Đường dẫn truy cập

Tại sao y tế Hoa Kỳ cần cải tổ?


Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Bà nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Sài Gòn, 1971-75), và tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978) ghi lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn vào mùa xuân 1975. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1975, bà trở lại trường học và tốt nghiệp ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế tại Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Từ 1991-93, bà làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., từ cuối năm 1993 tới khi về hưu vào giữa năm 2006. Bà hiện cư ngụ tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Kỳ 1

Trong bầu không khí sôi nổi của những cuộc hội thảo, đôi khi trở nên lớn tiếng, cãi vã, mang nhiều mầu sắc chính trị đảng phái giữa hai phe bênh và chống việc cải tổ hệ thống y tế ở Hoa Kỳ đang diễn ra khắp nước hiện nay, cuốn phim tài liệu 'Money-driven Medicine' được tung ra như một mời gọi mọi người hãy bình tâm để tìm hiểu sâu xa về tình trạng y tế của một quốc gia giầu mạnh nhất thế giới này, tại sao ra nông nỗi và cần phải cải tổ, và phải bắt đầu từ đâu.

Cuốn phim dài 90 phút này do nhà làm phim đã từng được giải Oscar Alex Gibney thực hiện, Peter Bull và Chris Matonti sản xuất, Andy Fredericks đạo diễn, dựa trên cuốn sách nổi tiếng cùng tên của ký giả Maggie Mahar (do HarperBusiness xuất bản năm 2006). Một ấn bản thu ngắn còn 50 phút đã được trình chiếu lúc 10g tối ngày 28 tháng 8 vừa qua trên chương trình Bill Moyers Journal, thuộc hệ thống truyền hình vô vị lợi PBS.

Được trình bầy hoàn toàn dựa vào phỏng vấn và các đoạn phim phóng sự, không có lời kể (narration) ở hậu trường của nhà làm phim, và, theo tôi, đây là một kỹ thuật khá lôi cuốn sự chú ý của khán giả, cuốn phim, tạm dịch là "Nền Kỹ Nghệ Y Tế Kinh Tài", nói lên hiện tượng thương mại hoá của hệ thống y tế của Mỹ mà mục tiêu là khuếch trương (growth) và kinh tài (profit), biến bệnh nhân thành một món hàng thay vì là một đối tượng phải phục vụ, và đặc biệt khiến nhiều bác sĩ cảm thấy mình không còn có thể theo đuổi được lý tưởng phục vụ nhân loại như khi đưa tay thề với ông tổ y học Hippocrate trong buổi lễ tốt nghiệp.

Từ nhiều chục năm nay người ta nói nhiều tới chuyện cải tổ hệ thống y tế tại Hoa Kỳ. Cải tổ đâu chưa thấy mà chỉ thấy giá bảo hiểm mỗi năm một tăng, mỗi năm lại có thêm người rớt lọt ra khỏi cái lưới an toàn bảo hiểm sức khỏe, phá sản vì hoá đơn nhà thương, bên cạnh những phí phạm lớn lao, kể cả nhiều lầm lẫn chết người trong giới hành nghề và quản trị y tế.

Tại sao các quốc gia tân tiến khác có thể có được một hệ thống y tế vừa phổ thông lại đầy tính nhân bản để săn sóc người dân của mình, mà Hoa Kỳ, nổi tiếng là một siêu cường số 1, với hệ thống y khoa hiện đại nhất thế giới, trị giá 1 phần 6 của lợi tức quốc gia 12 ngàn tỉ Mỹ kim, mà không lo nổi cho người dân, mà để có 47 triệu con người, tức 16% dân số, không có bảo hiểm y tế (theo thống kê năm 2006, bây giờ chắc là nhiều hơn với tình trạng kinh tế hiện tại)?

Theo Maggie Mahar, tác giả cuốn sách nổi tiếng cùng tên mà cuốn phim đã được thực hiện dựa vào đó, thì sở dĩ nền y tế Hoa Kỳ ngày một trở thành thương mại hoá và vô tình đến vô nhân là vì sau Đệ nhị Thế chiến khi các nước khác để chính phủ họ can thiệp vào việc coi sóc sức khoẻ của dân để ai cũng được hưởng, qui định luật lệ để bảo đảm phẩm chất dịch vụ y tế, thì ở Mỹ các bác sĩ quyết liệt chống đối sự can thiệp này.

Thực tế, tác giả "Money-driven Medicine", xuất hiện trong cuốn phim tài liệu như một trong những người được phỏng vấn, cho biết, "Sau khi luật Medicare được ban hành vào năm 1965, các bệnh nhân cao niên nhận được sự săn sóc tốt hơn trước rất nhiều", chứng tỏ việc chính quyền can thiệp vào các sinh hoạt y tế không hẳn là một điều dở.

Một nền y tế kinh tài ra đời

"Thế rồi cùng thời gian này guồng máy kỹ nghệ y tế (industrial medical complex) thành hình," ký giả Mahar tiếp. "Vào đầu thập niên 1970 vì dính dáng đến nhiều tiền bạc quá nên đột nhiên có người bắt đầu nói, 'Quý vị có biết không, ngành y tế quá quan trọng để cho các bác sĩ điều hành. Chúng ta đều biết là các bác sĩ đều là những nhà quản lý dở. Điều mà chúng ta cần là các chuyên viên thương mại quản trị và điều hành hệ thống y tế.' Và đấy là lúc ngành y tế từ chỗ được tập trung trong tay và kiểm soát bời các bác sĩ được chuyền sang quyền kiểm soát của tổ hợp pháp nhân và các ông giám đốc của những tổ hợp này.

"Rồi, với thời gian qua," bà Mahar tiếp, "dần dà ông giám đốc nhà thương không còn là một người với cái bằng MD nữa. Ông ta là một người với bằng MBA. Và các giám đốc này thì nghiêng về việc khuếch trương thương mại, gia tăng lợi tức mỗi ba tháng, ba tháng này tới ba tháng kế, và năm này qua năm khác, luôn luôn tìm cách bán cho thật nhiều, kiếm thêm lợi tức, mỗi ngày một nhiều hơn. Người ta sản xuất nhiều dịch vụ hơn. Song nhiều không có nghĩa là tốt cho sức khoẻ của chúng ta."

Đã là một tổ hợp thương mại, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền, nên không thiếu người hay nhóm nhảy vào đầu tư vì lợi nhuận dễ kiếm và nhiều. Có thương mại hoá, có khuếch trương, có cạnh tranh và có nhu cầu bảo mật những khám phá y học mới thay vì chia sẻ để bệnh nhân ở các nhà thương khác cũng được hưởng lợi. Và cạnh tranh không phải để dịch vụ y tế ngày càng được làm tốt để phục vụ bệnh nhân, mà để các nhà thương có thể gia tăng lợi nhuận, bằng cách này hay cách khác, kể cả việc đòi hỏi mỗi bác sĩ chỉ được phép khám mỗi bệnh nhân trong một khoảng thời gian ngắn, để ông hay bà ta có thể thăm bệnh cho nhiều người trong một ngày.

"Điều mà tôi nhớ nhất là có thể ngồi xuống trong một căn phòng và chuyện trò với bệnh nhân của tôi cả giờ đồng hồ," bác sĩ chuyên về tim Andrey Espinoza, Flemington, New Jersey, nói. "Thế nhưng, bạn biết đấy, chúng tôi bị áp lực bởi thời giờ và số bệnh nhân phải khám, bạn biết đấy, 15 phút ngày nay là một khoảng thời gian dài. Đó là một khoảng thời gian dài. Đúng là chúng tôi rơi vào một chuỗi làm việc giây chuyền (assembly line) ... Nó không cho phép bạn có một liên hệ mật thiết với người nào mà không có ai đó đang tìm cách phá vỡ cái liên hệ đó."

Càng cung cấp dịch vụ nhiều, nhà thương càng có lợi, không cần biết dịch vụ ấy có làm cho người bệnh khá hơn, khỏe ra. Nếu bệnh nhân từ chối không chấp nhận một dịch vụ mà người đó cho là có hại hơn là lợi, thì nhà thương đã có biện pháp đối phó. Như kinh nghiệm cay đắng mà gia đình bác sĩ James Weinstein, giám đốc Department of Orthopaedic Surgery tại Dartmouth-Hitchcock Medical Center, Lebanon, New Hampshire, đã phải trải qua, dú chính ông cũng là một bác sĩ y khoa như ai. (Còn tiếp một kỳ)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG