơ dở. Anh rất mê Truyện Kiều. Anh bỏ ra rất nhiều năm để vẽ Truyện Kiều. Loạt đầu, anh vẽ dưới hình thức minh hoạ. Vẽ trên giấy. Nghe nói đến cả mười mấy thước.

“Nghe nói”, vì, thú thực, tôi chỉ nghe anh và một số bạn bè của anh kể. Tôi hỏi, anh lắc đầu, bảo: Anh bỏ dở vì không hài lòng lắm. Loạt sau, anh vẽ bằng bút chì, xoáy sâu vào một số chủ điểm nhất định chứ không dàn trải theo mạch truyện như trước. Loạt tranh này, tôi đã đưa lên Tiền Vệ, sau khi anh qua đời, được nhiều anh em văn nghệ sĩ khen ngợi.

Trong hơn mười năm chơi thân với nhau, mấy năm đầu, khi tôi còn ở Brunswick, chúng tôi gặp nhau hầu như hằng ngày; sau đó, khi tôi dời nhà đi nơi khác, xa hơn, các cuộc gặp gỡ và trò chuyện thưa dần, thành mỗi tuần hoặc mỗi hai tuần một lần. Nhưng lúc nào đề tài cũng chỉ là văn học và nghệ thuật. Không nói về tác phẩm thì nói về tác giả. Không nói chuyện sáng tác thì nói chuyện sinh hoạt. Hầu như lúc nào Lê Thành Nhơn cũng chỉ có một ám ảnh: văn học nghệ thuật.

Đến khi anh ngả bệnh, anh cũng miên man nói về văn học nghệ thuật. Lúc ấy, tôi và một số bạn bè của anh in cho anh một tuyển tập tranh gồm những tác phẩm ưng ý nhất của anh kèm theo những nhận xét ưu ái của bạn bè cũng như của giới nghiên cứu nghệ thuật về anh. Cầm cuốn sách ấy, anh cảm động lắm. Anh lại nói miên man về những dự án nghệ thuật anh sẽ tiếp tục làm sau khi khỏi bệnh. Mãi đến những ngày cuối cùng, khi anh còn chút tỉnh táo, anh cũng nói về những dự án ấy một cách say sưa.

Trong đám tang của anh, tôi đặt lên bụng anh cuốn tuyển tập tranh của anh trước khi nắp quan tài được đậy lại. Cuốn sách, sau đó, bị thiêu ra tro.

Cũng như anh, cùng lúc ấy, thành tro.

Tro thành bụi. Bụi bay đi đâu?

Chú thích:

1.Một số nét chính trong cuộc đời Lê Thành Nhơn: Sinh năm 1940 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương; tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định năm 1964; sau đó dạy điêu khắc ngay chính tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định, giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và trường Đại học Cộng Đồng Duyên Hải tại Nha Trang. Tị nạn sang Úc từ năm 1975. Và mất tại Melbourne ngày 4.11.2002 vì bệnh ung thư gan.

2.Một số tác phẩm điêu khắc chính của Lê Thành Nhơn:
A.Ở Việt Nam:
Tượng Quan Thế Âm bằng đồng tại trung tâm Liễu Quán, Huế
Tượng Phan Bội Châu bằng đồng, cao 3,5 mét tại Huế.
Tượng Phật Thích Ca tại trung tâm Phật học Huệ Nghiêm ở Phú Lâm, Sài Gòn, cao 4,5 mét bằng xi măng.

B.Tại Úc:
Tượng Dr Phillip Law hiện đang bày tại đại học Monash ở Melbourne và đại học Tasmania tại tiểu bang Tasmania, Úc
Tượng Joy cao khoảng 2m5 hiện dựng trước sân trường đại học Monash (Caulfield campus), Melbourne
Tượng “Đừng bỏ rơi tôi tự do” hiện bày tại Mekong Club, Sydney,
Tượng Phật Thích Ca hiện bày tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc tại thủ đô Canberra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG