Đường dẫn truy cập

Tháng Mười và người Hoa vùng Vịnh San Francisco


Sống tại Vùng Vịnh San Francisco, California. Đã dạy học ở ba châu lục và còn tiếp tục đứng trên bục giảng. Thích du lịch, quan sát các nền văn hoá và thăm bảo tàng. Thường viết ký và bình luận thời sự.

Hai tuần trước ở San Francisco có lễ hội của người Ý và của người Hoa cùng tổ chức trong một cuối tuần. Phần tin sinh hoạt cộng đồng trên báo Anh ngữ cho biết cộng đồng gốc Ý ăn mừng ngày Columbus, người đã đặt chân lên đất Mỹ hơn 500 năm trước đây. Còn người gốc Hoa có lễ hội chỉ gọi là “Chinese Celebration”. Nhưng tôi biết đó là ngày người gốc Đài Loan mừng Quốc khánh Song Thập, 10.10.

Người Hoa là cộng đồng di dân châu Á có mặt lâu đời nhất ở Mỹ, kể từ những năm của thập niên 1840, khi họ đến đây tìm vàng hay làm công nhân xây dựng đường xe hoả. Người Hoa có mặt tại Hoa Kỳ cả thế kỉ trước mốc thời gian tháng 10.1949, khi Trung Hoa Quốc dân đảng bị Trung Hoa Cộng sản đảng đánh đuổi phải chạy ra Đài Loan. Không rõ trước cuộc cách mạng chuyên chính vô sản do Mao khởi xướng, người Hoa sinh sống ở Mỹ có những quan điểm chính trị ra sao, nhưng từ sau ngày 1.10.1949 nhiều người Hoa sống trong vùng Vịnh San Francisco đã bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách rõ ràng là không ủng hộ chế độ cộng sản ở Trung Hoa lục điạ. Hiện tượng treo cờ Đài Loan phản ánh điều đó.

Tôi sống ở vùng Vịnh San Francisco từ năm 1975. Thời sinh viên cũng như bây giờ vẫn thường qua Chinatown ăn mì, điểm sấm. Bạn từ xa ghé chơi cũng muốn chúng tôi đưa đi tham quan Phố Tàu nổi tiếng ở đây, vì thế nhiều ngõ ngách của Phố Tầu đã trở nên quen thuộc với tôi.

Trong khoảng hơn 10 năm từ 1975 tôi chỉ thấy cờ Đài Loan bay ở Chinatown. Chưa bao giờ thấy bóng cờ đỏ, kể cả nhiều năm sau khi Hoa Kỳ quyết định thừa nhận chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tức Trung Hoa lục điạ, là đại diện chính thức cho nước Trung Hoa và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cộng hoà Trung Hoa, tức Đài Loan, vào đầu năm 1979.

Tuy Hoa Kỳ và Trung Hoa đã mở ra những quan hệ ngoại giao và trao đổi nhiều mặt, nhưng khi quan chức Trung Hoa đến thăm Mỹ thì cũng thường gặp biểu tình phản đối. Trước đây người Hoa trong vùng còn biểu tình phản đối những chương trình phô diễn văn hoá đến từ Trung Hoa và nay thì không. Nhưng nhiều người lại tham gia biểu tình chống Đuốc Thế vận Bắc Kinh vào năm ngoái.

Cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch là người lãnh đạo Đài Loan trong hơn hai thập niên kể từ khi chạy qua đảo này vào năm 1949, khi chết để lại di chúc với ước muốn được chôn trong thế nhìn về hướng đông để tiếp tục ước mơ lấy lại Trung Hoa từ tay cộng sản. Ảnh hưởng của ông và mơ ước đó ngày nay đang mờ nhạt trong chính trường Đài Loan. Phi trường quốc tế ở Đài Bắc, trước đây mang tên họ Tưởng, vị khai sáng nền Cộng hoà Trung Hoa, nhưng đã được đổi tên thành phi trường Đào Viên từ nhiều năm qua.

Từ gần hai thập niên qua, trong cộng đồng người Hoa vùng Vịnh San Francisco đã có những biểu lộ công khai ủng hộ Trung Hoa, phần vì quan hệ Hoa-Trung ngày càng phát triển, nhất là về giao thương, phần vì tại Đài Loan Quốc dân đảng không còn độc quyền lãnh đạo và trong giới cầm quyền ở Đài Loan hiện nay cũng có nhiều người muốn phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Hoa. Ở đây những lễ hội mừng Quốc khánh 1.10 (Trung Hoa) và Quốc khánh 10.10 (Đài Loan) đã được tổ chức, nhiều khi tại cùng một nhà hàng như ở Oakland và chỉ cách nhau một tuần. Ngoài phố, cờ Trung Hoa bay phất phới cạnh cờ Đài Loan.

Giữa Phố Tàu Oakland, vào thập niên trước hai bên đều treo biểu ngữ mừng ngày Quốc khánh, theo thứ tự thời gian trước sau. Nhưng dăm năm gần đây chỉ còn thấy biểu ngữ mừng ngày 1.10. Không biết có phải từ khi không còn ông nghị viên gốc Đài Loan trong hội đồng thành phố thì người Hoa gốc Đài Loan ở Oakland cũng thôi giăng biểu ngữ mừng quốc khánh chăng? Tuy không còn biểu ngữ mừng ngày Song Thập, nhưng trên nóc trụ sở của Quốc dân đảng chi bộ Oakland lúc nào cũng có cờ Đài Loan phất phới bay.

Thành phố San Francisco có Lãnh Sự quán Trung Hoa là đại diện ngoại giao từ nhiều năm qua. Nhưng cơ sở đại diện thương mại của Đài Loan vẫn còn đó và là văn phòng ngoại giao bán chính thức cho hải đảo này, dù Hoa Kỳ đã cắt đứt liên lạc ngoại giao và không thừa nhận vùng đất này từ 30 năm qua. Nhưng về giao dịch thương mại Đài Loan vẫn là một đối tác quan trọng của Mỹ trong vùng Đông Á.

Người Hoa thuộc các khuynh hướng khác nhau luôn tìm cách tạo ảnh hưởng chính trị tại các thành phố trong vùng. Năm 1994, để kỉ niệm 5 năm biến cố Thiên An Môn, một tượng Nữ thần Dân chủ đã được dựng lên giữa Phố Tàu San Francisco. Năm ngoái Phòng Thương mại San Francisco đã không cho Pháp Luân công tham dự diễn hành mừng Tết âm lịch với lí do đoàn viên của pháp môn này đã dùng sinh hoạt văn hoá cho mục tiêu chính trị.

Vùng Vịnh San Francisco ngày nay có nhiều sinh hoạt văn hoá nằm trong chương trình trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa và không còn có ai biểu tình phản đối. Tuy nhiên khi những quan chức nhà nước đến tham quan thì thường gặp biểu tình, như một đoàn đại biểu thành phố kết nghĩa với Oakland ghé thăm cách đây ít năm đã bị một số người biểu tình trước toà thị chính tố cáo họ tham nhũng, đàn áp dân chúng.

Quan chức cấp tỉnh thành của Trung Hoa thỉnh thoảng có ghé thăm vùng đất nơi có đông đồng hương sinh sống nhất.

Nhưng lãnh đạo Trung Hoa, từ Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang đến Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào thì chẳng mấy khi. Tại sao vậy?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG