Đường dẫn truy cập

Hội nghị tại Hà Nội liên kết y tế công cộng với nhân quyền 


Hàng trăm chuyên gia y tế công cộng đã tề tựu tại Hà Nội để thảo luận việc việc làm thế nào để liên kết y tế công cộng với nhân quyền. Quyền được chăm sóc sức khỏe được khẳng định trong rất nhiều công ước của Liên hiệp quốc, nhưng các quan điểm về y tế công cộng và nhân quyền thường xung đột với nhau, đặc biệt trong các hoạt động mà nhiều chính phủ cho là tội phạm, như sử dụng ma túy chẳng hạn. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Matt Steinglass gửi về bài tường thuật sau đây.

Phát biểu trước hội nghị tuần này, ông Anand Grove, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về quyền được chăm sóc sức khỏe của con người, nói rằng những người sử dụng ma túy không nên bị đối xử như các tội phạm.

Ông Grover nói: “Việc hình sự hóa các hoạt động này thật sự gây trở ngại quyền được chăm sóc sức khỏe của tất cả mọi người, kể cả những người nghiện ma túy. Tôi cho rằng thật sự rất cần phải hủy bỏ việc hình sự hóa các tập tục ấy.”

Một số nước tại Châu Á, trong đó có Việt Nam, thường đưa những người nghiện bạch phiến vào các trung tâm điều trị cưỡng bách, đôi khi phải ở đó nhiều năm.

Ở Trung Quốc, các chuyên gia ước tính có chừng 350,000 người trong các trung tâm như thế. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng các trung tâm này vi phạm quyền của những người bị nghiện, và các cuộc nghiên cứu cho thấy hầu hết tất cả các con nghiện đều quay lại với heroin sau khi được thả ra.

Giờ đây Việt Nam và Trung Quốc đang thử áp dụng một phương pháp mới là cho bệnh nhân ma túy uống hai loại thuốc methadone và buprenorphine mỗi ngày để cắt cơn nghiện.

Bác sĩ Nguyễn Tố Như là giám đốc chương trình Việt Nam thuộc Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế. Tổ chức này giúp điều hành một số các bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam cai nghiện ma túy bằng thuốc methadone. Bác sĩ Như cho biết hầu như không có bệnh nhân nào tái nghiện heroin:

Bác sĩ Như cho biết: “Tỷ lệ rất tốt, 95%. 5% bỏ cuộc, đa số do tử vong vì AIDS.”

Ở Trung Quốc, các bệnh viện cai nghiện ma túy bằng thuốc methadone đã xuất hiện cách đây 5 năm, và hiện giờ có khoảng 500 cơ sở như thế. Tại hội nghị ở Hà Nội, bác sĩ Sái Tiểu Mỹ thuộc Học viện Y khoa Trung Quốc kêu gọi phi hình sự hóa việc sử dụng ma túy tại Trung Quốc, viện dẫn lý do rằng điều này làm ảnh hưởng tai hại đến sức khỏe của người nghiện.

Bác sĩ Sái Tiểu Mỹ nói: “Chúng ta nên đối xử với họ như những bệnh nhân, chứ không phải những phạm nhân, bởi vì nhìn từ khía cạnh thực tế khoa học, họ là những người bệnh.”

Vấn đề mà nữ bác sĩ này cùng với một số đồng nghiệp của bà nêu ra là các giới chức thi hành công lực tại Trung Quốc vẫn muốn xem việc sử dụng ma túy là một vấn đề tội phạm.

Nhưng họ nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã áp dụng phương pháp cai nghiện ma túy bằng thuốc methadone cũng như phi hình sự hóa hành vi nghiện ngập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG