Đường dẫn truy cập

Viết ngắn về thơ


* Sinh quán Hà Đông, Bắc Việt (1943). Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng. Di cư vào Sài Gòn (1954). Đến Mỹ tháng Tư, 1975. Hiện sống và viết ở Seattle, Washington.
* Cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
* Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999).
* Giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.
* Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California. (2002-2005).


Tôi yêu thơ lâu ơi là lâu! Nếu nói cho có vẻ làm dáng, thì chắc là từ khi còn trong bụng mẹ. Nhưng lâu thật đấy. Nếu ai có hỏi làm thơ từ bao giờ? Suy nghĩ một lúc, có thể nói vào khoảng hai phần ba đời người. Nhưng hỏi yêu thơ từ bao giờ, thì chịu.

Hỏi, biết yêu “người ta” từ bao giờ thì có thể trả lời được. Còn thơ, thôi cứ nói là từ hồi học tiểu học. Từ lớp nào nhỉ? Cái lớp bắt đầu có những bài “Học Thuộc Lòng”. Tôi chắc chắn như vậy. Vì ngay phút này, nếu có ai hỏi tôi, thử đọc một bài học thuộc lòng ở tiểu học xem, tôi cam đoan là tôi sẽ đọc ra ngay 5 bài, hay muốn 10 bài tôi cũng sẵn sàng.

Năm 1954, khi mới di cư vào miền Nam, mẹ tôi cho tôi học lớp Ba ở trường công giáo Hòa Bình (thuộc nhà thờ Đức Bà), vì lúc đó cha tôi là công chức của sở Địa Chánh, sở ở đường Hai Bà Trưng, đằng sau Bưu Điện, gia đình tôi được ở tạm một gian nhà ngang của Sở. Tôi có thể đi bộ một mình đến trường.

Bài học thuộc lòng đầu tiên trong Nam tôi nhớ là bài “Chiếc Nón”:

Làm bằng lá dứa lá gồi
Ấy là cái nón của người Việt Nam
Từ thị thành đến thôn làng
Ai ai cũng phải đi làm sớm trưa
Nón dùng che nắng che mưa.


Bài học giản dị, dễ hiểu và không “thơ” chút nào cả. Nhưng tôi đã nhớ cả mấy chục năm đấy.

Niên học sau, gia đình tôi dọn về Thị Nghè. Tôi học lớp Nhì, và lớp Nhất ở trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây, tôi thuộc những bài học thuộc lòng dài hơn và hay hơn:

Ví dụ, bài học thuộc lòng về Đứa Trẻ Bán Báo, (lớp nhì) tôi không nhớ tên tác giả. Không biết có ai thuộc bài này không? Tôi viết ra đây một đoạn:

Tôi chỉ là một trẻ em bán báo
Khắp phố phường chân sáo nhẩy tung tăng
Cất tiêng rao lanh lảnh vang đường
Tôi đem những món văn chương ra chào khách


Hay bài học khác, về Năm Cửa Ô, được học ở lớp Nhất. Bài có năm đoạn, tôi cũng chỉ xin viết ra một đoạn:

Cửa ô năm cánh lùa hơi gió
Lối cũ đi về nhạt ánh dương
Hàng triệu con người không chịu nhục
Nằm đây nhớ lại buổi lên đường


Tôi biết, cái yêu thích những bài học thuộc lòng từ nhỏ đã là những hạt mầm gieo vào tấm lòng thơ dại của một cô bé, để khi lớn lên trở thành một người yêu thơ. Giống như những hạt đậu giấu trong một hộp cát, chỉ cần một ít nước tưới xuống, nó sẽ nẩy mầm thành những cọng giá trắng muốt, dòn tan, mong manh, nhưng đầy sức sống.

Tôi yêu thơ và tôi làm thơ, cũng tự nhiên như hạt đậu thành cọng giá thôi, chẳng có gì là “vĩ đại” cả. Nhưng bây giờ, nếu có người hỏi:

- Thế thơ là gì?

Chắc chắn, tôi sẽ đứng ngẩn người ra một vài giây, chịu. Hàng, không biết thơ là gì. Bị hỏi nhiều lần rồi. Lần nào trả lời xong, cũng biết là mình nói lung tung, nói “Dấm dớ” (Đây là chữ của một chị bạn thân hay mắng yêu.)

Thi sĩ nổi tiếng người Mỹ, gốc Anh T.S. Eliot (1888-1965) định nghĩa về thơ như thế này: “Thơ không làm cho sự xúc động bớt đi (turning loose of emotion) nhưng làm thoát ra khỏi sự xúc động (escape from emotion); thơ không diễn đạt cá tính riêng, nhưng làm thoát ra khỏi cá tính. Nhưng dĩ nhiên, chỉ những người có cá tính và sự xúc động hiểu thế nào là sự mong muốn thoát ra khỏi hai điều đó.”

Theo tôi cắt nghĩa như thế này, làm cho độc giả càng thêm bối rối. Đây là một câu định nghĩa về thơ, chỉ có thi sĩ nói cho thi sĩ nghe với nhau, không phải câu trả lời cho người đọc thơ.

Thi sĩ gốc Ba Tư, Kahil Gibran (người tôi phục sát đất) định nghĩa về thơ cũng rất mơ hồ: “Thơ là một ôm của vui vẻ, đau đớn và ngạc nhiên thích thú, cộng thêm một chút xíu tự điển.”

Giản dị đấy! Nhưng bạn nghe, có hài lòng với câu trả lời không?

Các thi sĩ Việt Nam thời trước tôi thì thay vì định nghĩa thơ, họ định nghĩa về thi sĩ:

Làm thi sĩ tức là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Xuân Diệu)


Như vậy thơ là: Trăng, gió, mây cộng lại. Toàn những thứ chỉ “cảm” chứ không bắt được bằng tay. Vì dẫu trăng có chiếu vào tay hay gió có thổi vào lòng, ta cũng không bao giờ giữ lại được.

Như vậy, nếu hỏi tôi: “Thơ là gì?” tôi chỉ biết lúng túng trả lời:

Thơ là thơ
Là những miếng nhỏ khác nhau
không múc từng muỗng được
nhưng lại đơm đầy một chiếc bát vô hình
và em có thể ngậm được thơ trong miệng
như ngậm một viên kẹo
nó tan dần tan dần và ngấm vào thân thể
Thơ cũng có thể hơi bị cao
như lượng đường trong máu

Thơ là thơ
Là một chất lỏng ngọt và đắng
không rót được
nhưng sao nó lại làm tràn cái ly
nó òa ra và làm ướt vạt áo em
gió ở đâu đến
không phải thổi cho khô
mà làm tăng độ ẩm

Thơ là thơ
Là những mảnh rất khó cầm
nên em bỏ vào trong túi
thỉnh thoảng mang ra tung tung về phía trước
đôi khi ném nhẹ về phía sau
nó bay huyễn hoặc và tuyệt vời trong không gian
như những mảnh tinh hà lấp lánh
vô cùng quyến rũ
và rất đỗi hoang mang

Thơ là thơ
Là một cái gì không rõ rệt
nó là cái quầng sáng của người mù
Thi sĩ là những người mù
chạy theo cái quầng như đứa trẻ chạy theo quả bóng bay
bay cao bay cao
mất hút vào bầu trời
không bao giờ bắt được

đứa trẻ thành thi sĩ
tưởng tượng nơi chốn thần tiên
quả bóng sẽ bay tới

Thi sĩ thành đứa trẻ
hai tay bưng mặt khóc
quả bóng
mất thật rồi.


Tôi cắt nghĩa như thế, bạn có hiểu không? Hay tôi lại bị mắng là nói lung tung và dấm dớ! Bạn hãy tha lỗi cho tôi, đó chẳng qua là lỗi của hạt đậu đã nẩy mầm thành cọng giá.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG