Đường dẫn truy cập

Công chúng Hoa Kỳ chia rẽ về cuộc chiến Afghanistan


Trong khi chính quyền Obama cân nhắc về đường hướng tương lai ở Afghanistan, ý kiến công chúng Hoa Kỳ vẫn còn chia rẽ về vai trò của Hoa Kỳ cũng như về vấn đề có nên triển khai thêm quân tới đó hay không. Thông tín viên Jim Malone của VOA tường thuật từ Washington.

Hai cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy một quan điểm không đồng nhất về cách nhìn của người dân Mỹ đối với cuộc xung đột ở Afghanistan.

Một cuộc thăm dò dư luận do tờ USA Today và tổ chức Gallup tiến hành cho thấy 48% số người được hỏi ủng hộ triển khai thêm quân tới Afghanistan, trong khi 45% phản đối.

Theo ông Peter Brown, một người thực hiện cuộc thăm dò ý kiến, thì một cuộc thăm dò gần đây do Đại học Quinnipiac ở Connecticut thực hiện cũng đưa ra một kết quả tương tự: 'Dữ liệu của thăm dò ý kiến cho thấy rõ rằng người Mỹ vẫn còn rất lưỡng lự về những gì xảy ra ở Afghanistan. Một đa số với chênh lệch ít ỏi khoảng 52% người Mỹ nghĩ rằng Hoa Kỳ đúng khi có cam kết quân sự ở đó. Nhưng một phần lớn khác không nghĩ rằng cam kết đó sẽ có thể ngăn chặn những kẻ khủng bố sử dụng Afghanistan làm căn cứ khủng bố để tiến hành các hoạt động khủng bố chống lại Hoa Kỳ'.

Ông Brown cũng nói rằng 55% người tham gia thăm dò ý kiến tin tưởng tổng thống sẽ đưa ra quyết định đúng đắn về Afghanistan, trong khi 81% tin tưởng vào các lãnh đạo quân sự sẽ đưa ra các đề nghị đúng đắn về số quân ở nước này.

Ông Brown nói: 'Rõ ràng là có khoảng cách giữa hai con số đó, và nó cho thấy khả năng sẽ xảy ra các vấn đề chính trị mà Tổng thống Obama phải đối mặt nếu ông không chấp thuận đề xuất quân sự và rằng sự khác biệt đó sẽ trở thành một vấn đề lớn'.

Nếu Tổng thống đi tới quyết định chấp thuận sự gia tăng quân số ở Afghanistan, ông sẽ nhận được sự ủng hộ từ phe Cộng hòa trong Quốc hội.

Dân biểu John Boehner đại diện cho tiểu bang Ohio, hiện là lãnh tụ phe Cộng hòa ở Hạ viện, lên tiếng: 'Rõ ràng là mục tiêu mà Tổng thống đưa ra hồi tháng Ba về chuyện ngăn chặn al-Qaida và Taliban sử dụng Afghanistan làm một cứ địa an toàn vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu. Và nếu đó là một mục tiêu, tôi tin rằng các đồng viện thuộc đảng Cộng hòa ở Hạ viện sẽ ủng hộ ông'.

Nhưng bất kỳ quyết định triển khai thêm quân nào có phần chắc sẽ gây ra sự chống đối từ một số đảng viên Dân chủ trong quốc hội, những người phản đối việc tăng quân ở Afghanistan.

Chủ tịch Hạ viện thuộc phe Dân chủ, bà Nancy Pelosi, lại có thái độ 'chờ xem' về cuộc duyệt xét chính sách: 'Tổng thống đã có một đường lối rất thận trọng đối với quyết định khó khăn mà ông sẽ phải đưa ra. Khi chúng tôi thấy được đề xuất của tổng thống, và kế hoạch của ông ra sao, thì rồi chúng tôi sẽ có đáp ứng'.

Một số chuyên gia nhận thấy có những tương đồng giữa cuộc thảo luận về chiến lược ở Afghanistan và sự gia tăng tham chiến của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam trong những năm 60.

Ông Robert Dallek là tác giả và sử gia viết về tổng thống. Ông nói: 'Một khi công chúng chống lại chiến tranh, khi bị thuyết phục rằng những người chủ trương tiếp tục cuộc chiến đang tiến vào một sự khó khăn thất bại rồi sẽ bị sa lầy, điều đó sẽ gây ra các khó khăn chính trị to lớn cho tổng thống, và nó làm hao mòn uy tín, lòng tin vào khả năng phán đoán của ông cugn như khả năng thực hiện các cải tổ trong nước'.

Các nhà phân tích chính trị nói rằng quyết định của ông Obama về chuyện có gửi thêm quân tới Afghanistan hay không có phần chắc sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Nhưng phát ngôn viên tổng thống Robert Gibbss nói rằngtầm vóc của chuyện đó vượt ra ngoài cá nhân của tổng thống: 'Đây không phải là một thử nghiệm cho một người, cho một thực thể. Đây là cuộc thử nghiệm cho đất nước chúng ta nhằm giải quyết một cách đầy đủ và đúng đắn trước sự đe dọa của những kẻ cực đoan từ Afghanistan và Pakistan. Đó là điều hết sức quan trọng và được tổng thống đặt nặng, và là điều mà tổng thống cần phải có thời gian để đưa ra quyết định chín chắn'.

Theo dự kiến, một quyết định về chiến lược cho cuộc chiến Afghanistan sẽ được công bố trong nay mai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG