Đường dẫn truy cập

Phá giá hay không phá giá đồng VND


Phá giá hay không phá giá đồng VND
Phá giá hay không phá giá đồng VND

Tuần trước, tờ Reuters UK của Anh vừa có bài điểm (feature article) về tình hình thị trường tiền tệ ở Việt Nam với tựa đề “Tình trạng yếu kém kinh niên của đồng tiền Việt đang ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp”. Bài này nêu ra tình trạng khan hiếm USD ở Việt Nam, tình trạng chợ ngoại tệ “đen”, và nguy cơ đồng VND sẽ bị phá giá.

Giải thích sự khan hiếm ngoại tệ, John Ruwitch – tác giả bài báo - cho rằng lý do cốt yếu nhất là tâm lý. Các nhà xuất khẩu từ đầu năm tới nay vẫn ngồi trên đống doanh thu USD chờ cho đồng VND xuống giá trong khi các hộ gia đình thì tìm cách chuyển các khoản tiết kiệm của mình sang USD hoặc vàng.

Vấn đề nằm ở chỗ tại sao các nhà xuất khẩu và các hộ gia đình lại tích trữ USD và vàng thay vì VND? John Ruwitch trích lời của Benedict Bingham, đại diện IMF ở Việt Nam, cho rằng một phần lý do nằm ở chỗ lãi suất của tiền đồng đã xuống thấp trong năm qua.

Dĩ nhiên đây là một lý do, thế nhưng lãi xuất tiền VND vẫn còn cao hơn nhiều so với lãi xuất USD. Vì thế người giữ VND chỉ bị thiệt khi USD lên giá nhiều tới mức lãi suất USD và mức tăng giá USD cộng lại cao hơn lãi xuất của VND.

Nguồn: Nguyễn Trần Phúc – Nguyễn Đức Thọ

Chính vì thế mà câu trả lời của Benedict Bingham còn xa mới hoàn chỉnh. Nó vẫn dựa trên giả định rằng thị trường (mà cụ thể là các nhà xuất khẩu và các hộ gia đình) vẫn cho rằng VND sẽ phải giảm giá. Vấn đề là tại sao thị trường lại có kỳ vọng như vậy?

Câu trả lời hơi kỹ thuật (wonkish) một chút: Kể từ đầu thập kỷ 90 trở lại đây, NHNN liên tục áp dụng chế độ tỉ giá neo – có nghĩa là quy định một tỉ giá VND/USD chính thức và một biên độ giao động nhất định. Biên độ giao động này thường là nhỏ (khoảng 1% tới 2%) trừ giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á hồi năm 1997-1999 và giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu (2008 tới nay).

Tỉ giá chính thức của VND với USD thi thoảng lại được NHNN điều chỉnh lại. Trong suốt gần 20 năm qua, các lần điều chỉnh này đều theo hướng phá giá VND cho gần với giá thị trường chợ đen. Tỉ giá danh nghĩa của VND so với USD vì thế liên tục tăng. Nếu như hồi năm 1992 tỉ giá VND với USD là khoảng 10.000 VND ăn một USD thì hiện nay tỉ giá mới là khoảng 18.000 VND ăn một USD. Tức là về mặt danh nghĩa, VND mất giá khoảng 80% so với USD trong vòng 17 năm qua.

Thế nhưng trên thực tế thì mức tăng này còn chưa đủ nhanh nếu tính lạm phát tương đối giữa VND và các ngoại tệ của các đối tác thương mại của VN. Lạm phát ở Việt Nam trong nhiều giai đoạn là cao hơn so với lạm phát ở các nước đối tác thương mại. Nếu giữ nguyên các yếu tố khác thì riêng chuyện lạm phát của Việt Nam cao hơn sẽ phải dẫn tới chuyện giá trị của VND thấp đi.

Giới phân tích kinh tế thường tìm cách đưa lạm phát tương đối vào phép tính tỉ giá. Thước đo mà họ dùng được gọi là “Real Effective Exchange Rate” (REER) – tạm gọi là “tỉ giá hối đoái thực tế tổng hợp” (có chữ “tổng hợp” ví nó là tỉ giá của VND với một nhóm các đơn vị tiền tệ của các nước đối tác thương mại chứ không chỉ riêng một loại ngoại tệ nào). Nghiên cứu của Nguyễn Trần Phúc – Nguyễn Đức Thọ có đề cập tới vấn đề này.

Hai ông đã tìm cách tính tỉ giá hối đoái thực tế tổng hợp (REER) và tỉ giá hối đoái danh nghĩa tổng hợp (NEER). NEER là chỉ số hối đoái tổng hợp không tính đến lạm phát còn REER là chỉ số hối đoái tổng hợp có tính đến lạm phát. Để làm các phép tính này, Nguyễn Trần Phúc – Nguyễn Đức Thọ sử dụng chỉ số ngược (thí dụ USD/VND thay vì VND/USD). Theo cách tính ngược này, nếu REER tăng có nghĩa là VND lên giá và ngược lại.

Kết quả mà hai ông này tính được cũng tương đối gần với kết quả mà IMF công bố. Theo các nguồn này thì sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát tương đối, VND trên thực tế đã tăng giá nếu so mức năm 2007 với mức năm 1992. Xu hướng tăng của REER đặc biệt rõ giữa các năm 2004 tới 2007 (xem hình).

Nguồn: Nguyễn Trần Phúc – Nguyễn Đức Thọ

Điều này phản ánh một thực tế là VND cần phải được phá giá. Tin hay không, kỳ vọng của thị trường về nhu cầu phải phá giá VND có vẻ như ăn khớp với các phân tích của giới kỹ thuật. John Ruwitch vì thế có lẽ đã phạm sai lầm khi cho rằng người dân và các nhà xuất khẩu tích trữ USD là vì yếu tố “tâm lý”.

Đương nhiên cần phải chỉ ra ở đây là tính toán của Nguyễn Trần Phúc – Nguyễn Đức Thọ chỉ tới hết năm 2007 trong khi John Ruwitch viết về những gì đang diễn ra trong năm 2009. Vì thế, có lẽ muốn chê John Ruwitch thì cũng cần phải cập nhật các phép tính của cặp Phúc – Thọ ở trên với các số liệu vĩ mô của năm 2009.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG