Đường dẫn truy cập

Các cơ quan phát triển kêu gọi dân bản thổ góp phần trong công cuộc quản lý rừng


Một bản phúc trình mới kêu gọi các nước công nghiệp hóa bảo đảm việc hỗ trợ tài chính để bảo vệ quản lý rừng. Bản phúc trình nói rằng dân bản thổ ở châu Á nên đóng một vai trò chủ chốt trong lâm nghiệp, nhằm giảm thiểu lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau.

Bản phúc trình của tổ chức bảo vệ Đối thoại Rừng nói rằng các cộng đồng bản thổ phải tham gia vào các quyết định về việc quản lý rừng trong vùng châu Á Thái bình dương.

Diện tích rừng bị mất trên toàn cầu lên đến 13 triệu hecta mỗi năm. Phá rừng là một yếu tố chính trong việc thải khí có hiệu ứng nhà kính, phần lớn là khí carbon dioxide, mà các nhà khoa học cho là góp phần gây ra hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.

Bản phúc trình được công bố bên lề các cuộc thảo luận về khí hậu ở Bangkok hôm nay. Các cuộc họp ở đây nhằm dọn đường cho một thỏa thuận toàn cầu về việc cắt giảm khí thải và chuẩn bị cho tình trạng biến đổi khí hậu, sẽ được soạn thảo tại Copenhagen vào tháng chạp năm nay.

Ông Patrick Durst là một giới chức về lâm nghiệp thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp quốc: “Rút kinh nghiệm của chúng ta về nhiều tình huống khó khăn trên khắp thế giớk, và nếu chúng ta đã học được điều gì trong 25 đến 30 năm vừa qua – thì đó là chúng ta thực sự cần phải rất thận trọng và hữu hiệu trong việc kêu gọi sự tham gia của dân chúng địa phương, của những người có trách nhiệm trong việc quản lý rừng. Nếu không thì chắc chắn chúng ta sẽ tự dẫn mình đi đến thất bại.”

Liên Hiệp Quốc đã đề xuất chương trình Giảm thiểu Khí thải do Phá rừng và Hạ cấp rừng, còn được gọi tắt theo tiếng Anh là REDD. Hợp tác với nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc, chương trình này hy vọng thiết lập một hệ thống trong đó các công nghiệp hay các quốc gia tạo ra những khối lượng khí thải lớn có thể bù trự bằng cách trả tiền cho các nước khác để bảo vệ rừng của mình.

Các dự án thử nghiệm đã bắt đầu tại Papua New Guinee, Indonesia và Việt Nam. Tại Nepal, theo một chương trình được chính phủ hỗ trợ, hơn 14 ngàn nhóm sử dụng rừng đã gầy dựng lại hơn 1 triệu 250 ngàn mẫu rừng bị xuống cấp trong thập niên vừa qua.

Nhóm Đối thoại Rừng yêu cầu các quốc gia đã phát triển hãy tài trợ dồi dào cho chương trình REDD và bảo đảm rằng ngân khoản đến tay những người lo việc rừng cần đến nói.

Bà Vicki Tauli-Corpuz, người đứng đầu Diễn đàn Thường trực của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề bản thổ, nói rằng sách lược của REDD sẽ không có hiệu quả nếu có sự tham gia của các cộng đồng rừng.

Bà nói: “Các thách thức chủ yếu trong việc thực thi chương trình REDD thực ra là sự tham dự của dân bản thổ và các cộng đồng địa phương trong việc thực hiện các quyết định về REDD và nhận được lợi ích từ REDD. Ý tôi muốn nói là tất cả các biện pháp có liên quan đến rừng thực ra đều mang tính rất tập trung hóa. Nếu ta không thể giải quyết việc này thì tôi nghĩ khó lòng mà thành công được.”

Liên Hiệp Quốc đang tìm cách thiết lập một cơ chế tài chính quốc tế cho REDD gộp vào bất kỳ thỏa thuận này về khí hậu toàn cầu sẽ được đề xuất tại Copenhagen vào tháng chạp tới đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG