Đường dẫn truy cập

Tòa án Miến Điện bác bỏ đơn xin phúc thẩm của bà Aung San Suu Kyi


Một tòa án ở Miến Điện đã bác bỏ kháng cáo đòi phóng thích lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ, bà Aung San Suu Kyi. Các luật sư của bà cho biết họ sẽ kháng cáo lên một tòa cao hơn. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau.

Các luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết một tòa sơ thẩm ở Rangoon hôm nay đã bác bỏ đơn xin phóng thích bà.

Các luật sư của nhân vật tranh đấu cho dân chủ đã lập luận rằng các luật lệ quy định việc kết án bà dựa vào một bản hiến pháp đã chết và vì thế không còn hiệu lực nữa.

Ông Nyan Win là một trong các luật sư của bà Aung San Suu Kyi. Ông cho biết họ sẽ kháng cáo lên một tòa cao hơn, nơi họ vẫn còn một vài tia hy vọng.

Ông Nyan Win nói tuy đơn xin phúc thẩm đã bị bác, tòa vẫn chấp nhận lập luận của họ là không thể sử dụng bản hiện pháp năm 1974. Ông nói họ đã lập luận rằng các hạn chế áp đặt đối với bà Aung San Suu Kyi là theo hiến pháp năm 1974, vì vậy việc cáo buộc bà phải được bãi bỏ. Nhưng ông nói rằng tòa án đã phán rằng các hạn chế vẫn còn hiệu lực mặc dù bản hiến pháp thì không. Ông cho biết họ sẽ chuẩn bị đệ đơn kháng cáo lên tòa thượng thẩm.

Hồi tháng 8, một phiên tòa đã tuyên phạt bà Aung San Suu Kyi 18 tháng quản thúc tại gia vì đã cho phép một người Mỹ không được mời ở lại nhà bà và không được phép chính thức.

Người Mỹ này là ông John Yettaw, đã bị kết án 7 năm lao cải nhưng đã được tha vì lý do nhân đạo và bị trục xuất.

Vụ án đã bị cả thế giới lên án là một trò hề do giới quân nhân cầm quyền Miến Điện bầy ra để nhốt lãnh tụ đối lập cho qua cuộc bầu cử vào năm tới.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990 nhưng quân đội đã làm lơ trước kết quả đó.

Họ đã giữ bà Aung San Suu Kyi trong tình trạng quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 2 thập niên vừa qua.

Quyết định của tòa giữ nguyên bản án được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ loan báo sẽ tiếp xúc với giới quân nhân cầm quyền của Miến Điện để thúc đẩy dân chủ.

Nhưng Washington cho biết sẽ duy trì các biện pháp chế tài kinh tế đối với Miến Điện cho đến khi tình trạng chính trị được cải tiến một cách thực sự.

Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Aâu và Liên Hiệp Quốc lâu nay đã vận động đòi phóng thích bà Aung San Suu Kyi cùng với hơn 2 ngàn tù nhân chính trị khác ở Miến Điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG