Đường dẫn truy cập

Võ sĩ quyền Anh gốc Việt "Bé Ðạt" Nguyễn thăng hạng


Những người hâm mộ tại đấu trường Houston Arena Theatre cảm thấy rất hào hứng khi chứng kiến đoàn múa lân hộ tống võ sĩ "Bé Đạt" Nguyễn thượng đài hôm 10 tháng 10 vừa qua. Tiếp đó Đạt Nguyễn đã thắng điểm tuyệt đối tay đấm nổi tiếng Andres Ledesma người Colombia trong trận quyền Anh chuyên nghiệp kéo dài 8 hiệp, để được nâng cao thứ bậc trong bảng xếp hạng của các tổ chức quyền Anh quốc tế, và tiến gần hơn đến giấc mơ tranh đai vô địch thế giới. Phóng viên Tấn Chương của đài VOA đã trò chuyện với Đạt Nguyễn về trường hợp thật hiếm hoi một người gốc Việt đã tiến xa trong lãnh vực quyền Anh chuyên nghiệp đầy gian nan này.

VOA: Trước hết xin chúc mừng chiến thắng của Đạt Nguyễn. Tên của một võ sĩ Việt Nam xuất hiện trên đấu trường quyền Anh chuyên nghiệp của Mỹ là chuyện rất hiếm. Xin Đạt Nguyễn vui lòng giới thiệu lại tên dùng khi thi đấu, và hạng tranh tài.

Ðạt Nguyễn: Tên khai sinh của em là Nguyễn Tiến Đạt, nhưng khi thi đấu thì người ta gọi em là Đạt "Bé Đạt" Nguyễn.

Hiện tại em đang đấu ở hạng cân 126 pound (57 kg), trong quyền Anh chuyên nghiệp gọi là hạng featherweight, tiếng Việt gọi là hạng lông.

VOA: Rất hiếm thấy, và hầu như là không có võ sĩ Việt Nam nào tiến sâu trên con đường quyền Anh chuyên nghiệp quốc tế như "Bé Đạt" Nguyễn. Duyên cớ nào đã đưa Đạt Nguyễn đến với môn thể thao này?

Ðạt Nguyễn: Lúc còn nhỏ em thích theo môn võ thuật. Khi tìm hiểu về môn quyền Anh thì em biết là rất ít người Việt Nam tham gia môn này, và chưa có người Việt Nam nào đạt đến cấp tranh tài môn quyền Anh ở Olympic. Do đó khi em theo học môn này, mong muốn cao nhất của em là được đại diện cho người Việt Nam có mặt trong đội tuyển quyền Anh Olympic, làm vinh danh cho nước mình.

VOA: "Bé Đạt" Nguyễn có thể cho biết giấc mơ Olympic đã thực hiện được đến đâu, và tại sao nay lại đang ở trong lãnh vực quyền Anh chuyên nghiệp?

Ðạt Nguyễn: Em tốt nghiệp trung học với bằng khen danh dự, cùng với thành tích huy chương đồng (hạng 3) trong cuộc tranh tài quyền Anh thiếu niên toàn nước Mỹ lúc em 15 hay 16 tuổi, nên đã được Đại học Northern Mchigan do Ủy ban Olympic Mỹ bảo trợ cấp học bổng toàn phần. Đó là vào năm 2001.

Theo học ở đại học này, mình có thể tiếp tục đấu quyền Anh bao lâu cũng được, miễn sao vẫn tiếp tục đi học và đạt số điểm theo quy định, và phải tiếp tục nằm trong nhóm 'top ten', tức là nhóm 10 võ sĩ hàng đầu của nước Mỹ.

Năm 2002, em tranh giải National Golden Gloves toàn quốc, và đứng thứ 2, thua Mickey Bey. Hội quyền Anh Mỹ xếp em hạng nhì trong năm 2002, và 2003.

Trong trận đấu với Mickey Bey ở giải vô địch Mỹ 2003, trận đấu được chấm điểm bằng máy vi tính, và máy đã cho kết quả huề. Sau đó các trọng tài (người) chấm điểm lại, và đã cho Mickey Bey thắng. Em rất bất mãn! Và chỉ có người vô địch là Mickey Bey được chọn vào đội tuyển quyền Anh Olympic đại diện cho Mỹ [tranh Olympic 2004].

Lúc đó em thấy rằng giấc mơ Olympic mà em đã bỏ hết khả năng và công sức vào đã không thành, mặc dù em biết rằng nếu đợi đến kỳ Olympic kế tiếp [2008], lúc đó em hai mươi mấy tuổi, có nhiều kinh nghiệm hơn, có thể đạt được hạng nhất để vào đội tuyển quyền Anh Olympic Mỹ, nhưng 4 năm nữa thì quá dài, nên năm 2004 em quyết định chuyển sang professional (chuyên nghiệp).

VOA: Trở lại trận đấu với Andres Ledesma ở Houston Arena Theatre, "Bé Đạt" Nguyễn đã đánh ngã đấu thủ nổi tiếng người Colombia này xuống ở ngay đầu trận đấu, nhưng tại sao đã không 'nốc-ao' được đối thủ?

Ðạt Nguyễn: Đáng lẽ ở hiệp 2 là em đã hạ anh ta 'out' (knock-out) rồi. Nhưng do sau khi đã đánh ngã anh ta, em quá hấp tấp nên anh ta đã chụp (ôm) em, và tranh thủ lấy lại hơi thở, và có được mấy giây để tập trung đầu óc lại (định thần). Em quá hấp tấp, sung sức, trong khi đối thủ rất là kinh nghiệp. Ở trận kế tiếp, nếu em hạ được đối thủ ngã xuống, thì em sẽ vẫn giữa bình tĩnh để có thể thấy sơ hở của đối thủ.

Một điều quan trọng là ông thầy chính của em, ông Buddy McGirt – cựu vô địch thế giới năm 98 – đã vắng mặt trong trận đánh của em, do phải đi kèm một học trò khác đấu ở Đức cùng đêm diễn ra trận đánh của em. Do em đã tập luyện đến mức ông thầy McGirt tự tin là em sẽ thắng nên ông đã nhờ một người bạn theo em trong trận đấu này. Do đó không có sự thông hiểu nhau giữa hai thầy trò. Chẳng hạn như khi em hạ ngã Ledesma xuống, em nhìn sang góc đài của mình, nhưng ông thầy mới không nhắc là phải thực hiện những 'đòn' gì kế tiếp để dứt điểm đối thủ, kết thúc trận đấu.

VOA: Tuy nhiên với trận thắng điểm tuyệt đối như vậy cũng đã là rất ấn tượng. [Thì] Sau trận thắng này, thứ bậc của "Bé Đạt" Nguyễn trong trong làng quyền Anh chuyên nghiệp thế giới sẽ thay đổi thế nào?

Ðạt Nguyễn: Sau khi hạ được một tay đấm có tên tuổi như vậy thì các tổ chức quyền Anh sẽ nâng bậc của em trên bảng xếp hạng của họ. Em hiện được xếp trong nhóm 'top 40' (40 tay đấm hàng đầu). Sau khi em hạ thêm các đối thủ mạnh hơn, thì thứ hạng của em được nâng lên cao hơn. Và khi tiến đến vị trí số một rồi, thì em có cơ hội tranh đai vô địch. Hoặc là người đang giữ đai vô địch có thể chọn đánh với em.

Nhà vô địch WBC trong hạng cân của em hiện nay là Elio Rojas, người Dominican, anh ta có thể chọn so găng với em. Tuy nhiên tên tuổi em chưa đủ lớn để đài HBO đồng ý mua trận đấu.

Em luôn mong muốn được tiến đến tranh đai vô địch thế giới. Em luôn luôn sẵn sàng, thế nhưng các nhà vô địch sẽ cân nhắc liệu có nên đấu với Đạt Nguyễn, một đối thủ tên tuổi không lớn, nhưng không thể coi thường, và nếu bị thua thì sao. Trừ khi có một đài truyền hình lớn nào đó đứng ra bảo trợ và treo giải rất cao.

VOA: Như vậy thì khi nào "Bé Đạt" Nguyễn sẽ đấu trận kế tiếp?

Ðạt Nguyễn: Nhà bảo trợ của em hiện đang dàn xếp một trận kế tiếp cho em, có thể sẽ có một trận vào tháng 12 này. Tuy nhiên sang tháng 2 hoặc tháng 3 năm tới, em có thể đi tranh đai vô địch Bắc Mỹ, gồm Mỹ, Canada và Mexico. Nếu đoạt được đai vô địch cấp châu lục đó, em sẽ được xếp vào nhóm 'top 15' của thế giới.

VOA: Trước khi "Bé Đạt" Nguyễn thượng đài, có một màn biểu diễn múa lân rất hào hứng, điều này khá lạ đối với các võ đài quyền Anh chuyên nghiệp ở Mỹ và quốc tế?

Ðạt Nguyễn: Trong hãng bảo trợ của em có anh Tuấn Trần, một người Việt Nam, làm phó chủ tịch. Có thể nói anh Tuấn là người Việt Nam đầu tiên trong ngành bảo trợ quyền Anh [ở Mỹ], và em là võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp người Việt Nam đầu tiên. Đây là một trường hợp rất hiếm, và đặc biệt, do đó trước mỗi trận đấu của em, anh Tuấn đều mướn đoàn múa lân biểu diễn để thể hiện văn hóa Việt Nam với khán giả các nước, đồng thời tạo nên một không khí đặc sắc, mới mẻ.

VOA: "Bé Đạt" Nguyễn có muốn nhắn gởi gì đến với thính giả của đài VOA, và đến những người Việt yêu thích quyền thuật không ạ?

Ðạt Nguyễn: Em rất mong muốn được nhiều người Việt Nam ủng hộ cho em hơn, động viên tinh thần cho em trong sự nghiệp quyền Anh. Trong những trận đánh kế tiếp, em mong có nhiều người Việt Nam đến ủng hộ em hơn, và loan báo thông tin của em đến cho các anh em khác. Càng nhiều người Việt Nam biết đến em, thì tên tuổi của em càng nổi, và từ đó giúp cho em tiến đến gần cơ hội được tranh đai vô địch thế giới hơn.

VOA: Cám ơn Đạt "Bé Đạt" Nguyễn đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn này, và chúc "Bé Đạt" Nguyễn thành công.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG