Đường dẫn truy cập

Lời ngỏ của Hoàng Ngọc Thư


Có thời làm nghiên cứu Vật Lý Thiên Văn, hiện làm nhà giáo dạy Toán và Vật lý ở Adelaide, Nam Úc. Đã cộng tác với các báo in như Hợp Lưu, Văn Học; và báo mạng như Tiềnvệ, Damàu, Talawas, cùng một số tạp chí văn chương khác. Đã xuất bản tập truyện ngắn "Người đi tìm bóng tối" do nhà sách Bách Việt và NXB Hội Nhà Văn phát hành năm 2006.

Cuối tháng Sáu năm 2009, tôi nhận được thư anh Nguyễn Xuân Hoàng mời tôi viết bài về các vấn đề liên quan đến văn chương để đóng góp với trang mạng “Nguyễn Xuân Hoàng và bạn hữu” do đài VOA tổ chức.

Tôi nhận lời với anh ngay, vì tôi nghĩ tôi có thể chia sẻ cảm tưởng của tôi về những vấn đề liên quan đến văn chương với các bạn đọc, như một người yêu văn thơ và một người sáng tác. Tôi dự định sẽ lần lượt viết bài về những vấn đề tôi quan tâm đến, như: “Chính trị trong văn chương và tội ác của những ý nghĩ”, “Mặt trái của văn chương và các sinh hoạt nghệ thuật khác”, “Viết văn: tự do và tù đày trong tư tưởng”, hoặc như anh Hoàng đã đề nghị tôi viết: “Văn chương Việt Nam ở hải ngoại sẽ đi về đâu?”

Tôi cũng có nghĩ đến việc chia sẻ với các bạn đọc những điều gần gũi với tôi hơn, như cảm xúc riêng tư trong “Mối tình thầm lặng” của tôi, đến những đề tài mà tôi rất yêu thích như: “Thế giới trong truyện của Salman Rushdie”, “Dịch truyện của Salman Rushdie: một việc gian nan”, “Nhạc truyện”, “Tranh của Isaac Levitan: thơ trong khung vải” (Isaac Levitan người là họa sĩ đầu tiên – và số một mà tôi say mê từ thời còn bé, nhiều bức tranh của ông đã thúc đẩy cho tôi làm thơ), hoặc “Thơ và nhạc trong tranh, hay là tranh và nhạc trong thơ” v.v…và v.v…

Nhưng, trò chuyện và bàn thảo về bất cứ vấn đề gì với người trong nhà và bạn bè thì dễ, mà viết thành bài văn chỉnh tề, đầy đủ, chu đáo thì khó. Cái khó ở đây bao gồm nhiều phương diện, mà hai điều quan trọng hơn cả là, thứ nhất: người viết cần phải có thời gian và không gian để có thể viết lách mà không bị làm gián đoạn; mà đối với tôi, cũng như hầu hết những người đã có gia đình và làm việc chuyên môn không có liên quan gì đến văn chương, tìm được thì giờ và một chỗ yên tĩnh để viết là một điều khó.

Thứ hai: trong lúc trao đổi, bàn thảo với người thân, tôi không cần phải cân nhắc, đắn đo quá kỹ, nếu chẳng may mà có sự bất đồng ý kiến, hoặc có ai suy diễn ý kiến của tôi một cách lệch lạc; tôi có cơ hội ngay lúc ấy để trình bày, giải thích quan điểm của mình, và nếu cần, tôi sẽ tìm cách để hòa giải và mọi việc sẽ dừng lại ở đó. Nhưng với các bài cảm tưởng hoặc bình luận mở rộng cho mọi người cùng đọc: không ít lần tôi thấy có những cuộc bút chiến kéo dài, với các bài viết ngày một tàn khốc và đẫm máu (ở nghĩa bóng – nhưng không kém đau đớn cho những người trong cuộc), mà kết cuộc thì không ai được gì cả, ngoài những thương tổn nặng nề và ảnh hưởng của chúng có thể còn đọng lại lâu dài.

Văn chương (và các mặt nghệ thuật khác) đối với tôi gần như là một tôn giáo: đó là nơi tôi đi tìm chốn tươi đẹp, bình yên, là nguồn ánh sáng trong cuộc sống đôi khi có những khoảng tối, và là nguồn năng lượng cho mỗi người say mê thưởng thức, hoặc sáng tạo nghệ thuật. Và tôi tin rằng, khi đã bước vào thế giới văn chương (và những nghệ thuật khác) con người hoàn toàn được tự do diễn đạt tài năng, cá tính, sở thích của mình, và được sống thật với chính mình; mà đôi khi chỉ vì được “sống” (dù chỉ ngắn ngủi) trong thế giới ấy, chúng ta có cảm giác như được nhích lại gần hơn với những giấc mơ mà mình không thể tìm được trong đời sống này.

Ở một mức độ cao hơn, tôi cũng tin rằng văn chương và những nghệ thuật khác có thể giúp con người sống tốt đẹp, thánh thiện hơn. (Có thể nhìn điều này qua góc độ xã hội: người có tính đam mê có nhiều cơ hội tìm được cuộc sống tinh thần tốt đẹp hơn nếu họ đam mê nghệ thuật, thay vì say mê những thú giải trí khác có thể gây tổn hại đến bản thân và xã hội – tôi xin được viết thêm về điều này vào một dịp khác, thích hợp hơn).

Lý do tôi thấy cần phải chia sẻ với các bạn đọc quan điểm của tôi về văn chương và nghệ thuật trước khi đóng góp những bài viết về các đề tài khác là vì thế này: việc viết lách, cho dù là viết blog, viết thư, hay sáng tác văn thơ đều mất thì giờ, nên tôi cần phải biết chắc rằng những bài viết của tôi cho dù không có ích lợi cho ai, ít nhất chúng cũng không có tác dụng ngược lại với điều tôi tin tưởng: văn chương phải là một động lực tốt, hay tối thiểu cũng là một thú giải trí trong sáng, lành mạnh cho mọi người, chứ không phải là nguồn gốc của những va chạm, tranh chấp, chia rẽ.

Với ý định này, tôi xin được chia sẻ cùng các bạn đọc cảm tưởng của riêng tôi về những vấn đề tôi yêu thích mà có liên quan đến văn chương, với hy vọng rằng tôi có thể đóng góp một chút sắc màu vào thế giới muôn hình muôn vẻ trong ý tưởng của những người yêu văn thơ. Và tôi cũng xin được im lặng, không tham gia các cuộc tranh chấp nếu không may những bài viết của tôi đã vô tình khơi nguồn, hoặc ý tưởng của tôi bị người khác ngộ nhận hay suy diễn lệch lạc. Tôi chọn hướng đi này để bảo toàn hòa khí giữa những người yêu văn thơ; và nhất là giữ lại được cho riêng tôi thế giới yên bình, thuần khiết và đầy phép lạ mà tôi say mê, được gọi chung là văn chương và nghệ thuật.

Adelaide 6/10/2009
Hoàng Ngọc Thư

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG