Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế họp tại Thổ Nhĩ Kỳ


Các giới chức của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế họp tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về những vấn đề chính yếu liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới và sự phục hồi đang còn mong manh tại một số các quốc gia. Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới đưa ra một tiên đoán vừa lạc quan vừa bi quan trong những tháng sắp tới. Thông Tín Viên Dorian Jones tường trình từ Istanbul:

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick nhanh nhạy xua tan mọi sự phấn khích về sự phục hồi kinh tế được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.

Ông Zoellick nói: “Chúng ta đã chặn đứng được sự tuột dốc của cuộc khủng hoảng tài chánh, nhưng rõ ràng là còn quá sớm chưa thể tuyên bố là chúng ta đã thành công. Năm 2009 sẽ vẫn là một năm khó khăn và đối với năm 2010, khi mọi hoạt động nhằm kích thích nền kinh tế đã qua rồi thì trong năm này tính bất trắc của nền kinh tế vẫn còn cao.”

Ông Zoellick nói thêm là một yếu tố quan trọng cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế sẽ là khả năng của khu vực tư vẫn giữ được đà tiến một khi những hiệu quả to lớn của sự can thiệp của quốc gia cũng như quốc tế bắt đầu phai nhạt dần đi, cho thấy không có gì chắc chắn. Ông Zoellick cảnh báo là ngay cả khi nền kinh tế phục hồi thì thất nghiệp vẫn còn là một vấn đề chính.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói: “Ngay cả khi quí vị bắt đầu thấy những dấu hiệu của sự phục hồi, chúng tôi và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và những cơ quan khác cũng thấy là tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao và sẽ chậm giảm xuống.”

Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới có nhận xét là những người ở tận cùng của bực thang kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng xấu nhất.

Chủ tịch Zoellick nhận định: “Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có lợi tức thấp vẫn phải chịu nhiều thiệt hại khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu, tiền kiều dân ở nước ngoài gởi về bị sụt giảm, ngành du lịch bị đình trệ và đầu tư của nước ngoài cũng giảm sút.”

Ông Zoellick kêu gọi thêm ngân khoản từ các nước đã phát triển để trợ giúp cho những người chịu thống khổ nhiều nhất tại các quốc gia có lợi tức thấp. Tuy nhiên ông công nhận là ông đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi này.

Với việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã nhận được nhiều khoản tặng dữ to lớn rồi, cũng như với việc hầu hết các chính phủ đã đổ nhiều khoản tiền khổng lồ vào nền kinh tế của nước họ thì các nước tài trợ đã mệt mỏi thấy rõ. Tuy nhiên ông Zoellick nhấn mạnh là giúp đỡ các nền kinh tế của các nước đang phát triển là lợi ích chung của mọi quốc gia.

Ông Zoellick nói: “Tiên đoán mới nhất về kinh tế cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ giúp đưa nền kinh tế toàn cầu ra khỏi cơn suy thoái như thế nào. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhớ rằng những quốc gia Đông Nam Á, Châu Mỹ La tinh, Trung Đông cũng như châu Phi cũng có thể là động cơ của sự phát triển.”

Ông Zoellick cũng nhấn mạnh thêm là cuộc khủng hoảng và hậu quả của nó đã làm nảy sinh một trật tự kinh tế mới theo đó thế giới các nước đã phát triển và đặc biệt là Mỹ không còn hoàn toàn nắm bá quyền nữa và một nền kinh tế đa cực đã xuất hiện.

Ông Zoellich nhận xét thêm là những thay đổi này phải được phản ánh trong việc điều hành những định chế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG