Đường dẫn truy cập

Một nơi dạy tiếng Việt trong vùng Hoa Thịnh Đốn


Hội Giáo dục trẻ em vùng Washington D.C được thành lập từ những năm đầu tiên người Việt tị nạn đặt chân lên đất Mỹ đã giúp cho các em học sinh trong vùng đọc được tiếng Việt, nói được tiếng Việt và giữ gìn bản sắc của người Việt. Mời quý vị theo dõi câu chuyện của Hội qua sự trình bày của Hà Vũ.

Được thành lập vào năm 1977, sau 33 năm gầy dựng, Hội Giáo dục trẻ em vùng Hoa Thịnh Đốn vào đầu tháng 8 vừa qua đã tổ chức lễ mãn khóa lớp Hè tiếng Việt năm thứ 33 tại trường Trung học Lake Braddock, thuộc quận Fairfax, Virginia.

Từ một lớp hè đầu tiên chỉ vỏn vẹn có 10 học sinh, đến nay lớp Hè tiếng Việt đã có 18 lớp với 450 học sinh. Cô Chữ Nhất Anh, hiện là chủ tịch Hội kể lại quá trình thành lập Hội.

“Khoảng hai năm sau khi định cư tại đất Mỹ, khỏi xướng bởi Bố của tôi là ông Chữ Bá Anh và Mẹ của tôi là bà Vi Khuê. Hai người đều là nhà giáo bên Việt Nam từ hồi xưa. Qua đây sự thôi thúc về tiếng Việt, sự yêu thương tiếng Việt rất mãnh liệt và thấy các cháu đã bắt đầu quên tiếng Việt thành ra Ba Mẹ tôi, nhất là Ba tôi là người khởi xướng Hội Giáo dục Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn vào năm 1977.

Thực sự lúc đó chỉ mở một lớp nhỏ và gọi tất cả các em Việt Nam trong vùng đến học. Trong lúc đó các em khoảng chừng 6, 7 tuổi. Lớp đầu tiên có 10 em và các em đến học một tuần vào ngày thứ Bảy thôi tại vì mình chỉ mượn được một phòng học và các em đến thì mình dạy tiếng Việt và mình nói chuyện với các em. Đó là lớp học đầu tiên. Sau đó đến năm thứ hai, xin được một trường học khác, mở thêm vài ba lớp, có thêm sự cộng tác của những nhà giáo mới qua từ Việt Nam định cư cùng một thời gian như cô Lê Tống Mộng Hoa, Phạm Mỹ Huyền, giáo sư Phạm Văn Hải là người đã đề nghị ra phương pháp dạy tiếng Việt cho hội Giáo dục Trẻ em Việt Nam mà bây giờ chúng tôi vẫn còn dùng.”

Gọi là lớp Hè bởi vì các lớp bắt đầu học sau khi các em học sinh nghỉ hè. Thường thì các lớp Hè được mở vào tuần thứ ba của tháng sáu và kết thúc vào tuần đầu của tháng tám tức là học trong 6 tuần lễ.

Thời gian đầu lớp Hè tiếng Việt chỉ học vào ngày thứ Bảy nhưng hiện nay các em học sinh được học mỗi tuần 3 buổi vào các tối thứ Hai, thứ Tư và thứ Năm từ 7 giờ rưỡi đến 9 giờ rưỡi. Lý do phải học buổi tối vì tuy các em được nghỉ hè nhưng cha mẹ cũng như các thầy cô giáo tình nguyện đều phải đi làm ban ngày.

Các lớp Hè tiếng Việt được chia làm 7 cấp tùy theo trình độ của các em học sinh. Cô Chữ Nhất Anh giải thích:

“Chúng tôi có bảy cấp lớp: lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5, lớp 6 và lớp 7. Sau khi hết lớp 7 rồi thì coi như các em đã có đủ một số vốn tiếng Việt tức là các em có thể viết những bài luận, nói tiếng Việt trôi chảy.”

Đặc biệt sau khi học hết cấp 7, các em nếu vẫn còn cư ngụ trong vùng, thường hay trở lại để giúp các em học các lớp dưới. Cô Chữ Nhất Anh cho biết thêm.

“Thường thường các em học hết lớp 6, lớp 7 rồi thì trở lại làm phụ giáo. Các em đi học đại học, các em cũng trở lại để giúp cho các thầy cô giáo dạy các em nhỏ trong lớp. Ba ngày một tuần các em đến để giúp cho các cô giáo chấm điểm, đọc truyện hay giúp những gì cô giáo cần hoặc là nhà trường cần. Ngoài ra ngày thứ Tư chúng tôi có một lớp riêng để dạy cho các em, giúp cho các em hiểu thêm về văn hóa tiếng Việt, về lịch sử, về âm nhạc. Đó là ngày thứ tư cho các em phụ giáo.”

Sau 3 tháng hè học ở trường, thời gian còn lại các em có thể ôn luyện tiếng Việt, chữ Việt tại nhà với sự giúp đỡ của cha mẹ hay vào website của Hội. Cô Chữ Nhất Anh giải thích.

“Thật sự mình dạy trong trường chỉ có được mùa hè thôi nhưng sự góp sức của cha mẹ rất cần thiết thành ra những cha mẹ đưa các con các cháu đến học rồi về nhà giúp các cháu nói thêm. Những điều các cháu học trong lớp, về nhà thực tập. Đó là một điều quan trọng để có thể giữ gìn được tiếng Việt.”

Cô Chữ Nhất Anh cho biết là tất cả tài liệu giảng dạy đều do thầy cô trong Hội soạn thảo.

“Đã bao nhiêu năm nay chúng tôi soạn thảo tất cả. Mọi sự do hội làm nên chứ không lấy sách ở ngoài. Tất cả những bài giảng chúng tôi soạn bằng hai thứ tiếng vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh. Soạn tất cả những bài vở, bài tập đều do Ban Tu thư gồm có cô Vi Khuê, anh Huỳnh Tường Minh, Chữ Nhị Anh là những người trong ban Tu thư đảm trách.”

Để có thể tồn tại trong 33 năm qua, hầu hết chi phí về tài chánh đều do các hội viên đóng góp. Tuy nhiên từ 6 năm qua hội được chính phủ Mỹ tài trợ mỗi năm 10 nghìn đô la đủ để đóng tiền thuê mướn các phòng học cho các em trong 3 tháng hè và các chi phí khác.

“Thật sự chúng tôi không có nhiều tài trợ. Đây là một hội non-profit organization, một hội không có tư lợi và các em đến học đều đóng 80 đồng. Tiền đó chúng tôi dùng để trả tiền trường, in sách vở và làm phần thưởng. Ngoài ra chúng tôi một năm có khoảng từ 10.000 đô la từ hội FCC và chúng tôi cũng dùng số tiền đó để trang trải. Nguyên tiền thuê mướn trường học mỗi năm, mỗi mùa hè khoảng chừng 10.000 đồng. Tiền còn lại chúng tôi dùng để in sách vở, làm phần thưởng và cũng trích ra một số tiền, với tất cả sự cố gắng gữi lại cho các thầy cô giáo gọi là một token of appreciation, sự biết ơn. Gửi lại các thầy cô giáo một chút quà gọi là tiền xăng nhớt. Đó là một điều mới mà chúng tôi cố gắng làm trong vòng 5 năm qua.”

Đề cập đến lợi ích của lớp Hè tiếng Việt mang lại cho con em của cộng đồng Việt Nam cư ngụ trong vùng, bà Lê Tống Mộng Hoa, một phụ huynh học sinh có con em theo học tiếng Việt tại trường từ khi Hội Giáo dục trẻ em được thành lập từ năm 1977 có nhận xét.

“Các cựu học sinh của trường tiếng Việt đó bây giờ có người là surgeon, có người là luật sư mà vẫn còn nói tiếng Việt bằng chứng là con trai út của tôi bây giờ là luật sư mà vẫn nói tiếng Việt được là nhờ trường tiếng Việt đó. Nếu mình không dạy cho nó tiếng Việt, đọc viết tiếng Việt thì sau này mình sẽ không có những người giúp cho cộng đồng biết nói tiếng Việt.”

Nhận thấy được lợi ích thiết thực của các lớp Hè tiếng Việt, càng ngày càng có nhiều cha mẹ học sinh cho con đến trường học đọc và viết chữ Việt trong những tháng hè. Tuy nhiên vì số thầy cô có hạn nên trong khóa mùa Hè năm 2009, các lớp chỉ nhận được 450 học sinh mà lẽ ra có thể nhận được nhiều hơn nữa. Trong buổi tiếp xúc với báo chí nhân ngày khai mạc lớp Hè tiếng Việt vào ngày 29 tháng 6 vừa qua, cô Nguyễn Phan Trinh, Hiệu trưởng các lớp Hè cho biết là sang năm 2010 Hội sẽ mở thêm các lớp nữa để đáp ứng nhu cầu cho con em học tiếng Việt của các cha mẹ học sinh trong vùng, đặc biệt là mở thêm lớp một.

Ngoài các lớp Hè, Hội Giáo dục Trẻ em vùng Hoa Thạnh Đốn còn có trang web ở địa chỉ vyea.com để các học sinh cũng như các phụ huynh có thể truy cập tìm tài liệu sách vở cần thiết cho con em mình.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG