Đường dẫn truy cập

Thêm hy vọng chống sốt xuất huyết 


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 50 triệu ca sốt xuất huyết mỗi năm trên toàn thế giới. 2/5 dân số thế giới, tức khoảng 2 tỉ 500 triệu người, có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh này. Hiện nay bệnh cũng như muỗi mang mầm bệnh đang lây lan đến những vùng như Texas của Hoa Kỳ, dù vùng này ở rất xa vùng nhiệt đới, nơi sanh sôi nẩy nở của virút sốt xuất huyết. Các khoa học gia tại San Antonio, Texas đã triển khai một đường lối nghiên cứu mới với nhiều chỉ dấu cho thấy có nhiều hy vọng chống lại căn bệnh thường gây chết người này.

Tại trung tâm nghiên cứu Sinh Y học ở San Antonio, bà Rebecca Rico-Hesse và những đồng nghiệp sử dụng những con chuột được tiêm những tế bào gốc của con người để nghiên cứu về bệnh sốt xuất huyết.

Bà Rico-Hesse giải thích: “Về căn bản, chúng tôi tái tạo lại hệ thống miễn nhiễm của con người vào những con chuột này và cũng bởi vì chúng có hệ thống miễn nhiễm này nên chúng có thể bị lây nhiễm và có nhiều triệu chứng giống như bệnh sốt xuất huyết.”

Bằng cách làm cho chuột bị lây nhiễm những chuỗi virút bệnh sốt xuất huyết, những nhà nghiên cứu có thể xem xét bệnh này xảy ra như thế nào, và những yếu tố nào có thể thường gây ra cơn sốt xuất huyết trầm trọng và đôi khi gây chết người.

Đối với người, bệnh này thường gặp tại vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Bệnh gây ra những cơn ngứa khó chịu, nóng sốt, nhức đầu. Những trường hợp trầm trọng hơn bao gồm chảy máu dưới da, bị sốc và chết. Hiện nay không có phương cách chữa trị hay làm cho lành bệnh.

Bà Rico-Hesse và đồng nghiệp là ông Javier Mota vừa cho công bố một bản phúc trình cho thấy là phương pháp nghiên cứu của họ có thể giúp dẫn đến việc chữa trị tốt hơn bằng cách nhận dạng rõ ràng chuỗi virút nguy hiểm nhất.

Bà Rico-Hesse cho biết: “Trong phúc trình này chúng tôi trình bày những kết quả của 8 chủng loại virút khác nhau, và chúng tôi chỉ rõ loại virút gây ra những cơn dịch nguy hiểm và những loại gây nên sốt xuất huyết thực ra là loại virut có những biến dạng cụ thể về gene.”

Thông thường muỗi là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết. Khi muỗi chích chúng truyền một loại protêin vào da. Chuyện này không xảy ra khi chuột được tiêm virút tại phòng thí nghiệm. Do đó các khoa học gia phải nuôi muỗi để chích chuột và lây bệnh.

Bà Rico-Hesse giải thích tiếp: “Nếu bạn chỉ tiêm chuột bằng một ống tiêm, bạn sẽ không có được yếu tố hạch nước dãi của muỗi và tất cả những điều gì xảy ra trong điều kiện lây nhiễm tự nhiên có thể làm tăng hay giảm tỉ lệ lây nhiễm.”

Bà Rebecca Rico-Hesse làm việc cật lực giữa những người bị bệnh sốt xuất huyết tại Châu Mỹ La tinh.

Bà nói: “Tôi có cơ hội đi đến nhiều quốc gia và thăm các bệnh nhân, cả các trẻ em đang chết tại bệnh viện. Điều đó giúp cho tôi có sự thôi thúc cần phải làm việc nhiều hơn nữa.”

Dù rằng những loại vắc xin hiệu nghiệm hay những loại thuốc chống virút sốt xuất huyết còn xa vời nhưng các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tiến được những bước tiến quan trọng và hy vọng một ngày nào giảm bớt được những đau đớn do cơn bệnh này gây ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG