Đường dẫn truy cập

Sản xuất lương thực biến đổi gen để giải quyết nạn đói


Hàn lâm viện khoa học quốc gia Anh đang kêu gọi tiến hành những chương trình nghiên cứu trị giá hàng tỉ đô la về an ninh lương thực. Hiệp hội Hoàng gia Anh cho biết những loại cây trồng biến đổi gen sẽ là một công cụ chính yếu để nuôi sống thế giới vào năm 2050. Tuy nhiên những nhà hoạt động lại bác bỏ đề nghị này vì cho rằng các loại lương thực biến đổi gen sẽ hủy hoại cuộc sống của những nông gia nhỏ lẻ. Thông Tín Viên Selah Hennessy tường trình từ London:

Hiệp hội Hoàng gia Anh đã công bố một phúc trình tìm hiểu làm thế nào khoa học và công nghệ có thể sử dụng để chống lại nạn thiếu hụt lương thực có thể xảy ra trên thế giới vào năm 2050.

Ông Jules Pretty, một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Hoàng gia cho biết nhóm nghiên cứu đang chú trọng đến một số các thay đổi có thể xảy ra trong những thập niên tới như biến đổi khí hậu, dân số trên thế giới gia tăng đáng kể và những khuynh hướng tiêu thụ mới.

Ông Pretty giải thích: “Khi kết hợp những thay đổi này lại, chúng ta sẽ cần đến thêm 50% hay có thể đến 100% lương thực được sản xuất từ đất đai hiện có của chúng ta và đây là một thách đố lớn và chúng tôi tin rằng chúng ta cần phải nghĩ đến việc này một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ.”

Hiệp hội Hoàng gia cho biết là nông dân sẽ phải trồng các loại cây trồng khác nhau để tăng tiến thời vụ nhằm đáp ứng được nhu cầu về lương thực ngày càng tăng, bằng cách lai giống các loại cây truyền thống cũng như các loại cây được biến đổi gen trực tiếp.

Ông Pretty nói Hiệp hội Hoàng gia không hỗ trợ hoàn toàn các loại lương thực biến đổi gen nhưng cho rằng loại lương thực này cần được xem xét trên căn bản từng trường hợp một.

Ông cho biết là các loại cây lương thực biến đổi gen có thể được tạo nên để kháng sâu bệnh, và có thể có ảnh hưởng tốt đến môi trường.

Ông nêu lên trường hợp một loại bệnh thường thấy ở khoai tây có thể hủy hoại mùa màng: “Hiện nay thông thường các nông dân thường phun 12 lần loại thuốc chống nấm mốc trong mỗi mùa vụ khoai tây. Điều này có nghĩa là nông dân phải lái xe phun thuốc qua lại vườn khoai tây 12 lần và sử dụng một số lớn thuốc trừ nấm mốc. Nếu loại khoai tây biến đổi gen được sử dụng và có kết quả thì ảnh hưởng đến môi trường sẽ ít đi vì ít cần tới các chất hóa học và xăng dầu tiêu thụ cũng giảm đi.”

Tuy nhiên Anh và nhiều quốc gia châu Âu chống lại các loại cây lương thực biến đổi gen.

Bà Kirtina Chandrasekaran thuộc tổ chức Bạn của Trái đất cho biết là một cuộc nghiên cứu khoa học kéo dài 4 năm do Ngân hàng Thế giới khởi xướng cho thấy là các loại lương thực biến đổi gen đóng vai trò rất nhỏ trong việc cung cấp lương thực cho người nghèo trên diện rộng.

Bà Chandrasekaran nói là lương thực biến đổi gen rất đắt tiền và bằng sáng chế cũng được bán với giá cao. Điều này có nghĩa là công nghiệp này do các công ty đa quốc gia chiếm lĩnh.

Bà Chandrasekaran nói: “Bạn có thể thấy những bằng chứng hiển nhiên về ảnh hưởng rộng lớn về xã hội tại Nam Mỹ. Có đến 90 ngàn nông dân tại Paraguay phải di dời khỏi đất đai của họ vì việc độc canh những loại cây lương thực biến đổi gen. Sự nghèo khó tại khu vực thành thị gia tăng, an ninh lương thực giảm sút một cách trầm trọng tại các nước miền Nam châu Mỹ La tinh trong thập niên qua.”

Bà Chandrasekaran nói thêm là phần lớn châu Phi chống lại các loại cây lương thực biến đổi gen vì không có lợi cho các nông dân nghèo.

Liên Hiệp Quốc tiên đoán là dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỉ người vào năm 2050.

Hiệp hội Hoàng gia kêu gọi chính phủ Anh đóng góp khoảng 3 tỉ đô la để tài trợ cho những cuộc nghiên cứu khoa học có thể tăng tiến mùa màng cũng như quản trị bền vững các mùa vụ.

Những lực lượng chống lại các loại cây lương thực biến đổi gen tại Anh đã thành công trong việc tiêu hủy nhiều cánh đồng thử trồng các loại cây lương thực biến đổi gen. Chiến dịch của họ đã khiến cho một số khoa học gia từ bỏ các cuộc nghiên cứu cây lương thực biến đổi gen và một số khoa học gia khác kêu gọi chính phủ Anh thực hiện những cuộc nghiên cứu tại những nơi bí mật hay an toàn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG