Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia có kế hoạch ký một hiệp ước quan trọng vào hôm thứ Bảy để bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng những người ủng hộ phong trào dân tộc chủ nghĩa của cả hai bên đe dọa sẽ phá hỏng việc thi hành hiệp định này.
Ngoại trưởng Armenia Edward Nalbandian và người đối tác Thổ Nhĩ Kỳ là ông Ahmet Davutoglu sẽ ký nghị định thư tại Zurich, Thụy Sĩ nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao và mở cửa biên giới giữa hai nước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tham dự lễ ký kết.
Khoảng 10,000 người chống đối hiệp ước đã biểu tình tuần hành tại thủ đô Yerevan của Armenia hôm thứ Sáu.
Các phân tích viên cho rằng sự chống đối mạnh mẽ trong nội bộ hai nước sẽ làm chậm tiến trình phê chuẩn của Quốc hội đôi bên.
Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia trong gần một thế kỷ qua đã tranh cãi về việc đế quốc Ottoman giết hại tập thể những người Armenia trong và sau Thế chiến thứ nhất.
Người Armenia muốn những vụ tàn sát này phải được công nhận là diệt chủng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ bác bỏ.
Hiệp ước kêu gọi việc thành lập một ủy ban hỗn hợp những sử gia độc lập để xem xét vấn đề diệt chủng này được các chuyên gia xem như là một sự nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ vì uỷ ban sẽ mở lại vấn đề mà Armenia xem như là đã được xác nhận rồi.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới với Armenia từ năm 1993 để tỏ tình đoàn kết với Azerbaijan.
Azerbaijan đã chiến đấu chống lại các phần tử ly khai được Armenia hỗ trợ tại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm thứ Sáu nói là những cuộc thảo luận với nhân vật tương nhiệm, Tổng thống Armenia Serzh Sarkisyan, về vùng tranh chấp này kết thúc trong thất bại, trái ngược với những lời tuyên bố trước đây của Nga.
Hai vị Tổng thống đã thảo luận về vấn đề này hôm thứ Năm tại Chisinau, thủ đô Moldova trong hội nghị thượng đỉnh của khối Thịnh vượng chung các quốc gia độc lập, gồm hầu hết các nước Cộng hòa Xô viết cũ.
Sự tranh chấp về lãnh thổ đang diễn ra có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bình thường hóa với Armenia.
Đọc nhiều nhất
1