Đường dẫn truy cập

Tiền thưởng của giới lãnh đạo tài chính làm dân Mỹ phẫn nộ


Lương bổng và số tiền thưởng dành cho những nhân viên chấp hành của các công ty lớn tại Hoa Kỳ đang bị dư luận công kích. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết đáng chú ý về vấn đề này với Lan Phương sau đây.

Năm nay, những người được lãnh tiền an sinh xã hội ở Hoa Kỳ không được hưởng mức tăng hằng năm điều chỉnh theo vật giá vì giá sinh hoạt không tăng, và giữa lúc tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ vẫn cao trong khi nền kinh tế chỉ mới có dấu hiệu có thể hồi phục thì số tiền lương và tiền thưởng khổng lồ mà các nhân viên chấp hành của các công ty lớn được hưởng đã gây phẫn nộ trong dân chúng, nhất là những công ty năm ngoái nếu không được chính phủ dùng hàng tỉ đô la tiền thuế của dân để cứu nguy thì đã sụp đổ rồi.

Trong số những công ty trả tiền lương và tiền thưởng quá hậu hĩnh có 7 công ty lớn nằm trong số những công ty đã được chính phủ dành cho một số rất lớn trong tổng số hơn 700 tỉ đô la cứu nguy nền kinh tế hồi năm ngoái. Đó là các công ty American International Group, Citigroup, Bank of America, General Motors, Chrysler và GMC và Chrysler Financial.

Trước sự phẫn nộ của công chúng, chính quyền của Tổng thống Obama dự tính sẽ cắt giảm đáng kể lương bổng và tiền thưởng của những nhân viên chấp hành các công ty này.

Tổng thống cho biết sẽ yêu cầu quốc hội chấp thuận thêm những luật lệ về vấn đề lương bổng của các giới chức chấp hành các công ty lớn.

Tổng thống Obama nói rằng còn nhiều việc cần phải làm, và đó là lý do tại sao ông khuyến nghị Thượng viện thông qua dự luật cho các cổ đông của các công ty tiếng nói trong việc quyết định về lương bổng cho các giới chức chấp hành. Ông cũng khuyến nghị Quốc hội tiếp tục xúc tiến công cuộc cải tổ tài chính để giúp ngăn ngừa cuộc khủng hoảng như chúng ta đã chứng kiến vào mùa thu năm ngoái khỏi tái diễn.

Ðược biết, kế hoạch cắt giảm do ông Kenneth Feinberg triển khai. Ông là chuyên gia của bộ Tài chính đặc trách về vấn đề lương và bổng lộc của các nhân viên chấp hành những công ty nhận tiền cứu nguy của chính phủ. 25 nhân vật cao cấp nhất của 7 công ty lớn nhất sẽ bị cắt đến 90% so với lương bổng của họ trong năm ngoái.

Theo dự kiến, ông Feinberg sẽ loan báo kế hoạch về lương bổng và tiền thưởng cho các nhân viên chấp hành của các công ty đó vào hạn chót là 30 tháng 10. Cũng theo kế hoạch này, các nhân viên chấp hành phải nộp đơn xin chấp thuận rồi mới được chi bất cứ khoản tiền nào trên 25 ngàn đô la, giả dụ như sử dụng xe hay các phi cơ riêng của công ty.

Hôm chủ nhật tuần trước, Chủ tich Ủy Ban đặc trách về lãnh vực Ngân hàng của Thượng viện, Thượng nghị sỹ Christopher Dodd có nói trên đài truyền hình rằng “Những công ty tham gia vào thị trường chứng khoán tại Wall Street này cần hiểu rằng những gì họ làm để cung ứng cho nhân viên chấp hành của họ số bổng lộc như vậy, nhất là khi họ đã nhận quá nhiều tiền cứu nguy của chính phủ là điều quá đáng gây bất bình trong dân chúng".

Kể từ khi được bổ nhiệm tháng 6 vừa qua vào chức vụ theo dõi lương bổng và tiền thưởng của các giám đốc chấp hành những công ty nhận tiền cứu nguy của chính phủ, ông Kenneth Feinberg đã bỏ ra nhiều tháng trời thương lượng với các công ty khi ông tìm cách cân bằng những bất bình của dư luận với mối lo ngại của các công ty là nếu hạn chế gắt gao lương bổng của giới chấp hành sẽ khiến họ bỏ công ty mà đi.

Theo một đạo luật được chấp thuận trước đây trong năm, Bộ Tài chính được chỉ thị xem xét lương bổng và tiền thưởng của 5 nhân viên chấp hành cao cấp nhất và 20 nhân viên được trả lương cao nhất tại các công ty nhận nhhững số tiền cứu nguy quá to lớn của chính phủ.

Sau những tháng thương lượng, ông Feinberg đã nhận được kết quả đáng kể tại nhiều công ty. Một trong những thành quả này diễn ra tại Bank of America., Ông Kenneth D. Lewis, Tổng giám đốc, vừa từ chức, đã chấp nhận không lãnh lương và tiền thưởng của năm 2009 (Nhưng ông sẽ nhận được khoản tiền hưu là 53 triệu 200 ngàn đô la, mặc dù ông Feinberg có thể sẽ ra khuyến cáo bằng sức nặng chính trị, để thách thức lại khoản tiền to lớn này.) Và vì lo ngại bị dư luận chống đối mạnh khi khoản lương bổng và tiền thưởng 100 triệu đô la trả vào năm ngoái cho ông Andrew J. Hall, người đứng đầu đơn vị giao dịch thương phẩm, 2 tuần trước đây công ty Citigroup đành phải bán đơn vị này cho công ty Occidental Petroleum.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG