Đường dẫn truy cập

Kinh tế VN hồi phục thúc đẩy đầu tư nước ngoài


Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau cơn suy thoái tài chính toàn cầu được đánh dấu bằng những khoản chi tiêu lớn của chính phủ. Phần lớn các khoản này được dành cho cơ sở hạ tầng. Nhưng theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben thì các kinh tế gia cho rằng mối quan tâm hiện nay là chính phủ có bảo đảm được là tình trạng hồi phục sẽ tiếp tục kéo dài qua năm 2010 hay không.

Theo dự kiến, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức trên 6% vào năm 2010.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc khu vực của Ngân hàng Phát triển Á châu ADB đặc trách về Việt Nam, cho rằng sự thành công của nhà nước trong việc ổn định hóa nền kinh tế chủ yếu dựa vào một kế hoạch kích hoạt trị giá 8 tỷ rưỡi đôla.

Ông Konishi nói: “Điều tốt là kế hoạch kích hoạt kinh tế của nhà nước đã vận hành khá tốt. Nhiều hoạt động kinh tế đang trở lại – một số nhà máy đã sa thải công nhân trước đây đang tuyển dụng trở lại. Và đó là nhờ các hoạt động tiêu thụ trong chương trình kích hoạt đã vận hành khá tốt.”

Các kinh tế gia lâu nay vẫn coi sự chi tiêu của chính phủ, nhất là vào cơ sở hạ tầng, là một công cụ hữu hiệu để đem lại sinh lực cho một nền kinh tế trì trệ.

Ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008, chính phủ Việt Nam đã có biện pháp chận đứng đà lạm phát phi mã và đầu tư do các hoạt động quá mức trong khu vực địa ốc. Hồi đầu năm 2008, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam đã lên tới 25 phần trăm, trong khi mức thâm hụt mậu dịch phình ra tới hơn 14 tỷ đôla.

Ông Clive Randall, chủ tịch Phòng Thương mại Uùc tại Việt Nam, cho rằng chính phủ đã đáp lại bằng các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát nền kinh tế.

Ông Randall nói: “Việt Nam đã nếm mùi khủng hoảng kinh tế khoảng chừng 6 tháng trước phần còn lại của thế giới. Lúc đó, Việt Nam đang bước vào một chu kỳ lạm phát nguy hiểm, và nhà nước đã nhấn thắng và kiên quyết ngăn chặn bằng cách kiểm soát tình trạng lạm phát.”

Thế nhưng sau đó cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, làm ngưng đọng luồng vốn vào lúc tín dụng quốc tế cạn kiệt. Trong 9 tháng đầu năm 2009, luồng vốn đứng ở mức chỉ có 12 tỷ đôla, bằng 1 phần 5 mức trước đó 1 năm.

Bất kể tình trạng trì chậm, các giới chức Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế. Ông Randall đồng ý như thế và nói rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài nay vẫn nhìn vào Việt Nam với nhiều thiện cảm một năm sau cuộc suy thoái.

Ông Konishi của Ngân hàng Phát triển Á châu nói rằng chính phủ sẽ cần phải quản lý nền kinh tế một cách thận trọng.

Ông Konishi cho biết: “Sự phục hồi kinh tế cũng đã kèm theo rủi ro lớn hơn. Điều quan trọng đối với chính phủ là phải đạt được thế quân bình giữa tăng trưởng và ổn định. Vì thế tôi phỏng đoán rằng tỷ lệ tăng trưởng dự kiến là 6,5% sẽ là một mục tiêu khá dễ dàng chính phủ có thể đạt được.”

Ông Konishi nói một khi ổn định được tái lập, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lại coi Việt Nam là một nơi thuận lợi để đầu tư.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG