Đường dẫn truy cập

Người Mỹ gốc Cuba biểu tình ủng hộ chính phủ Honduras


Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Honduras đang được những người Mỹ gốc Cuba tại Miami chú ý theo dõi. Đây là nhóm rất quan ngại về sự xuất hiện tràn lan của các chính phủ thiên tả trong khối châu Mỹ La tinh. Phái viên Brian Wagner của VOA tường trình từ Miami rằng những người gốc Cuba xa xứ ủng hộ chính phủ lâm thời hiện tại Honduras, cho dù Washington hậu thuẫn cho Tổng thống Honduras bị lật đổ.

Quyên góp thực phẩm và thuốc men là một phương cách thông thường để những người Mỹ gốc Cuba hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân đảo quốc Cuba. Các nhà lãnh đạo cộng đồng nói rằng tặng những mặt hàng cơ bản như sữa bột và thuốc aspirin, những thứ có thể rất hiếm hoi tại Cuba, đã giúp rất nhiều cho những gia đình Cuba phải vất vả sống còn dưới chế độ Cộng sản.

Tuy nhiên, một chương trình quyên góp khác đang chú tâm vào một cộng đồng khác.

Bà Silvia Iriondo, chủ tịch nhóm những Bà mẹ và Phụ nữ Chống Áp bức tại Cuba, nói rằng nhóm của bà muốn giúp Honduras khỏi phải chịu chung số phận như Cuba, và rằng họ cũng muốn tìm cách bảo vệ nền dân chủ tại châu Mỹ La tinh.

Bà Iriondo và những nhà tranh đấu người Mỹ gốc Cuba khác đang quyên góp thực phẩm, thuốc men và tiền bạc để giúp đỡ người Honduras, và bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ lâm thời nước này.

Ban tổ chức quyên góp nói rằng nhiều người dân Honduras đã bị ảnh hưởng tai hại từ khi các tổ chức viện trợ nước ngoài ngưng giúp đỡ họ để đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống thiên tả Manuel Zelaya bị lật đổ từ hồi tháng 6.

Được biết Hoa Kỳ đã phong tỏa hơn 30 triệu đô la viện trợ cho Honduras, và nói rằng họ sẽ còn giữ lại tới 200 triệu đô la trừ phi ông Zelaya được phục chức.

Các vị lãnh đạo người Mỹ gốc Cuba đồng ý với những người ủng hộ chính phủ lâm thời, họ cho rằng ông Zelaya đã tìm cách bám víu vào chức vị nhằm đặt để một chế độ xã hội tại Honduras.

Bác sĩ Armando Quirantes người Mỹ gốc Cuba cũng đang giúp đỡ việc tổ chức quyên góp hỗ trợ Honduras. Bác sĩ Quirantes nói rằng điều vừa kể cũng đang xảy ra tại Venezuela và Ecuador, và dân Nicaragua cũng đang tranh đấu để ngăn chặn cánh tả lên nắm quyền tại đó.

Ông Quirantes trưng dẫn những tin tức nói rằng Venezuela và các nhà lãnh đạo thiên tả khác đã phái lính đánh thuê tới Honduras, để phá hoại chính phủ hiện tại của Tổng thống Roberto Micheletti.

Ông Micheletti đã đưa ra những tuyên bố tương tự về những người ông cho rằng đang gây rối trong nước và ngoài nước, để biện minh cho quyết định ngưng một số quyền công dân.

Một số người Honduras nói rằng những lo ngại về sự can thiệp của nước ngoài bắt đầu từ nhiệm kỳ của ông Zelaya.

Doanh nhân kinh doanh tại thành phố Miami, ông Gerardo Padilla, nói rằng nhiều người lo ngại về những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của ông Zelaya . Ông Padilla nói rằng nhiều người trong nước này lo sợ Honduras sẽ trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa, nhất là sau khi ông Zelaya đọc bài diễn văn nói rằng các nhà giáo Cuba và Venezuela sẽ tới nước này để dạy cho các trẻ em ý nghĩa của thuật ngữ ‘chủ nghĩa xã hội’.

Đối với một số người, cuộc khủng hoảng ở Honduras gợi cho người ta nhớ lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi Hoa Kỳ và đồng minh đối đầu với sự lan tràn của các nhóm cánh tả ở Trung Mỹ.

Ông Larry Birns, Giám đốc viện nghiên cứu có tên Hội đồng các Vấn đề về Tây Bán cầu có trụ sở ở Washington, nói rằng: "Micheletti thực sự cảm thấy rằng ông là người gác cổng, và rằng ông là người đại diện cho các giá trị phương Tây."

Tuy nhiên, ông Birns nói rằng chiến lược đó của ông Micheletti đã thất bại bởi vì các chính phủ có khuynh hướng tự do và bảo thủ khắp Tây bán cầu đã nhất loạt ủng hộ tổng thống bị lật đổ Zelaya.

Dẫu vậy, một số giới chức ở Washington đã vươn tay ủng hộ ông Micheletti. Nhà lãnh đạo lâm thời đã đón tiếp một số các nhà lập pháp Cộng hòa, trong số đó có những người chỉ trích gay gắt Cuba và Venezuela. Sau một chuyến thăm gần đây tới Tegucigalpa, Dân biểu Ileana Roslehtinen, đại diện Miami, kêu gọi Tổng thống Barack Obama xem xét lại chính sách đối với cuộc khủng hoảng.

Không có gì ngạc nhiên khi phe bảo thủ và Tổng thống Obama bất đồng về cuộc khủng hoảng ở Honduras. Đó là nhận định của bà Vicki Gass thuộc tổ chức phi lợi nhuận có tên Văn phòng Washington về châu Mỹ La tinh. Nhưng bà quan ngại rằng quan điểm của phe Cộng hòa bị chi phối bởi chính trị ở Washington hơn là mối quan ngại thực sự về Honduras.

Bà Gass nói rằng: ‘Vấn đề là ông Obama và chính sách đa phương hóa và đối ngoại của ông. Họ, tức những người Cộng hòa, muốn tìm bất cứ lý do gì để công kích ông."

Ông Obama và nhiều chính phủ châu Âu cảnh báo rằng họ sẽ không công nhận cuộc bầu cử vào tháng 11 tới tại Honduras nếu chính phủ tạm quyền vẫn còn tại vị.

Thay vì nỗ lực hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, ông Ros-Lehtinen nói rằng chính sách của Mỹ đe dọa tới cuộc bầu cử.

Những nhà đàm phán của ông Zelaya và Micheletti đã gặp nhau trong hơn hai tuần, nhưng chưa đạt được một thỏa thuận về việc ai sẽ đứng lên tổ chức cuộc bầu cử sắp tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG