Một biên tập viên nổi tiếng của Ai Cập đang đối mặt với những biện pháp kỷ luật sau khi gặp Đại sứ Israel. Một cuộc điều tra do các đồng nghiệp của nhà báo này thực hiện sẽ diễn ra trong vài ngày nữa và theo dự liệu sẽ nêu bật sự mâu thuẫn giữa tự do báo chí với các mục tiêu chính trị. Từ Cairo, thông tín viên Elizabeth Arrott của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Bà Hala Mustafa đã tiếp Đại sứ Israel Shalom Cohen hồi tháng trước tại văn phòng của bà ở trụ sở của công ty truyền thông bán chính thức al-Ahram ở Cairo.
Cuộc gặp gỡ này vi phạm những qui định đã có từ lâu của nghiệp đoàn báo chí Ai Cập, cấm các thành viên không được tiếp xúc với người Israel.
Bà Mustafa, biên tập viên của tạp chí Dân chủ của tờ al-Ahram, cho biết rằng qui định được ban hành năm 1983 không phù hợp với lợi ích quốc gia.
Bà Mustafa nói: "Tôi nghĩ rằng Ai Cập, vì là nước đại diện cho xu hướng ôn hòa trong khu vực, nên phải lấy đối thoại làm công cụ để giao tiếp với thế giới. Tôi nghĩ rằng chúng tôi, trong tư cách cá nhân, được quyền theo đuổi một chính sách như vậy hoặc được quyền có cách suy nghĩ như vậy."
Trong thế giới Ả rập, Ai Cập là nước có mối quan hệ với Israel vững mạnh nhất. Chính phủ ở Cairo cũng tự cảm thấy hãnh diện về vai trò của mình trong nỗ lực hồi sinh tiến trình hòa bình Trung Đông, và trong tuần này, họ đã tìm cách làm trung gian để xoa dịu vụ tranh chấp giữa Palestine với Israel về đền thờ al-Aqsa ở Jerusalem. Ai Cập và Israel cũng có những mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế và khoa học.
Tuy nhiên, các thành viên của nghiệp đoàn báo chí cho rằng việc bình thường hóa điều mà họ gọi là “quan hệ văn hóa” với Israel là một thái độ đầu hàng. Họ muốn duy trì lệnh cấm để tạo áp lực với Israel về các vấn đề liên quan tới người Palestine và sự lấn chiếm của Israel trong những khu vực của người Ả rập ở thành phố Jerusalem.
Một bài bình luận của tờ al-Ahram ngày hôm nay cho rằng việc bình thường hóa với Israel cũng giống như sự thất bại của người Da Đỏ ở Mỹ trong cuộc chiến chống lại những người Âu châu đến định cư ở Tân Thế giới.
Bà Mustafa nói rằng bất kể là mục tiêu nguyên thủy của lệnh cấm là gì đi nữa thì lệnh này cũng đã trở thành vô nghĩa vì thường xuyên bị vi phạm. Bà nêu lên sự kiện là trong số nhiều người cầm bút Ai Cập chẳng những gặp người Israel mà còn đến thăm Israel có ông Abdel Moneim Said, Chủ tịch công ty al-Ahram và là tác giả của bài bình luận vừa kể.
Bà Mustafa cho biết: "Đó là lý do tại sao tôi nói một cách công khai, rõ ràng, và thẳng thắn là nghị quyết mà nghiệp đoàn báo chí thông qua hồi đầu thập niên 80 giờ đây cần phải sửa đổi và cần phải suy xét lại vì lợi ích của Ai Cập, vì lợi ích của các thế hệ trẻ, của các thế hệ tương lai."
Theo dự liệu, bà Mustafa sẽ phải ra trước phiên họp của các đồng nghiệp vào thứ bảy tuần này để giải thích những hành động của bà.