Không hiểu tôi đã nghe câu nói này từ khi nào nhưng trước khi rời khỏi Việt Nam tôi đã biết và hiểu rõ câu: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Có thể vì từ nhỏ tôi đã ham đọc chuyện chưởng. Nhưng cũng có thể vì ngay từ lúc ấu thơ tôi đã chứng kiến cảnh cha mình phải vào tù ngồi để được cải tạo thành một công dân mới.
Rất tiếc sự cải tạo cho ông đã không thành công cho lắm vì ngay sau khi ông được thả ra, việc đầu tiên ông làm là tìm đường trốn khỏi nơi mà ông vừa được dạy dỗ là thiên đường của xã hội chủ nghĩa.
Không những thế ông còn lôi kéo cả mấy đứa con cùng đi chung! Báo hại trong một lần bị chủ ghe gạt, tôi và cô em gái của tôi lúc ấy chỉ mới 7, 8 tuổi đầu đã biết thế nào là nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.
Hình như lần đó cả hai anh em chúng tôi đã bị cho vào tù ngồi khoảng trên dưới một tháng. Nếu tính đúng theo như câu nói trên của người xưa thì nếu như chúng tôi không bị bắt thì xem như chúng tôi đã sống được trên dưới 30,000 năm tự do thoải mái ở bên ngoài. Có phải không các bạn?
Phải nghĩ thế thì chúng ta mới thấy rằng 9 bản án mà Đảng Cộng Sản Việt Nam dành cho 9 nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Hà Nội và Hải Phòng trong tuần vừa qua là quá tàn nhẫn và khắc nghiệt.
Ở những đất nước văn minh khác thì không những việc làm của họ được xã hội tán thưởng, ủng hộ mà chính chính phủ cũng phải tìm cách nâng đỡ, khuyến khích cho họ có tiếng nói đối lập. Hoặc độc lập.
Nhưng ở Việt Nam thì nó hoàn toàn ngược lại.
Thế mà trong những tháng ngày tôi còn làm việc và sinh hoạt ở Việt Nam, đi đâu tôi cũng thấy băng rôn biểu ngữ, chữ nào chữ nấy to và rõ mồn một: Tất cả vì dân giàu, nước mạnh. Xã hội công bằng, văn minh.
Thật đúng như câu của người dân Sài Gòn thường nói mà tôi đã từng thú nhận trước đây là tôi rất thích: thấy dzậy mà hổng phải dzậy đâu Hội ơi!
Đọc nhiều nhất
1